Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1993), nguyên là giáo viên trường Mầm non Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Mới đây, những trải lòng về nghề giáo viên mầm non của chị Trang đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Không ít đồng nghiệp, bạn bè đã bày tỏ sự đồng cảm và gửi lời chúc chị Trang sẽ có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Mở đầu dòng tâm sự, chị Trang viết: "Tôi đi dạy tính cả hợp đồng là hơn 10 năm, sau khi tăng lương từ tháng 7 vừa rồi mới ở mức 6 triệu đồng/tháng. Mầm non là cấp học vất vả nhất nhưng thật ra, giáo viên mầm non lại chưa được "quan tâm" bằng các cấp học khác.
Mỗi ngày chúng tôi đi làm hơn 10 tiếng, sáng 6h30 phải có mặt ở trường, chiều có khi hơn 5h phụ huynh chưa đến đón con chúng tôi cũng chưa thể về lo việc gia đình, con cái, đêm về thường theo giáo án, có khi con ốm cũng không biết làm sao".
Tiếp đó, cô Trang tâm sự về những nỗi niềm vất vả của giáo viên mầm non. Cô kể: "Nhiều người nói giáo viên mầm non thì chỉ cần cho trẻ ăn, hát dăm ba bài là xong nhưng thực sự chúng tôi phải soạn giáo án, phải suy nghĩ tiết dạy sao cho trẻ hứng thú. Chưa kể những ngày có hội thi, dự giờ, ngoài giáo án thì đồ dùng học tập phải sáng tạo, lạ, hay nên có hôm 18h chúng tôi còn chưa về nhà vì phải làm đồ chơi, trang trí, dán lại lớp cho đẹp.
Công sức chuẩn bị là thế nhưng trẻ con mà, nhiều lúc thấy cô lạ đến dự giờ thì cứ chăm chăm nhìn, không chú ý đến bài dạy của cô giáo khiến tiết dạy không được hoàn hảo.
Đó là chưa kể đến đầu năm học mới, cháu lớp lớn còn đỡ, các cháu 2-3 tuổi còn nhỏ khóc vì xa mẹ, cô hai tay ôm hai cháu, khóc chán lại sổ mũi, nôn... bế cháu này thì cháu kia kéo áo, cào cấu cô.
Không phải một hai ngày mà có khi cả tháng như thế, vì có những cháu vào học sau. Ăn trưa cũng phải vừa bế cháu vừa ăn, có khi ăn chưa xong cháu khác lại khóc, đi vệ sinh, một cháu khóc là cả lớp khóc theo nên chuyện ăn chỉ mong nhanh qua bữa chứ nhiều lúc đêm về ngủ vẫn nghe tiếng cháu khóc văng vẳng bên tai.
Một lớp trên dưới 20 cháu, ngày ăn 2-3 bữa, 2 lần uống sữa, cháu nhỏ nên các cô phải đút từng thìa, có những cháu không chịu ăn uống gì, toàn phun ra cả người cô.
Dỗ cháu ăn xong lại dỗ ngủ rồi các cô mới dọn dẹp trong lớp được, ăn vội miếng cơm để vào trông các cháu, cứ quần quật như thế có ngày khản cổ, tắt cả hơi. Chiều cháu về hết cô thẫn thờ ngồi thở vì quá mệt.
Như thế vẫn chưa xong, về nhà cô lại giáo án, đánh giá mỗi ngày, xem cháu nào nghỉ, tính cháu chăm ngoan… rồi trang trí bên ngoài hành lang lớp học, sân trường, chặt cây, sơn tường... thật sự trăm nghề không phải 1 nghề.
Phụ huynh hiểu chuyện thì còn hỏi thăm cô, còn có những phụ huynh không hiểu nên rất hay nghi ngờ, chất vấn các cô vì sao thế này, sao lại thế kia.
Còn nhớ lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát mà không cần hỏi rõ đầu đuôi khiến mình cảm thấy thương cho cái nghề của mình và chị biết bao, thấy buồn, lo và sợ.
Người ta nói áp lực tạo nên kim cương chứ nghề mầm non áp lực tạo nên nghỉ việc. Đúng là trong chán ngoài thèm, bước vào không dám bước ra chứ thật sự thì sáng chiều đến phụ huynh thấy cô son phấn đẹp để trả cháu đón cháu, thời gian còn lại đầu bù tóc rối mấy ai hay.
Tăng lương nghĩ nhiều lắm chứ thực sự chưa bù được công sức các cô bỏ ra, chỉ có trong nghề mới hiểu được, còn những ai không thấy được các cô vất vả thì đến làm thử một ngày sẽ thấm thía. Cũng chỉ mong rằng lãnh đạo ngành sẽ tạo điều kiện hơn để các cô đỡ vất vả”.
Chị Trang cho biết, năm 2013 chị bắt đầu đi dạy, sau khi dạy hợp đồng 2 năm, đến năm 2015 chị Trang được vào biên chế ngành Giáo dục và được phân công giảng dạy tại tường Mầm non Quảng Long đến bây giờ.
Sau hơn 10 năm trong nghề, vì công việc quá vất vả, con còn nhỏ (một cháu 5 tuổi và một cháu 4 tháng tuổi) nên sau nhiều tháng suy nghĩ, chị Trang quyết định xin nghỉ việc, ở nhà cùng chồng buôn bán đồ dùng trang trí lớp học mầm non.
"Tôi đã gửi đơn xin nghỉ và được chấp nhận. Cũng may tôi có một người chồng và gia đình nội ngoại thấu hiểu. Chỉ mong rằng, mỗi người mỗi nghề, mưu sinh kiếm sống cho gia đình, bản thân là đúng nhưng hãy biết quan tâm đến những nghề vất vả hơn. Chúc các cô luôn có thật nhiều sức khoẻ để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Theo bà Phan Thị Ngọc Thúy, Thạc sĩ Giới và Nghiên cứu phát triển, Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan; Quản lý quốc gia, Tổ chức Global Engagegment Institute (GEI) tại Việt Nam cho biết, mầm non là một ngành học đặc thù bởi trẻ đang ở độ tuổi rất nhỏ. Vì vậy, giáo viên phải đảm nhận nhiều vai trò: Giảng dạy, chăm sóc trẻ, tham gia các cuộc thi của ngành, soạn giáo án... dù vậy, mức thu nhập của các giáo viên nhận lại chưa tương xứng. Từ đó, dẫn đến tình trạng giáo viên xin nghỉ việc ra làm tư nhân. Đây chỉ là bức tranh nhỏ nhìn từ góc độ giáo viên mầm non, xét ở góc độ lớn hơn có thể thấy chế độ cho những người lao động trong môi trường nhà nước thật ra đãi ngộ chưa tương xứng.
Chưa kể, so với những người làm việc trong môi trường tư nhân thì họ phải chịu nhiều thủ tục, tiêu chuẩn khắt khe như: Đi làm đúng giờ, tác phong theo nhân viên nhà nước, làm báo cáo, bản kiểm điểm... không linh hoạt như môi trường tư nhân. Từ đó, họ cảm nhận môi trường tư nhân hấp dẫn hơn và đưa ra lựa chọn rời đi. Do đó, tôi nghĩ nhà nước cần tạo thêm chính sách đãi ngộ tốt hơn, có mức lương cao hơn tương xứng với công sức, thời gian mà người lao động cống hiến thì mới có thể "giữ chân" họ ở lại.