Trước những băn khoăn về hiệu quả của những trạm dừng nghỉ đường bộ hiện nay, P.V đặt vấn đề tại sao số tiền đầu tư ban đầu rất lớn, cùng với sự kỳ vọng đem lại một dịch vụ tốt nhằm chấn chỉnh lại vấn nạn cơm "tù" và chặt chém hành khách tại các quán ăn tự phát trong nhiều năm qua nhưng hiệu quả thực tế rất thấp. Những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giao thông vận tải đều cho rằng mô hình tổ chức như hiện nay của các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ không còn phù hợp với thực tiễn, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường nên hành khách và tài xế vận tải gần như thờ ơ với những trạm dừng nghỉ này.
Một số hành khách chúng tôi phỏng vấn đều cho ý kiến chất lượng phục vụ ăn uống tại những trạm dừng nghỉ hiện nay không thực sự nổi trội hơn so với các quán ăn tự phát. Cơ sở vật chất ở đây cũng không có gì đặc biệt cả vì thế không có cảm giác hứng thú khi vào những trạm dừng nghỉ này. Anh Trần Ngọc Tân, một hành khách trên tuyến đường Hà Nội đi Lạng Sơn cho rằng: "Gần như anh không có nhu cầu về dừng nghỉ tại trạm dừng nghỉ trên tuyến đường quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Lạng Sơn, bởi quãng đường này ngắn, chỉ cần dừng đâu đó 15 phút nghỉ ngơi là đủ".
Cũng liên quan đến vấn đề này, anh Ngô Mạnh Hùng, ở Hà Tĩnh, lái xe tuyến Hà Tĩnh - TP. HCM cho rằng, dịch vụ và chất lượng không có gì nổi trội, cơ sở vật chất thậm chí còn yếu kém hơn rất nhiều các nhà hàng ven quốc lộ. Trong khi đó nhân viên phục vụ thiếu chuyên nghiệp nên hãng xe thường ký hợp đồng với những nhà hàng, quán ăn có điều kiện tốt để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và ăn uống của khách hàng. "Với những hãng xe chất lượng chạy dọc Bắc - Nam, việc ăn uống, dừng đỗ là một nhân tố để tạo nên chất lượng phục vụ đi lại cho hành khách, yếu tố tăng thêm tính cạnh tranh cho hãng vì vậy không thể tuỳ tiện phó mặc hành khách cho các trạm dừng nghỉ hoạt động theo kiểu bao cấp, bán chuyên nghiệp được" - anh Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến chất lượng phục vụ và thực trạng đìu hiu của những trạm dừng nghỉ hiện nay trên các cung đường quốc lộ, ông Lương Hoàng Trung, phó chủ tịch hiệp hội Vận tải TP. HCM cho rằng, bản thân trạm dừng nghỉ hiện nay không đáp ứng đủ các điều kiện và nhu cầu thiết thực dừng nghỉ, sửa chữa của hành khách và nhà xe. Là một người gắn bó với ngành vận tải hàng hoá trong mấy chục năm nay, ông Trung phân tích nguyên nhân dẫn tới cảnh đìu hiu này: Xét về lĩnh vực vận tải hàng hoá, các tài xế xe tải ít khi tìm đến các trạm dừng nghỉ, vì tài xế thường tiện đâu nghỉ đó. Hơn nữa bản thân xe tải ngừng nghỉ cần đòi hỏi mặt bằng đủ rộng nhưng lượng người trên xe ít nên việc sử dụng dịch vụ ăn uống không lớn như xe khách, chính vì thế xe tải thường dừng đỗ ở chỗ quen biết, nơi họ cần sự cảm thông.
Đối với xe khách, thông thường họ chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi tầm 15 đến 30 phút, thời gian rất ngắn nên nhu cầu mua sắm hay nghỉ dưỡng của hành khách gần như không có. Chính vì lẽ đó, bản thân tâm lý hành khách kiếm chỗ nào thuận tiện và an tâm là được, không nhất thiết phải là trạm dừng nghỉ. Theo ông Trung, các trạm dừng nghỉ chỉ phù hợp với khách đi tuor du lịch, nhu cầu họ nghỉ ngơi một thời gian tương đối dài và an toàn. Nhưng vấn đề, các dịch vụ hiện nay của các trạm dừng nghỉ đường bộ lại rất kém, không đủ sức cạnh tranh nên gần như khách đi tuor du lịch và các công ty du lịch cũng quay lưng với dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ.
Ông Trung nhận định, trong trường hợp đầu tư vốn để xây dựng một trạm dừng nghỉ đủ tiêu chuẩn gồm đủ các dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc; dịch vụ y tế; kho hàng; tiếp nhiên liệu cũng rất khó để cạnh tranh. Bởi, với công nghệ hiện đại và sự bùng nổ của dịch vụ hiện nay gần như những nhu cầu trên nếu phát sinh trên đường sẽ được đáp ứng kịp thời. Bây giờ, xe hư hỏng chỗ nào chỉ cần gọi điện đến là có dịch vụ tận nơi. "Tôi cho rằng, các trạm dừng nghỉ hiện nay tồn tại đã khó chứ chưa nói phát triển, phân khúc thị trường không có lượng khách hàng thường xuyên và phù hợp sử dụng dịch vụ này", ông Trung nhấn mạnh.
Phúc - Hạnh