Theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), có 3 loại trạm gồm cố định, lưu động và tự động.
Hạn chế việc đặt trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trong nội thành, gắn camera quan sát 24/24
Theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), trạm KTTTX tự động là hệ thống gồm thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cố định, 01 cấp cân, được lắp đặt cố định trong kết cấu nền, mặt đường và các phương tiện, thiết bị phụ trợ khác; hoạt động theo phương pháp tự động kiểm tra phát hiện vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn của xe của đường bộ, khi xe lưu thông qua cân với tốc độ từ 0km/giờ đến 80km/giờ, hoặc 100km/giờ đối với đường cao tốc; kết quả cân được sử dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Dự thảo cũng quy định trạm KTTTX tự động sẽ được bố trí trên các đoạn đường bộ trọng điểm, kể cả đường cao tốc, các hành lang vận tải đường bộ chính, đảm bảo: Kiểm soát tối đa các phương tiện lưu thông trên đường bộ (kể cả phương tiện từ các khu vực lân cận, các đầu mối nguồn hàng, cửa khẩu, bến cảng...); Hạn chế tối đa hiện tượng xe quá tải đi vòng đường khác để trốn, tránh việc kiểm tra, kiểm soát của trạm kiểm tra tải trọng xe; Hạn chế tối đa các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực khai thác của đường bộ; Hạn chế việc đặt trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trong phạm vi khu vực nội thành, nội thị, các đô thị để chống ùn tắc giao thông.
Việc đặt trạm KTTTX tự động có thể tham khảo các vị trí theo Quyết định 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” hoặc trên cơ sở đề nghị, tình hình giao thông thực tế trên các đường bộ đang khai thác được phân cấp quản lý, cơ quan quản lý đường bộ (Cục Đường bộ VN, Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương) về vị trí lắp đặt trạm KTTTX tự động để kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về mô hình chung, trạm KTTTX tự động sẽ bao gồm bộ thiết bị cân KTTTX là loại cân động, dải tốc độ lưu thông của phương tiện qua cân từ 0km/h đến 100km/h tùy theo tốc độ khai thác cho phép đối với xe tải của từng cấp đường; công nghệ cân có độ chính xác cao, tin cậy, hoạt động theo cơ chế tự động, cho kết quả cân đủ điều kiện để làm căn cứ pháp lý xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ thiết bị cân được lắp đặt trên làn đường xe chạy sẽ giảm chi phí xây dựng, thuận lợi hơn trong việc phân làn và điều tiết giao thông, kiểm soát tải trọng được 100% xe qua cân.
Trong khu vực cân KTTTX tự động, trước vùng cân (vị trí đặt cân) có hệ thống biển báo hiệu đường bộ về KTTTX tự động, tốc độ tối đa, khoảng cách tối thiểu, phân làn xe, được gắn trên cột và giá long môn; hệ thống dải phân cách mềm, đinh phản quang để phân làn xe.
Vị trí lắp đặt thiết bị cân nằm trên mỗi làn đường xe chạy (trong vùng cân), là nơi đặt thiết bị cân KTTTX, camera, hệ thống dải phân cách mềm hoặc vạch sơn nét liền có gắn đinh phản quang để phân làn xe, các thiết bị phụ trợ khác và hệ thống báo hiệu đường bộ, để đo lường, xác định tải trọng, khổ giới hạn phương tiện khi lưu thông qua, biển báo điện tử (VMS) hiện thị kết quả; trong vùng cân, trên mỗi làn xe đảm bảo khoảng cách ghi trên biển báo giữa các xe khi đi qua vị trí đặt thiết bị cân.
Theo dự thảo, trạm KTTTX tự động bắt buộc phải có hệ thống cân tự động trên dòng lưu thông; Hệ thống tự động dò đọc, nhận dạng biển số xe qua hình ảnh camera; Hệ thống xác định tốc độ xe khi lưu thông qua bàn cân; Hệ thống đo lường độ dài tự động về kích thước bao của xe kể cả hàng hóa (đối với trạm KTTTX tự động có lắp thiết bị đo lường độ dài); Hệ thống phát hiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: camera giám sát và quan sát toàn cảnh; Hệ thống báo hiệu đường bộ (biển báo, vạch sơn, dải phân cách, đèn tín hiệu, biển báo điện tử (VMS) hiện thị kết quả….); Phòng hoặc cột giá treo tủ kỹ thuật chứa thiết bị máy tính, thiết bị điều khiển.
Ngoài ra còn có thể trang bị: phòng đặt thiết bị máy tính, điều khiển, kết hợp bốt bảo vệ hoặc chỉ có bốt trực bảo vệ căn cứ vào vị trí đặt trạm KTTTX tự động, diện tích mặt bằng (nếu có) cạnh trạm KTTTX tự động và yêu cầu của chủ đầu tư, đơn vị quản lý.
Đối với hệ thống camera an ninh quan sát toàn cảnh quy định các camera phải có khả năng điều chỉnh như: phóng to 20 lần, quay quét tối thiểu 2700 liên tục; nghiêng 1800. Camera phải có khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vị trí lắp đặt camera phải được lựa chọn để đảm bảo hiệu quả quan sát cao nhất.
