Trầm Bê, ông ở đâu?

Trầm Bê, ông ở đâu?

Bùi Ngọc Hương

Bùi Ngọc Hương

Thứ 5, 06/07/2017 10:55

Ông Trầm Bê vẫn được các cổ đông nhắc tới trong một đại hội quyết định nhân sự chủ chốt trong ban điều hành của một trong những tổ chức tín dụng lớn mạnh nhất Việt Nam – Sacombank…

Tài chính - Ngân hàng - Trầm Bê, ông ở đâu?

Tại đại hội cổ đông thường niên, các cổ đông của Sacombank chất vấn vai trò và trách nhiệm của ông Trầm Bê – nguyên Chủ tịch HĐQT trong thương vụ sáp nhập với Southernbank cũng như trong việc làm cho Sacombank đi xuống.


Cổ đông réo tên ông Trầm Bê
Tuần trước, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức được diễn ra sau nhiều lần “lỡ hẹn”. Một trong những nội dung được các cổ đông quan tâm nhất tại đại hội lần này là việc kiện toàn nhân sự cấp cao Sacombank cho nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Cuối cùng thì ông Dương Công Minh, “chủ soái” Him Lam, một tập đoàn bất động sản đình đám tại Việt Nam chính thức nhận ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank sau tháng năm đồn thổi.
Tuy nhiên, khi đại hội còn chưa tiến hành biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới đã có rất nhiều cổ đông lên tiếng phản đối ứng viên. “Ông Trầm Bê đâu?” là câu hỏi liên tục được đặt ra đối với ban lãnh đạo ngân hàng.
Các cổ đông của Sacombank đặc biệt nhấn mạnh về vai trò và trách nhiệm của ông Trầm Bê – nguyên Chủ tịch HĐQT trong thương vụ sáp nhập với Southernbank cũng như trong việc làm cho Sacombank đi xuống.
“Đầu nhiệm kỳ thấy ông Trầm Bê vào để sáp nhập với Phương Nam, bây giờ cuối nhiệm kỳ ông ấy ở đâu?” - cổ đông Lê Thị Kim Cúc, một người sở hữu hơn 500 nghìn cổ phiếu STB bức xúc.
Trước sự truy vấn quyết liệt của cổ đông về trường hợp ông Trầm Bê, Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng - người giữ vai trò chủ tọa đại hội - giải thích rằng, ông Trầm Bê không còn quyền cổ đông, bởi đã ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang cho NHNN. Như vậy, ông Bê hiện không còn liên quan với ngân hàng nên không được tham gia đại hội.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, trong hoạt động kinh doanh ai cũng kỳ vọng đạt được kết quả tốt nhất song sai lầm là không tránh khỏi và ai cũng phải trả giá cho những bước đi chệch của mình.
“Anh Trầm Bê có thông qua tôi, muốn gửi lời xin lỗi tới các cổ đông vì những kết quả không như ý trong thời gian qua” – ông Dũng chia sẻ.
Dấu ấn của Trầm gia tại Sacombank
Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Bê từ nhỏ đã sớm nuôi khát vọng làm giàu, vượt lên số phận. Với ý chí mạnh mẽ của mình ông Trầm Bê bước chân vào giới kinh doanh, đầu tư và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trong bước đường xây dựng sự nghiệp riêng.
Tham gia nhiều “mặt trận” từ xây dựng, bệnh viện, nông – lâm, chứng khoán, vàng bạc đến ngân hàng, cái tên Trầm Bê chỉ thực sự được biết đến rộng rãi và trở nên quen thuộc trên các mặt báo kể từ khi đại gia gốc Trà Vinh cùng Sacombank “nắm tay chung đường”. Mặc dù trước đó, ông cũng từng “làm mưa làm gió” với tên tuổi gắn liền với với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).
Ngân hàng này được thành lập 19/5/1993 với số vốn ban đầu chỉ 10 tỷ đồng. Sau một quãng thời gian ngắn ngủi, Southernbank đã có một sự phát triển rất ấn tượng, khi tiến hành sáp nhập với một loạt các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 1997 – 2003. Đến 2010, Southernbank đã có được 105 chi nhánh, phòng giao dịch và đơn vị trực thuộc, tọa lạc trên khắp phạm vi cả nước; vốn điều lệ đã đạt hơn 3.049 tỷ đồng và tổng tài sản đạt hơn 54.000 tỷ đồng…
