Cơ hội cho trái bưởi Việt vào Mỹ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lên tới 12 triệu tấn trái cây mỗi năm. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới hơn 330 triệu khách hàng, với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả. Nhưng đồng thời Mỹ cũng là một trong những thị trường khắt khe nhất về nông sản nhập khẩu.
Và mới đây, sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Dự kiến tháng 11/2022, lô bưởi đầu tiên sẽ chính thức được xuất khẩu sang Mỹ.
Nghe tin trái bưởi được xuất khẩu sang Mỹ, nông dân Nguyễn Văn Trí (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh - địa phương có diện tích trồng bưởi lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, với 1.300 ha và năng suất hằng năm khoảng 26.000 tấn) phấn khởi chia sẻ với báo Người Lao Động: "Khoảng 2 năm nay, nhiều người ở đây chuyển diện tích trồng bưởi Năm Roi sang trồng sầu riêng, mít Thái do đất bạc màu, cây bưởi bị lão hóa và giá bấp bênh…, riêng tôi vẫn trung thành với cây bưởi. Khi nghe tin bưởi tươi được xuất khẩu sang Mỹ, tôi rất vui mừng vì xuất sang thị trường này giá bán sẽ rất cao, có lợi cho nhà vườn. Tuy nhiên, chúng tôi mong cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kỹ thuật trồng để bảo đảm các yêu cầu xuất sang Mỹ".
Còn theo ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), mấy tháng nay ông đã chuẩn bị nhiều thứ để có thể xuất khẩu bưởi da xanh sang Mỹ. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mã vùng trồng và nhà máy đóng gói mới để đáp ứng điều kiện của Mỹ.
"Tôi đã đăng ký 2 vùng trồng và đang lập hồ sơ một vùng trồng nữa với tổng diện tích 50 ha cho Cục Bảo vệ thực vật. Trong đó, tôi liên kết với hàng chục nông dân và HTX với diện tích trên 10 ha. Sản lượng mỗi năm của 3 vùng trồng khoảng 500 tấn nhưng dự kiến xuất khẩu khoảng 200 tấn. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng mã vùng trồng, quy trình kỹ thuật trồng và hỗ trợ cơ sở xây dựng nhà máy đóng gói", ông Hưng thông tin.
Cũng theo chủ cơ sở này, bưởi da xanh của cơ sở ông đang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá khoảng 2 USD/kg nhưng nếu xuất khẩu được sang Mỹ thì giá sẽ tăng thêm khoảng 20%-30%.
"Tỉnh Bến Tre có dự án mở rộng 900 ha vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu đi các thị trường, trong đó cơ sở đã bao tiêu 600 ha. Tôi phải xây dựng mã số vùng trồng để khi Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch đối với bưởi da xanh thì có hàng ngay. Một khi đã có mã số vùng trồng rồi thì hàng có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường, chứ không riêng Mỹ hay Trung Quốc", ông Hưng nói.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An), đang sở hữu 120 ha bưởi trồng tập trung cũng đã chuẩn bị cho sự kiện bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ từ vài năm trước. "Thị trường Mỹ có tiêu chuẩn rõ ràng nên người trồng dễ thực hiện. Dù nhiều nước trồng được bưởi nhưng nông dân mình có thể tự tin hàng Việt Nam có chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh quốc tế cao nhờ vùng nguyên liệu tập trung, dễ kiểm soát", ông Huy đánh giá.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An), cho biết dự kiến cuối tháng 10 này, chuyên gia Mỹ sẽ sang để tiến hành kiểm tra liều hấp thụ của quả bưởi khi được xử lý trên thiết bị chiếu xạ (dose mapping) tại nhà máy Toàn Phát. Đây là 1 trong 2 nhà máy được Mỹ cấp phép chiếu xạ trái cây tươi.
"Qua khảo sát các nhà nhập khẩu tại Mỹ, bưởi Việt đang rất được mong chờ, đặc biệt là cộng đồng người châu Á. Dù Mỹ có nhiều nguồn cung cấp bưởi từ Mexico hay nội địa nhưng hương vị bưởi Việt, đặc biệt là bưởi da xanh, có nhiều lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi kỳ vọng với mặt hàng mới là bưởi sẽ thúc đẩy sản lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới", ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (nhà xuất khẩu trái cây tươi lớn sang Mỹ), dự báo trái bưởi sẽ mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nếu so với 6 loại quả đã được mở cửa trước đó là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.
"Vùng trồng bưởi Việt Nam không chỉ có diện tích lớn mà còn tập trung nên dễ áp dụng quy trình canh tác mà Mỹ yêu cầu, hàng có quanh năm và đặc biệt là công nghệ bảo quản bưởi lên đến 90 ngày. Bưởi là loại quả để được lâu, khi để lâu thì ăn càng ngon nên rất thuận lợi, giúp doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp và thời gian bán hàng dài", ông Tùng phân tích.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, dự kiến trong tháng 11/2022 sẽ có lô hàng bưởi tươi đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ. Tỉnh Bến Tre, địa phương nổi tiếng với vùng bưởi da xanh, đã đăng ký tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi đầu tiên này.
Yêu cầu để bưởi Việt được nhập khẩu vào Mỹ
VTV cho biết, theo quy định của Mỹ và yêu cầu trong Chương trình xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang Mỹ, quả bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm ruồi, ngài và nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Bà Erica Grover, Giám đốc khu vực của chương trình kiểm tra tại gốc APHIS cho hay: "Để xuất khẩu được bưởi sang Mỹ thì vùng trồng bưởi phải được đăng ký mã số vùng trồng với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; bưởi phải được đóng gói tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Aphis chấp thuận".
"Các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Mỹ quan tâm. Hay nói cách khác là chúng ta phải phòng trừ và loại trừ những đối tượng đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.
Được biết, mới đây đoàn chuyên gia của APHIS cũng đã về kiểm tra tận nơi các vùng trồng bưởi và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Mỹ tại tỉnh Bến Tre.
Việt Nam hiện có 16 mã số vùng trồng đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét để xuất đi Mỹ. Ngoài những đòi hỏi về vùng trồng thì các cơ sở đóng gói cũng có những yêu cầu riêng, rất chi tiết cụ thể.
Các cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm như ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm. Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói. Quả phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả. Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây, trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả.
Minh Hoa (t/h)