Ký ức một thời oanh liệt
Ngồi trước mặt chúng tôi là người phụ nữ phúc hậu với ánh mắt sáng như sao. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tóc đã bạc hết, nhưng đầu óc bà vẫn rất minh mẫn, phong thái nhanh nhẹn, tự tin khi giao tiếp. Bà là Lê Thị Thu Nguyệt (SN 1944, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM), nữ chiến sĩ thuộc đơn vị 159 Biệt động Sài Gòn đã từng tạo nên những chiến công “kinh thiên động địa”.
Bà Nguyệt bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi: “Tôi sinh ra ở mảnh đất Sài Gòn này. Chứng kiến những tội ác do quân Mỹ gây ra với đồng bào ngay từ nhỏ nên tôi sớm giác ngộ cách mạng, tình nguyện nhập ngũ. Tôi đăng ký vào đơn vị 159 Biệt động. Lúc đầu, tôi hoạt động ở thành phố nhưng sau đó rút lên hoạt động bí mật trên rừng”.
Năm 1955, khi mới 11 tuổi, cô bé Lê Thị Thu Nguyệt đã phải sang ở nhà chú vì cha tập kết ra Bắc. Chú ruột Lê Văn Lý hành nghề cắt tóc, thực ra là vỏ bọc để hoạt động cách mạng. Chính cái nôi gia đình, cùng những điều được quan sát, trải nghiệm đã hun đúc lên ngọn lửa căm thù giặc và ý chí tham gia cách mạng bảo vệ quê hương, đồng bào trong bà. Bước vào hàng ngũ biệt động, bà Nguyệt đã trực tiếp lập nên những chiến công hiển hách khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều chiến công của bà đã được báo chí đăng tải như vụ đánh bom máy bay FHA007, hay vận chuyển vũ khí trước mặt giặc Mỹ một cách nhẹ nhàng.
Được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt, đánh bom chiếc máy bay FHA007 chở 130 sĩ quan Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về San Fransisco vào ngày 28/3/1963, bà Nguyệt đã phối hợp với đồng chí Đình Lung (bí danh Chín E, người của phe ta cài vào hàng ngũ địch). Cả hai diễn cảnh người yêu nhằm che mắt quân địch. Cô bé người yêu của Chín E nhanh chóng được chú ý. Để tránh nguy hiểm cho đồng chí của mình, bà phải hóa trang bụng bầu và nhiều lần hò hẹn công khai với đồng chí Chín E.
Chịu nhiều điều tiếng vì cái bầu giả, nhưng bà Nguyệt cắn răng không để lộ bí mật. Một thời gian sau, bà bắt đầu ra vào sân bay Tân Sơn Nhất vốn thuộc quyền kiểm soát của quân địch một cách dễ dàng. Bởi, người ở đây đã quen mặt “cô người yêu của Chín E”. Ngày 28/3/1963, chiếc máy bay mang số hiệu FHA007 chở 130 sĩ quan Mỹ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đúng kế hoạch, cô người yêu Chín E lọt qua cửa kiểm soát bình thường như bao ngày. Trước đó, khối thuốc nổ và chiếc đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang kỹ lưỡng dưới lớp vỏ “bụng bầu”. Đồng chí Chín E chuẩn bị sẵn một chiếc túi mô phỏng túi hành lý của sỹ quan Mỹ, để sẵn trong nhà vệ sinh. Nguyệt cứ thế bỏ khối thuốc nổ đã chuẩn bị sẵn cùng chiếc đồng hồ đã cài đặt thời gian vào túi, nhân viên sân bay mang chiếc túi lên máy bay mà không nghi ngờ gì.
Sau khi trở về đơn vị, vẫn không nghe tin tức gì từ chuyến bay ấy, bà Nguyệt đã tưởng kế hoạch của mình bị phát hiện và không thành công. Đến tận 3h chiều hôm ấy, bà mới nhận được tin máy bay quá cảnh ở Honolulu sau 2 phút thì bom phát nổ gây ra rất nhiều thương vong, chấn động trong quân đội Mỹ. Kiểm tra chắc chắn số hiệu chiếc máy bay phát nổ là FHA007, đúng chiếc mà bà và đồng chí của mình đã đánh bom, bà Nguyệt mới thở phào nhẹ nhõm.
