Trải lòng của 9X có anh trai mắc chứng tự kỷ

Trải lòng của 9X có anh trai mắc chứng tự kỷ

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 4, 31/01/2018 08:04

Từ trước đến nay, chúng ta từng nghe nhiều câu chuyện về người làm cha, làm mẹ có con tự kỷ với những khó khăn xoay quanh việc nuôi dạy con tự kỷ. Nhưng ở một góc nhìn khác, đã ai ngồi lại lắng nghe tâm tư, cảm nhận của những đứa trẻ bình thường khi sống cùng người anh/chị em tự kỷ.

Gặp Vũ Thu Quỳnh (22 tuổi) sinh viên khoa Tiếng Anh - Viện Đại học Mở Hà Nội, PV không khỏi ngậm ngùi xót xa khi nghe những lời bộc bạch qua hàng nước mắt của Quỳnh về người anh của mình.  Ngay từ nhỏ Quỳnh phải chấp nhận mình có một người anh không bình thường.

Thời điểm đó, cô chưa hiểu tự kỷ là thế nào. “Hồi 7 tuổi, bố mẹ có nói với tôi anh Quang – anh trai tôi bị tự kỷ, nghĩa là không giống người bình thường, sẽ có những điều khác biệt. Anh trai tôi sẽ làm một số điều ngớ ngẩn và một số điều anh ấy không thể làm được nên bố mẹ dặn tôi không được ghen tị với anh.

Bố mẹ dặn thì nghe vậy, nhưng nhìn lúc mẹ vuốt tóc anh, mẹ thơm má anh, mua cho anh nhiều đồ chơi mà không mua cho mình, mọi sự quan tâm của bố mẹ luôn hướng về anh trai nhiều hơn, khi đó, tôi chẳng thể xua nổi ý nghĩ  bố mẹ thương anh và không thương tôi. Lúc đó, tôi vừa thấy tủi lại vừa  ghen tị lắm”, Quỳnh kể.

Gia đình - Trải lòng của 9X có anh trai mắc chứng tự kỷ

Gia đình có người thân mắc chứng tự kỷ.

Quỳnh lớn lên cùng với những hành vi ngẫu nhiên của Quang, những hành vi ấy không xảy ra theo một thời gian cố định nào. Mỗi khi Quang khó chịu sẽ nói nhiều, la hét hoặc sẽ mắng Quỳnh và bố mẹ hoặc luôn tìm cách tạo sự chú ý với mọi người bằng những cách không hề nhẹ nhàng. 

“Mới ngày hôm qua thôi, tôi đã muốn đánh anh Quang vì anh tát mẹ rất mạnh. Ý nghĩ đánh anh xuất hiện nhiều lần trong tôi. Và nhiều lần vì thương mẹ, tôi đã không kiềm chế được cảm xúc và đánh anh ấy thật. 

Mỗi lần anh Quang la hét thì sẽ không thể điều chỉnh được tông giọng của mình. Quang luôn hét vào tai mẹ vì trong nhà chỉ có mẹ là người lắng nghe anh nhiều nhất. Nhiều lúc tôi muốn tìm biện pháp trừng phạt nặng nề đối với anh, để anh nhận ra những hành vi của mình là không nên.

Lại có khi vì quá mệt mỏi, tôi lờ anh ấy đi khi anh ấy gọi mình, coi anh ấy không có trong ngôi nhà này. Tôi  không muốn bị phiền phức, không muốn bị căng thẳng, không muốn mình bực tức với anh ấy”, Quỳnh kể.

Cũng như Quỳnh, Trịnh Mai Chi (14 tuổi) học sinh trường THCS Đống Đa – Hà Nội thú nhận rằng chung sống với người mắc bệnh tự kỷ là vô cùng khó khăn cho mọi thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ Mai Chi đã học cách chấp nhận tính cách của  anh trai. Tuy là em nhưng Mai Chi luôn phải nhường nhịn anh.

“Anh trai tôi rất nóng tính, nếu trêu anh, anh sẽ nổi điên và đánh. Anh ấy 16 tuổi nên rất khỏe và nếu đánh tôi thì chắc chắn sẽ có đổ máu. Khi đã qua rất nhiều thời gian can thiệp, anh tôi đã phần nào kiềm chế được bản thân hơn. Nhưng khi bị tác động thì anh chưa kiểm soát được hành vi của mình, vẫn muốn đập phá một cái gì đấy. Biết anh trai như vậy, tôi luôn cố gắng lựa theo anh, kiên nhẫn bên anh dù nhiều lần bị anh cho ăn đòn”, Chi kể.

Cả Quỳnh và Mai Chi đều cho rằng, sống cùng với một người anh mắc chứng tự kỷ cái khó khăn nhất là cố kìm nén lại cảm xúc tiêu cực, cố không phản ứng lại bằng hành vi tiêu cực. Để bản thân kìm nén được cảm xúc đó rất khó khăn.

Quỳnh kể, có nhiều lúc bố mẹ nói với cô: “Sao con ác với anh thế? Sao con coi anh như kẻ thù thế?”. Vì những lần không kìm nén được cảm xúc, Quỳnh đã quay lại đánh anh trai. “Gần đây, tôi học cách bình tĩnh, không bực tức với anh trai nhưng thực sự để kìm nén cảm xúc của mình rất khó”, Quỳnh nói.

(Còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.