Nhưng sau đó, ngân hàng này lại cuốn theo cơn lốc thiếu hụt thanh khoản và nợ xấu leo thang. Rồi những kết quả bết bát này cũng dần được phơi bày. Ngay trong năm 2014, Southern Bank lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4 nghìn tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43 nghìn tỷ đồng dư nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc Southern Bank buộc phải sáp nhập, tái cơ cấu.
Quay trở lại với ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê tham gia HĐQT Sacombank từ năm 2012. Tại đây, ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngày 13/8/2015, NHNN đã đồng ý cho SouthernBank (nơi gia đình ông Trầm Bê sở hữu tỷ lệ trên 20% cổ phần ) và Sacombank sáp nhập. Chỉ hơn 1 tháng sau đó Southern Bank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục để “về chung một nhà”. Cái tên Southern Bank chính thức bị xóa bỏ. Sacombank tiếp nhận bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank đồng thời lọt top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó với tổng tài sản gần 300.000 tỷ đồng.
Sẽ không còn gì để nói nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Trái ngược với quy mô tăng mạnh, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã để lại những hậu quả không thể xóa nhòa trong “một sớm một chiều”.
Lợi nhuận của Sacombank năm 2015 đã sụt giảm thảm hại. Báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank cho thấy lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này năm 2015 đạt 1.146 tỷ đồng, giảm 48% so với năm trước. Đây là một kết quả kinh doanh thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này. Bên cạnh đó, Sacombank cũng không tránh khỏi việc phải gánh khối nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng chuyển giao từ SouthernBank khiến lợi nhuận ngân hàng “bốc hơi” qua các năm. Trong khi trước đó, mỗi quý Sacombank vẫn đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng.
Thương vụ sáp nhập ly kỳ nói trên từ đó cũng trở thành dấu ấn sâu đậm nhất của Trầm gia tại Sacombank. Thậm chí có người còn nói đây “nước cờ cuối trong thế trận thâu tóm của Trầm Bê”. Nhưng bất ngờ đến ngày 11/11/2015, HĐQT Sacombank “thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Sacombank theo nguyện vọng cá nhân”.
Trước đó, hồi tháng 8/2015, NHNN đã phát đi thông cáo về việc “ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng PNB, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan và sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê”.
Sau khi rời khỏi Sacombank, ông Trầm Bê cũng ít xuất hiện hơn trước công chúng, các thương vụ làm ăn của đại gia đình đám một thời cũng lặng lẽ và bớt ồn ào hơn trước đây.
Diệu Ly

Đại gia sở hữu dinh thự lớn nhất Tây Nam Bộ
Không chỉ nổi danh trong ngành tài chính ngân hàng, đời tư của ông Trầm Bê cũng được giới đầu tư và dư luận quan tâm. Trong đó, dinh thự của ông Trầm Bê tại quê nhà Trà Vinh từng là tâm điểm của báo chí. Được biết, dinh thự này được xây trên quần thể rộng 30ha với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đồ đạc trong tòa lâu đài của ông Trầm Bê đều rất sang trọng, và có xuất xứ ở khắp thế giới. Chiếc đèn chùm trị giá nhiều tỷ đồng có đường kính rộng gần 10m được làm từ châu Âu, các thanh giằng dát vàng được đặt tại gian chính của tòa nhà. Quần thể dinh thự được tô điểm bằng những cây cảnh quý đắt giá như vườn tùng bạc tỷ, cá hải tượng đắt giá, tê giác nhồi bông được trưng bày trong phòng chính…
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.