Sắp đến giờ cao điểm. Tắc đường, con đường vành đai 3,5 ngày nào cũng vậy, cả đoàn xe kéo dài hàng cây số chờ chắn tàu, cái ga đường sắt cũ từ những năm 60 chạy ngang tuyến đường này không còn đáp ứng được bước tiến của thời đại, vẫn cũ kỹ ọc ạch, giờ quá tải, khói bụi mù mịt như có hàng ngàn đống rơm đang đốt trên đường với hàng nghìn chuyến xe chạy ngang qua.
Tôi nhảy xuống xe không quên vớ theo bao thuốc Thăng Long, ngồi trên ca bin lâu chỉ tổ ê mông. Tôi sang đường, đứng trước một hiệu may đã đóng cửa nghỉ trưa, nhìn về phía ghi chắn tàu chờ, mải châm điếu thuốc, chân tôi dẵm vào cái gì đó và có một vật đầy bụi đổ nghiêng vào người, kèm theo tiếng kêu “á “ nhỏ, tôi giật nảy mình vì làm gì có ai.
Có mỗi cô ma nơ canh đầu trọc như Sidney O’Conor dựng sát cạnh tôi đang nhìn tôi trân trối. Hóa ra tôi dẵm vào chân cô. Tôi nghiêng phải nghiêng trái dòm xem có cái loa nào không, tuyệt nhiên không. Cô em trông cũng dáng hoa đấy nhưng sao mà người ngợm kinh thế…khoác cái áo tơi bụi mù như vừa trong cái nhà bị bom đánh nào đấy chui ra.
- Hóa ra cô em à, anh tưởng ma chứ, mà sao ma nơ canh lại nói được nhỉ, họ lắp máy ghi âm cho em à?
- Không anh ạ, trong Liêu Trai chí dị đến cây còn nói được nữa là ma nơ canh. Anh bảo, sống ở khu này , đá cũng phải nói, chứ ma nơ canh như em nói được là chuyện bình thường.
Hóa ra là như vậy, bẩn quá ma nơ canh cũng phải kêu ca. Mà cũng hay, có ma nơ canh nói chuyện cũng đỡ buồn.
- Sống như thế này là thế nào? Tôi thắc mắc?
Được lời như cởi tấm lòng, cô hào hứng nói bô bô, như thể gặp tri kỷ điếc lác. Rằng cô sinh ra ở phố Cửa Nam, trung tâm Hà Nội. Phận ma nơ canh từ lúc được sinh ra và trước khi được gả đi thường được má mỳ cho xếp hàng cho người ta chọn, chờ người đến xem mắt, ưng ai rồi thì người ta sẽ rước đi, ai may mắn thì được gả về trung tâm phố cổ, khoác hàng hiệu, sống một cuộc sống lụa là cho đến cuối đời. Ai kém may một chút thì về trung tâm tỉnh, huyện. Còn như phận em, được gả ra đường vành đai coi như chết rồi.. Con người ta muốn sống phải cần thở hơn mọi thứ trên đời, nhưng anh xem, cứ như thế này anh có thở được không? Cô hất hất cái cằm lẹm nhỏ xinh xinh ra ngoài đường. Quả thật, khói bụi ô nhiễm thế này cho tôi ở đây không biết tôi sẽ thọ được bao lâu?
Thấy tôi gật gù có vẻ thông cảm, cô tiếp: “Em dài dòng quá, là số em nó khổ thôi anh ạ, hồi em ở Cửa Nam có bà chủ ở Hàng Đào hẹn ngày đến rước em đi rồi đấy chứ. Nhưng đến ngày hẹn thì nhà bà ấy có đứa con mất dạy, tham gia đua xe bị công an bắt, thế là bà ý đi lo việc cho con, em bị bỏ bom. Hai hôm sau vào một ngày mưa gió thì bà chủ bây giờ tới rước em. Em đã biết trước, đời em sẽ khổ. Hic...Bà chủ thì tốt bụng thôi nhưng ở đây khổ quá anh ạ. Chỗ anh đang ngồi với em đây là vành đai 3,5 của thành phố, xe tải hạng nặng chạy 24/24. Bụi bay mù mịt cả ngày, anh bảo thân em chịu sao thấu? Rồi ngập ngừng cô hỏi: “ Anh có biết xem bói không? Hậu vận của em có khá không” - Chịu, chắc cô thấy tôi đeo kính đen nên nghĩ tôi là thầy bói - Em tin ai cũng đều có số cả, đôi khi mình cứ lạc quan rồi bi quan vô lối, em thấy không đúng lắm, việc gì phải thế anh nhỉ, nếu mọi việc có số rồi cứ để nó tới thôi, chẳng qua thấy anh hợp chuyện nên em tranh thủ buôn thôi, tốt hưởng xấu ráng chịu, anh nhỉ.
