Sau ba lần vượt qua cái chết và nhiều lần đem vinh quang về cho làng võ Việt, giờ đây, khi rũ bỏ danh vọng, lui về ở ẩn, trái tim ông vẫn không thôi thao thức về nghiệp võ. Trong khi đó, anh em, học trò của ông vẫn trăn trở khi một vị tướng tài ba trong võ thuật như Đoàn Đình Long không được hưởng chế độ gì, đến thẻ bảo hiểm y tế cũng không...
Chữ tình lúc hoạn nạn
Mặc dù từng công tác ở viện Nghiên cứu xây dựng rồi được bổ nhiệm làm chủ tịch Liên đoàn karatedo Hà Nội, huấn luyện viên đội tuyển Công an nhân dân, huấn luyện viên trưởng đội karatedo quốc gia, thế nhưng võ sư Đoàn Đình Long vẫn không thuộc biên chế Nhà nước, chỉ bởi vì ông có tiền sử bệnh tim mãn tính.
Ba ca mổ tim, ba lần đối mặt giữa sự sống và cái chết, Đoàn Đình Long vẫn không buông xuôi. Cái mà ông và bạn bè, thầy trò trăn trở nhất là lúc kinh tế gia đình còn khó khăn, ông không được hỗ trợ kinh phí cho những ca mổ "tử thần", kể cả năm 2001, khi ông đang là HLV trưởng đội tuyển karatedo Việt Nam - người mang nhiều vinh quang về cho nước nhà.
Tháng 11/2010, hệ phái Đoàn Long karatedo Việt Nam chính thức được thành lập do võ sư Đoàn Đình Long trưởng môn
Còn nhớ, năm 1994, khi Đoàn Đình Long đã là một cái tên quen thuộc trong làng karatedo Việt Nam và là người thầy của rất nhiều nhà vô địch Đông Nam Á, trái tim ấy lại bất ngờ trở chứng. Từ chối việc tài trợ mổ tim của ba công ty Nhật Bản, Đoàn Đình Long quyết định mổ ở bệnh viện Việt - Đức, đặt niềm tin vào bàn tay của bác sỹ năm xưa - Giáo sư Tôn Thất Bách.
Được tin thầy Long nhập viện, học trò của ông từ khắp nơi đổ dồn về xin được hiến máu cho thầy. Số người xin hiến máu nhiều tới mức, sau hai hôm mà việc xét nghiệm vẫn chưa thể kết thúc, có người còn khóc vì nhóm máu của mình không hợp.
Được một người bạn cõng lên phòng mổ, Đoàn Đình Long khóc rưng rức. Không phải vì ông sợ phải đối diện với dao kéo mà là ông cảm động, thấm thía nhất một chữ tình: Tình thầy trò, tình bạn bè, tình huynh đệ - những cái tình mà nhờ nó con người ta sẽ đủ sức mạnh vượt qua "lưỡi hái tử thần".
Bảy năm sau, lần thứ ba Đoàn Đình Long lại đối diện với cái chết. Đó là lúc hai chiếc van tim mà ông đã thay trong lần mổ trước có vấn đề. Đó cũng là lúc mà ông đã phải đi sốc điện cả tháng vì sức khỏe xuống dốc trầm trọng. Các bác sĩ nhận định, lần mổ này cực kỳ nguy hiểm và tốn kém. Gia đình ông đã làm đơn xin ngành thể thao hỗ trợ kinh phí nhưng không có kết quả.
Đơn giản là vì cho tới lúc ấy, dù đã có công lớn với karatedo nước nhà, lại được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì nhưng ông vẫn chẳng thuộc biên chế của một đơn vị nào cả. Một phong trào quyên góp, ủng hộ thầy Long đã diễn ra. Kể chuyện với tôi, võ sư Đoàn Đình Long vẫn không giấu được cảm xúc khi đó: "Người cho vài trăm, người cho một triệu, tình cảm ấy tôi nhớ mãi. Và từ đó cứ nghĩ trong phần đời còn lại, không biết mình có trả được cái tình ấy không?".
Cái đêm hôm trước khi lên bàn mổ, ông ngồi viết nhiều lắm, viết những lời mà bạn bè đọc cũng thấy nổi da gà. Trước đó, trong nhiều đêm, ông một mình thẫn thờ đi trên những phố phường đã có nhiều kỷ niệm ở tuổi thơ. Bẵng đi vài ngày, không ai biết ông đi đâu - kể cả vợ. Ông đi, lúc ở Sài Gòn, lúc ở Nha Trang, Huế... để chỉ trò chuyện đôi câu - như là chia tay với những người bạn thân…
Ca mổ thành công, chỉ sau một thời gian ngắn, Đoàn Đình Long nhanh chóng bình phục và tiếp tục công việc của HLV trưởng đội tuyển karatedo Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả thầy trò Đoàn Đình Long bất ngờ khi ông bị đề nghị xuống làm HLV phó vì lý do sức khỏe. Không đồng tình với quyết định này, ông xin từ chức.
