Trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill luôn kín cổng cao tường và nằm sâu tít trong một con đường đất đá lởm chởm cách tỉnh lộ 767 khoảng 3km. Khu trại rộng gần 3ha được bao bọc bởi bốn bề là rừng tràm thuộc ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai...
Heo nặng khoảng 50kg bị chết.
“Lò” cung cấp heo chết
Theo tìm hiểu, heo chết trong trại thực nghiệm được lén lút bán ra ngoài cho một đầu mối là bà Trần Thị Oanh, có nhà tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Bà Oanh ít khi ra mặt mà chủ yếu giao việc thu gom heo chết cho người cháu tên Đạt và con gái tên Hồng.
Sáng 6/8, cánh cửa sắt của trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill hé mở. Ông Đạt chạy xe tay ga Mio màu đỏ vào sâu trong khuôn viên trại để nhận heo chết. Tại ngay lối vào khu vực nuôi heo, một con heo khoảng 40kg chết cứng nằm dưới nền xi măng. Toàn thân heo dính đầy phân, bụng trương phình và ruồi nhặng bu kín. Sau một vài thao tác lật ngửa heo chết lên kiểm tra, ông Đạt “chê” heo nhỏ quá nhưng liền sau đó lại xách heo chết bỏ vào trong bao tải, khệ nệ chất trước bửng xe, rồi chở heo chạy ra khỏi trại đưa đi tiêu thụ.
Ông Đạt cho heo vào bao tải.
Rạng sáng 12/8, nhân viên tại trại thực nghiệm tiếp tục phát hiện một con heo chết nằm co quắp lẫn trong đàn heo thịt. Lúc sau, con heo chết này được một nhân viên có tên là Đắc kéo ra phía ngoài quẳng tại điểm tập kết heo chết cách chuồng 50m. Đến chiều cùng ngày, khi heo chết có dấu hiệu trương phình, bốc mùi hôi thối thì ông Đạt mới chạy xe vào trại lấy hàng và chở ra giao cho một phụ nữ chạy xe Dream đợi sẵn tại con đường đất đỏ cạnh cây xăng Nai Vàng (ấp Sông Mây).
Chiều 16/8, Hồng (con gái bà Oanh) cùng một thanh niên chạy xe Dream chạy thẳng vào trong trại thực nghiệm để nhận heo chết. Con heo chết lần này có trọng lượng 50kg, bốc mùi hôi thối. Hồng cùng người thanh niên vận chuyển heo ra tỉnh lộ 767, đứng đợi sát mép đường. Khoảng 15 phút sau, ông Đạt xuất hiện, chở thêm một con heo chết trong tình trạng chảy máu mũi. Một lúc sau, hai con heo chết này được giao cho một người đàn ông chạy xe máy chở thẳng ra quốc lộ 1. Trong các ngày 10 và 13/8, heo chết từ trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill liên tục được tuồn ra ngoài cho ông Đạt mang đi tiêu thụ.
Nhiều chứng cứ cho thấy heo chết mà trại chăn nuôi thực nghiệm Cargill tuồn bán ra ngoài đều có cùng triệu chứng là sốt, bỏ ăn và chết đột ngột. Gần một tháng đeo bám, lần theo điểm tiêu thụ, chúng tôi phát hiện heo chết lấy từ trại đều được bà Trần Thị Oanh cho người chở thẳng về một lò giết mổ heo lậu ở ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom.
Giá mỗi con heo chết bán ra dao động từ 300.000-500.000 đồng, việc mua bán này được thực hiện từ năm 2010 đến nay. Ngoài chuyện dùng xe máy vào trại chở heo chết, bà Oanh còn sử dụng xe tải để vận chuyển mỗi khi có lượng heo chết lớn. Tại nhiều thời điểm, việc tuồn heo chết ra ngoài đều diễn ra ngay trước mặt ông Võ Thanh Hải - trại trưởng trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill.
Và chuyển lên xe máy.
Chở ra ngoài tiêu thụ.
“Sai phạm rất trầm trọng”
Đó là khẳng định của bà Lê Thị Phương Hoa - giám đốc quan hệ chính phủ và công chúng Tập đoàn Cargill ngày 4/9 - khi được biết về việc cán bộ, nhân viên trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill bán heo chết ra ngoài để trục lợi.
Theo bà Hoa, sai phạm này không chỉ liên quan đến việc kinh doanh của riêng Cargill Việt Nam mà ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của cả Tập đoàn Cargill. “Đây là sai phạm mà nội bộ công ty thấy rất trầm trọng và rất sốc, bởi từ trước đến nay Cargill vốn rất nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định riêng cũng như luật pháp chung của Nhà nước” - bà Hoa bức xúc.
Bà Hoa cho biết bà đã làm việc với đại diện công ty Cargill ở Đồng Nai và bước đầu công ty xác nhận có sự việc tuồn heo chết bán ra ngoài. “Việc trại trưởng Võ Thanh Hải được giao việc giám sát nhưng lại để xảy ra sai phạm như vậy thì ông ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, công ty sẽ xử lý nghiêm túc” - bà Hoa nói.
Trước câu hỏi ăn heo chết của trại thực nghiệm có gây nguy hại cho sức khỏe của người dân hay không, bà Hoa khẳng định đây là trại thực nghiệm chứ không phải thí nghiệm. Theo đó, trại là nơi nuôi heo bình thường nhằm phục vụ công việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi do công ty sản xuất.
“Vấn đề nguy hiểm ở chỗ là tiêu thụ heo chết, mà heo chết rõ ràng không được bán cho người tiêu dùng” - bà Hoa nhấn mạnh. Cũng theo bà Hoa, tỷ lệ heo chết của trại tương đương với lượng heo chết của các trại do nông dân nuôi và chủ yếu chết vì “bệnh nọ, bệnh kia” và vì... “hắt hơi, sổ mũi”.
Theo Tuổi trẻ/ Tri thức