Thông tin trên Zing, trạm quan trắc do trung tâm GIS (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và một đối tác phối hợp lắp đặt. Nếu thử nghiệm thí điểm đạt hiệu quả tốt và ổn định, TP.HCM sẽ lắp đặt thêm các trạm cảnh báo tại những địa điểm thường xảy ra ngập úng khác.
Theo ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc trung tâm GIS, đây là trạm quan trắc, cảnh báo ngập đầu tiên được lắp đặt trên địa bàn thành phố. Trạm được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống camera, cảm biến mực nước với độ chính xác cao, có khả năng phát hiện lỗi và tự khắc phục bằng phần mềm.
Khi hoạt động, đèn đỏ cảnh báo sẽ nháy liên tục, dữ liệu sẽ được gửi về trung tâm và tới người dân thông qua phần mềm cảnh báo ngập. Người sử dụng phần mềm sẽ được hướng dẫn đường đi khác. Cảnh báo ngừng hiển thị khi mực nước rút đi.
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, trạm quan trắc, cảnh báo ngập thuộc Dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại TP.HCM của ông Bùi Hữu Phú.
Đây là dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Nhận thấy tính ứng dụng thực tiễn cao của giải pháp trong việc giải quyết tình trạng ngập hiện nay ở TP.HCM, Sở KH-CN đã tham mưu cho UBND TP.HCM đồng ý cho công ty Nam Long triển khai thí điểm đầu tiên ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn công năm 2002, là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, con đường này thường xuyên ngập và được xem là "rốn ngập" của TP.HCM.
Nhiều dự án của thành phố như Dự án lắp đặt siêu máy bơm chống ngập hơn 9.900 tỷ; Dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh chống ngập với tổng mức đầu tư 472,9 tỷ đồng đã và đang được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng này.
Mộc Miên (Tổng hợp)