Sau đó, ông tiếp tục đứng lớp dạy đội tuyển của Công an nhân dân - Đội tuyển đã theo ông nhiều năm và giành nhiều giải thưởng lớn với nhiều học trò danh tiếng. Năm 2004, ông xin nghỉ dạy, về ở ẩn. Nhiều học trò và đồng nghiệp mời ông về dạy ở các trung tâm võ thuật, nhưng ông từ chối. Tên tuổi võ sư Đoàn Đình Long cũng lắng xuống từ đó.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đến chúc mừng võ sư Đoàn Đình Long ngày thành lập hệ phái karatedo Đoàn Long
"Lửa" võ thuật chưa bao giờ tắt
Qua câu chuyện dài, võ sư Đoàn Đình Long trầm ngâm: "Thực lòng mà nói, tôi chẳng bao giờ muốn rời đội tuyển cùng những học trò mà mình gắn bó đã lâu. Tuy nhiên, trước những quyết định trái ngang, tôi không thể nép mình. Tôi về khi đó để giữ trọn chữ đạo với võ thuật và giữ vững niềm tin cho bạn bè, anh em".
Tiếp đó những lần họp chi phái và phân đường của hệ phái Suzucho karate tại TP.HCM, những người tổ chức quên tên ông và chỉ mời những võ sư còn đương chức, cầm quân ở một số đội tuyển.
Với những đau đáu của nghiệp võ và hệ phái của mình, vị võ sư có trái tim bệnh tật chính thức ra mắt hệ phái karatedo Đoàn Long vào tháng 11/2010, để chiêu mộ những người có lòng đam mê võ thuật karatedo. Buổi ra mắt có đông đảo các võ sư ở nhiều trường phái, các học trò, môn sinh của võ sư Đoàn Đình Long đến dự. Trong đó, có cả nhiều lãnh đạo cao cấp, những người bạn của Đoàn Đình Long, đặc biệt là nhà sử học Dương Trung Quốc, người thường xuyên chia sẻ vui buồn với võ sư Đoàn Đình Long.
Hiện nay, hệ phái có ba địa điểm trực tiếp dạy karatedo là trung tâm Thể thao Đống Đa, trường đại học Hà Nội và một địa điểm tại Hải Phòng. Sau ba lần mổ tim và căn bệnh vẫn theo đuổi, Đoàn Đình Long vẫn phóng xe máy đi về giữa Hà Nội - Hải Phòng để truyền võ, truyền đạo. Ít nhất mỗi ngày, ông đứng lớp bốn tiếng đồng hồ.
Lớp học lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của các môn sinh, tiếng hét sang sảng của võ sư nổi tiếng. Trên bốn bức tường của võ đường là lá cờ Tổ quốc, hàng trăm tấm ảnh, hàng ngàn huy chương lớn nhỏ của karatedo Việt Nam. Những môn sinh theo học ở đó còn vẽ hình võ sư Đoàn Đình Long - một HLV tài năng, một con người dám thách thức số phận nghiệt ngã.
Với ước mơ mở rộng và phát triển hệ phái của mình ra nước ngoài, hết giờ dạy võ, ông lại tìm đến internet học hỏi kinh nghiệm của các môn phái karatedo trên thế giới, cập nhật luật chơi mới. Võ sư Đoàn Đình Long dự tính, trong hai năm tới, hệ phái Đoàn Long karatedo sẽ thu nhận thêm nhiều môn sinh và có những cuộc biểu diễn để nâng cao tinh thần võ Việt.
Ông làm gì trong những năm "ở ẩn"? Khi hỏi về những năm tháng sau khi nghỉ chức HLV trưởng karatedo Việt Nam và huấn luyện ở đội tuyển võ Công an nhân dân, võ sư Đoàn Đình Long đi đâu và làm gì? môn sinh Trần Văn Long, người có thời gian dài theo học ở võ đường Đoàn Long karatedo tâm sự: "Sau bao nhiêu vinh quang, trở về đời thường, thầy Đoàn Đình Long vẫn miệt mài đi về trung tâm thể thao quận Đống Đa, nơi thầy mở võ đường ngày trước để rèn luyện cho các học trò. Trừ những ngày sức khỏe quá yếu, ngày bình thường, thầy vẫn lên võ đường 3 - 6 tiếng để tập luyện. Dường như ai cũng cảm nhận được, với thầy Đoàn Đình Long, đam mê võ chưa bao giờ thôi cháy bỏng". |
CAO TUÂN