Từ cuối năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, liên tiếp các vi phạm tại doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xứ lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, khối lượng phát hành sụt giảm nghiêm trọng.
Sau giai đoạn khó khăn, thị trường TPDN đã từng bước phục hồi với lượng phát hành tăng mạnh và cơ cấu trái phiếu mới phát hành theo nhóm ngành đã đa dạng hơn.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 374.830 tỷ đồng, vượt hơn 10% so với giá trị phát hành cả năm 2023, khoảng 173.300 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ nhẹ dần về những tháng cuối năm, song sẽ là mối quan tâm lớn trong năm 2025.
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước đạt khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.
Với một lượng TPDN khá lớn đã được mua lại, áp lực đáo hạn trong những tháng cuối năm 2024 khá nhẹ nhàng với lượng TPDN đáo hạn lần lượt ước khoảng 10.400 và 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán dự báo áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025 với lượng TPDN đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng, cao gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ.
Thị trường TPDN đã "hạ cánh mềm"
Nhìn lại thị trường trái phiếu năm 2024 và nhận định triển vọng thị trường năm 2025, chia sẻ cùng Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup đánh giá sau giai đoạn khó khăn, thị trường TPDN đã xuất hiện những điểm tích cực, đang dần có chiều sâu và đúng bản chất là kênh huy động vốn trung, dài hạn.
Ông Thuân cho rằng việc nhiều doanh nghiệp đa ngành tham gia thị trường trái phiếu với kỳ hạn dài, cơ chế lãi suất cố định, trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm độc lập, có sự tham gia bảo lãnh của các định chế lớn và được "săn đón" bởi các nhóm nhà đầu tư khác nhau... là những đặc điểm cơ bản của một thị trường TPDN có chiều sâu và từng bước đi vào phát triển bền vững.
Cụ thể, ông Thuân nêu ví dụ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng, nước sạch, xử lý rác thải... đang có kế hoạch phát hành trái phiếu với kỳ hạn lên tới 10 - 20 năm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản được tháo gỡ về mặt pháp lý cũng đã phát hành mới trái phiếu.
"Có thể nói, đây là xu hướng đi chậm nhưng chắc, có dự án rõ ràng, minh bạch, tiếp cận đúng đối tượng nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp, giảm rủi ro xáo trộn như trước đây.
Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng việc hành lang pháp lý được bổ sung đã giúp thị trường TPDN "hạ cánh mềm", tạo điều kiện cho trái chủ, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà phát hành đã chủ động tái cấu trúc, giãn hoãn nợ trái phiếu, tạo bước đệm để các bên có thể xử lý dần áp lực đáo hạn đối với số dư nợ còn đang lưu hành và chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Đánh giá của Vietnam Investors Service (VIS) cũng chỉ ra những cải thiện tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện ở việc phát hành trái phiếu tăng trưởng ổn định.
Đáng chú ý, Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây đã được thông qua, một mặt siết chặt hơn khi bổ sung quy định về điều kiện chào bán ra công chúng, hướng thị trường đến một "sân chơi" của nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Mặt khác lại mở rộng cửa hơn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Trong đó, Luật Chứng khoán có tiêu chí phải xếp hạng tín nhiệm đối với điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, ông Thuân đánh giá tiêu chí này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường nói chung và qua đó cho chính tổ chức phát hành.
Theo đó, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp cải thiện minh bạch và góp phần hỗ trợ công tác đánh giá của cơ quan quản lý và của thị trường, mở rộng cơ sở nhà đầu tư quan tâm để không chỉ giới hạn ở nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế vốn hiện gần như chưa tham gia vào kênh trái phiếu đại chúng cũng có thể tham gia đầu tư.
Cùng với đó, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần làm cơ sở cho việc xác định mức lãi suất trái phiếu một cách hợp lý và phù hợp với lợi suất trái phiếu đang được giao dịch trong tương quan với các lô trái phiếu đó có xếp hạng tín nhiệm tương đồng.
Đặc biệt, việc xếp hạng sẽ cải thiện minh bạch thông tin không chỉ lúc trước khi phát hành mà cả quá trình duy trì và lưu hành trái phiếu sau đó đến khi đáo hạn, qua đó nâng cao chất lượng hàng hóa là trái phiếu.
Thị trường TPDN sẽ tăng trưởng về chất chứ không chỉ về quy mô
Dù vậy, vị chuyên gia vẫn lưu ý dù thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và cần nhận diện đầy đủ. Với những thay đổi trong chính sách, ông Thuân cho rằng thị trường TPDN thời gian tới sẽ thay đổi cả về chất bên cạnh việc mở rộng về quy mô.
Về dài hạn, Chủ tịch FiinGroup nhìn nhận quy mô lưu hành của thị trường TPDN sẽ lớn hơn quy mô của thị trường cổ phiếu, như thực tế của nhiều thị trường trên thế giới và trong khu vực phát triển hơn Việt Nsm.
Khi đó, tiền nhàn rỗi trong dân sẽ có điều kiện phân bổ vào các kênh đầu tư và góp phần phát triển kênh vốn dài hạn cho sự phát triển kinh tế cao của Việt Nam thay vì tập trung vào để gửi tiết kiệm, đầu tư cổ phiếu và các kênh đầu tư có tính đầu cơ khác.
"Tôi kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng về chất chứ không chỉ về quy mô. Về cơ cấu thì tôi kỳ vọng kênh trái phiếu đại chúng sẽ tăng tỉ trọng từ 7-10% hiện nay lên khoảng 30-50% trong 3-5 năm tới đây và góp phần đưa quy mô của thị trường nói chung đạt mục tiêu 30% GDP đến 2030 như Chính phủ đề ra", ông Thuân nói.
Để bền vững thị trường TPDN ở Việt Nam, thu hút đầu tư, ông Thuân cho rằng ngoài việc tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, còn cần đa dạng hàng hóa, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm; hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ…).
Nêu thực tế, ông Thuân cho biết hiện nay hầu hết các quỹ hàng trăm tỷ USD khi đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam đều chọn hình thức ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu các định chế tài chính, các quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp nên cần thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước.
Trong khi đó, tiềm năng mở rộng quy mô thị trường từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, do họ có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng để thu hút nhà đầu tư vào thị trường TPDN cần sửa đổi quy định để phát triển nhà đầu tư tổ chức.