Sự kiện máy bay FHA007 đã xác lập nên hình ảnh một người nữ biệt động trẻ, táo bạo, trí tuệ và dũng cảm. Nhờ đó, bà Nguyệt được đồng đội yêu mến, đặt cho biệt danh “Chim sắt” và được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba cũng như danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nhắc về chiến công ngày xưa, người phụ nữ đi qua gần hết đời người không giấu nổi sự xúc động. Đối với bà, những tháng ngày hào hùng ấy như vừa mới hôm qua.
Trở về từ lao tù và niềm tin vào tương lai
Kinh hãi trước sự dũng cảm, gan dạ của bà, quân giặc lúc bấy giờ luôn tìm cách vây bắt bà bằng được. Năm 1963, ở cái tuổi 19, bà bị giặc bắt, tra tấn dã man. Chúng luân chuyển qua nhiều nhà tù như Lộc Ninh, Thủ Đức. Thậm chí, thiếu chút nữa, bà đã “bỏ mạng” tại nhà tù Phú Lợi. Thời ấy, “chuồng cọp” Phú Lợi khét tiếng là nơi giam giữ nhiều tù chính trị thuộc diện “nguy hiểm” và đã bị nhốt ở đây thì gần như không có hy vọng sống sót trở về. Nhờ sự đấu tranh của nhân dân và các tù nhân nhà tù Phú Lợi sau đó bị dẹp bỏ và bà Nguyệt bị trả ngược về nhà giam Thủ Đức.
Cùng với những tù nhân ở đây, nữ chiến sĩ Lê Thị Thu Nguyệt đã đấu tranh theo nhiều cách để đòi quyền lợi. Cuộc tuyệt thực 12 ngày đêm của các tù nhân phần nào khiến quân giặc phải nhún nhường. Và Nguyệt khi ấy, là một trong 3 tù nhân nhỏ tuổi nhất của nhà lao nữ thuộc diện chú ý đặc biệt của kẻ địch. Thậm chí, cô gái biệt động ngày ấy cũng không tin rằng có ngày mình được trả tự do. Theo lời bà Nguyệt, sau khi hiệp định Paris được ký kết, quân đội Mỹ đã trao trả một số tù nhân tại các nhà lao và mùa xuân năm 1974, lần đầu tiên sau mười một năm đằng đẵng bị giam cầm, bà được nhìn thấy ánh sáng của tự do.
Bà nói: “Lúc họ đưa lên máy bay, tôi vẫn không biết là mình được thả đâu. Ở trong ngục, tôi có nghe thông tin gì đâu. Cứ nghĩ họ mang mình đi tử hình. Tôi đã tự nhủ thế là hết. Chỉ đến khi máy bay bay ngang vùng giải phóng, được thấy bầu trời tự do tôi mới tin rằng mình đã được về. Cái Tết đầu tiên ở vùng giải phóng mới vui sướng làm sao. Tôi cứ cảm giác lâng lâng như trên mây vậy”. Trong thâm tâm bà có cảm giác như mình lớn hẳn lên sau những tháng ngày lao khổ cực nhọc. Dù rằng, chiến sĩ Lê Thị Thu Nguyệt của lúc bấy giờ đã ba mươi mốt tuổi.
Người phụ nữ sinh năm 1944 kể về những năm tháng tranh đấu đầy oanh liệt một cách nhẹ nhàng mà đầy tự hào. Bà bảo, mình còn trở về được là may lắm. Đêm nằm, bà cứ nhớ về những đồng đội bỏ xác và tuổi trẻ tại chiến trường, rồi nhớ cả những lần đào mộ chôn đồng đội tử trận tập thể mà không thể nào ngủ được. Cuộc sống sau lao tù của bà khác hẳn. Nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt trở về với cuộc sống thường nhật bên chồng con. Nhắc đến con, bà không giấu giếm niềm tự hào riêng. Bà nói, hai anh con trai đều thành đạt nên người, đã từng là du học sinh giỏi bên Mỹ và Anh.
Hướng tới tương lai Bà Nguyệt bùi ngùi: “Cũng nhiều người hỏi sao tôi đánh Mỹ mà cho con đi học ở Mỹ? Tôi trả lời: “Cái gì tiến bộ thì mình học thôi. Quá khứ cũng đã qua rồi.” Dứt câu nói, bà hơi ngẩng lên, mắt ánh lên những nét cương nghị. Người phụ nữ đã bỏ cả tuổi xuân của mình nơi chiến trường ấy nói rằng, bà tin tưởng vào thế hệ tương lai, vào những người trẻ sẽ xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn. |