-Ờ, nhưng sao ma nơ canh như em lại có vẻ triết lý thế nhỉ, việc của một mẫu như em là diện đồ mới liên tục, phấp phới lóng lánh để cho cánh đàn ông nó ngắm mà thèm chứ luận tử vi làm gì cho mệt óc.
- Hả, anh nói to lên tí. Nói bé thế ai mà nghe được. À vâng. Anh nhìn em xem, có lộng lẫy không? Em đã nói rồi, số em nó thế này rồi, chắc khổ tới lúc chết thôi.
Tôi đưa mắt ngắm kỹ cô, bụi phủ đầy hàng đốt ngón tay trên cái áo tơi đang khoác, khuôn mặt bạc phếch vì bụi, nắng, gió. Cái đầu trọc lốc có lẽ do bà chủ sợ bụi nên cất đi, hoặc giả em có bị nhiễm chì không nhỉ? Phơi mặt ra ngoài đường quốc lộ cả ngày thế này, khói xăng dầu độc hại kinh khủng. Cái cổ kiêu ba ngấn của em hoen vàng đỏ như những vết lang ben. Cái áo tơi cô đang khoác là cái túi mà trước đây nguời ta đựng vải vụn, bị thủng. Để giúp cô giữ gìn một chút thân thể ngà ngọc bà chủ đã quan tâm thiết kế nó thành cái áo khoác, nhưng do thiết kế tạm bợ nên quá chật, người chủ lại cất nốt hai cánh tay cô đi, trông cám cảnh vô cùng.
- Vừa nãy em bắt anh nói to lên cũng là vì em bị bị nặng tai anh ạ, hậu quả của việc ngày ngày em phải chịu đựng tiếng còi hơi của hàng trăm cái xe tải hạng nặng. Em ở đây chứng kiến khối vụ tai nạn giao thông vì cái loại còi này. Có vụ hai mẹ con đèo nhau đi học cũng bị tiếng còi to và bất ngờ nên giật mình ngã ngay vào gầm xe ngay trước mắt em, thương lắm mà không biết làm gì. Bà chủ cũng thương em lắm nên mới thiết kế cho em cái áo tơi chất liệu Platic tổng hợp này, nhưng chật lắm, em phải cất cả hai tay đi và cũng chẳng ăn thua, tháng này đến kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ, em sẽ kiểm tra kỹ cái phổi và cái tai, còn da liễu thì chịu vậy, em bị lang ben dạng đa sắc mãn tính rồi anh ạ. Cũng là manơ canh sao số em nó khổ thế hả anh? Em mà xuống sắc nhanh là đời em ngắn lắm anh ạ..
Tôi không dám nhìn vào đôi mắt buồn rầu của cô và cố gắng nói to :
- Ai cũng phải kiếm sống mà em, những nguời lái xe tải kia họ cũng vậy, họ phải chuyên chở hàng hóa, vật liệu để xây đời chứ. Mười năm sau chỗ này là đô thị đấy. Em cố mà chịu đựng đến ngày đó, em cực kỳ quan trọng với bà chủ đấy, hãy cố gắng em à, mỗi người đều có nhiệm vụ của mình… Anh cũng thế, à, nói chuyện với em, anh mới nhớ ra là anh phải đi sửa cái còi đã nhé, tự nhiên tịt hai hôm nay rồi.. Anh phải đi đã nhé.
- Hả, anh nói to lên.
Bấy giờ là 2 giờ chiều, giờ cao điểm.
Quanfan
Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng! |