Sau một hồi vòng vèo “điểm danh” những mái nhà thiếu vắng đàn ông, anh Tuyến dẫn chúng tôi vào nhà ông trưởng bản Cỏi, Đặng Vĩnh Phúc (SN 1958). Anh Tuyến giới thiệu, ông Phúc vừa có uy tín của thôn và vừa là người của thế hệ trước. Trưởng bản đã được nếm trải đầy đủ các tập tục ngàn xưa để lại của người Dao.
Cất giọng nói lơ lớ và rời rạc của một người dân tộc thiểu số nói tiếng phổ thông, ông Phúc say sưa kể lại về những ngày trai trẻ. Theo lời vị trưởng bản tục “ngủ thăm” của người Dao có từ nhiều đời nay. Nó vốn là một nét đẹp văn hóa nhưng đã bị mai một trong thời gian gần đây.
Ông Phúc kể, ngày xưa, cái ngày mà đến tuổi cập kê ông cũng được nếm mùi tục “ngủ thăm”. “Thủa chúng tôi còn trai trẻ, chẳng riêng gì bản Cỏi mà ở nhiều bản người Dao lân cận, nhà nào có con gái đến độ tuổi 13 trở lên là chúng tôi biết hết. Không những vậy, còn biết tên, tuổi và cô gái nằm ngủ chỗ nào”. Cứ mỗi đêm trăng sáng, các thanh niên trai bản lại tụ hợp nhau lại đi cạy cửa nhà các sơn nữ để “ngủ thăm”. Họ cứ đi một đoàn cả chục người, qua mỗi nhà lại một người tách đoàn vào ngủ thăm. Cứ đến khi hết người thì thôi.
Thời điểm này, ông Phúc là một trong những người chứng kiến rõ nét nhất sự thay đổi trong tập tục của quê hương. Là người đứng đầu bản Cỏi, ông thấy mình thật đáng trách khi giấy khai sinh của nhiều đứa trẻ trong bản bị để trống phần ghi tên cha.
Người trưởng bản này cho biết, từ khi có nhiều trai bản rời rừng lên thành phố, họ không còn coi “ngủ thăm” là nghiêm túc nữa. Họ chỉ coi đó là trò chơi bời mỗi khi nhàm chán. Thậm chí, lũ trẻ còn gọi chệch đi là “ngủ thật” trước mặt người lớn. Cứ người này truyền tai người kia, rồi có cả thanh niên người Kinh dưới xuôi ham vui lên đây. Họ lên, lợi dụng tập tục của người dân tộc thiểu số mà làm liều. Bản Cỏi từ đấy cứ liên tiếp có những cô gái không chồng mà chửa rồi sau đó các cháu bé lại ra đời không biết mặt cha.
Ở nơi rừng thiêng nước độc, đầy đủ mẹ cha sống một cuộc sống no đủ đã khó, nói gì đến chuyện thiếu người cha, trụ cột trong gia đình. Hơn nữa, những đứa trẻ sẽ lớn lên trong cảnh nhiếc mắng từ người đời. “Tôi thực sự đau lòng khi nghe những thanh niên người Kinh khoe nhau những lần “ngủ thăm” như một chiến tích. Các cô gái dân tộc học ít, dân trí thấp thì đành chịu vậy. Mặc dù biết có lỗi với tổ tiên không giữ được truyền thống nhưng thú thực tôi không muốn tiếp diễn tục ngủ thăm nữa”, ông Phúc buồn bã nói.
Không cấm đi quá “giới hạn” Ông Phúc thừa nhận, tục “ngủ thăm” không cấm trai gái đi quá giới hạn kể cả trong đêm đầu tiên ngủ cạnh nhau. Thế nhưng theo đúng bản chất, đôi trai gái sẽ chỉ nằm cạnh nhau tâm tình, trao đổi thông tin để hiểu thêm về nhau. “Nếu thực sự yêu nhau và xác định bền chặt, cả hai vẫn có thể trao nhau những thứ quý giá trước khi kết hôn. Trong thời của tôi và trước đó, thú thực chẳng có người phụ nữ nào chửa hoang. Bởi vì, khi đã trao cho nhau thì chắc chắn chàng trai sẽ đến nhà cô gái cầu hôn ngay sáng hôm sau”, ông Phúc nói. |
Bắc Long