Hệ thống cân KTTTX tự động sẽ thuộc cơ quan quản lý đường bộ như Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý Đường bộ và thuộc các đơn vị đầu tư, quản lý, khai thác công trình đường bộ.
Nhiệm vụ khai thác trích xuất dữ liệu, sử dụng kết quả cân làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính có thể giao cho Thanh tra Sở (đối với Sở GTVT), Đội Thanh tra an toàn (đối với Khu Quản lý Đường bộ) thực hiện theo thẩm quyền.
Về máy chủ của bộ cân, dự thảo quy định phải có dung lượng lưu trữ dữ liệu kết quả cân bảo đảm hoạt động liên tục của trạm trong 3 năm, lưu trữ dữ liệu hình ảnh thu được từ camera an ninh (toàn cảnh) trong 1 năm. Phần mềm máy tính phải được bảo mật, không thể can thiệp sửa chữa, thay đổi kết quả thu được từ hệ thống thiết bị cân, kể cả hình ảnh, kiểm soát quyền truy cập sử dụng.
Các yêu cầu đối với hệ thống, thiết bị khác cũng được quy định như: Đảm bảo giám sát trực tuyến từ xa; Đảm bảo kết nối và truyền dữ liệu về Phần mềm KSTTX của Cục ĐBVN để phục vụ quản lý và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm; Kết nối Phần mềm KSTTX với Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT cùng của Cục ĐBVN (khi điều kiện cho phép), để xác định hành trình, vị trí đối với những xe vi phạm vượt quá tải trọng lớn, có nguy cơ gây hư hỏng cầu, đường, gây TNGT hoặc khi cần phải xác minh xử phạt.
Trạm KTTTX cố định phải có bãi đỗ xe vi phạm chở xử lý
Trong đó, trạm KTTTX cố định được xây dựng và trang bị hệ thống thiết bị cố định để theo dõi, phát hiện và xử lý xe vi phạm quá tải và quá khổ; trạm hoạt động thường trực 24/24 giờ.
Các bộ phận bắt buộc phải có của Trạm KTTTX cố định bao gồm: Hệ thống cân sơ bộ tự động trên dòng lưu thông (cân động ở tốc độ cao kết hợp với cân động ở tốc độ thấp); Hệ thống cân khẳng định tải trọng (cân tĩnh hoặc cân động ở tốc độ thấp); Hệ thống dò đọc tự động biển số xe qua hình ảnh camera; Hệ thống kiểm soát tốc độ xe; Hệ thống dò quét kích thước xe sơ bộ (kể cả hàng hóa); Hệ thống kiểm soát, phát hiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, camera giám sát và quan sát toàn cảnh; Dụng cụ và trang bị đo kích thước xe khi dừng; Hệ thống báo hiệu và biển báo điện tử tự động.
Nhà điều hành trung tâm; Phòng điều khiển tại chỗ; Bốt trực của cảnh sát giao thông và kiểm soát quân sự; Nút giao đảo chiều xe (khi phương tiện quá tải, quá khổ không được phép tiếp tục hành trình (có thể do cầu yếu, khổ hẹp,… mà xe không thể qua được hoặc gây mất an toàn cho cầu đường) thì phải bị cưỡng chế quay trở lại); Vòng xoay đảo chiều xe (phục vụ việc quay xe để cân lại sau khi xếp dỡ, hạ chuyển tải hoặc xoay các xe bị cưỡng chế quay trở lại không được tiếp tục hành trình); Nhà ở công vụ; Hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Dự thảo cũng quy định các trạm KTTTX cố định phải có bãi đỗ xe vi phạm chở xử lý, trước bãi đỗ, phải bố trí biển báo đỗ xe để các phương tiện biết để vào đỗ. Trên mặt bãi phải sơn kẻ vạch đỗ cho trật tự và tuân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT.
Số lượng ô đỗ xe cần căn cứ lưu lượng để bố trí nhưng nên thiết kế trong khoảng từ 5 đến 10 ô. Mỗi ô đỗ xe phải có kích thước 3,5 m x 16,5 m để đảm bảo chiều dài và khe hở an toàn cho các loại xe vận tải kéo rơmoóc hoặc sơmi-rơmoóc hiện nay. Bán kính đường cong đưa xe vào ô đỗ xe yêu cầu là 50 m.
Ngoài ra, phải bố trí thêm một chỗ đỗ cho xe siêu trường với kích thước 3,5 m x 25 m trên đường thẳng để tránh va quệt ngang nếu bố trí xe theo đường cong vào bãi. Kết cấu mặt đường của bãi đỗ xe vi phạm chờ xử lý phải thiết kế mặt đường bê tông xi măng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành với trục xe tiêu chuẩn nhân với hệ số 1,5.
Ngoài ra, các trạm KTTTX có thể trang bị thêm: Bãi và phương tiện xếp dỡ hạ tải, chuyển tải (ở những chỗ bắt buộc phải hạ tải xe mới được phép lưu hành nhằm đảm bảo an toàn cho cầu đường); Lối đi dành riêng cho phương tiện thuộc đối tượng kiểm tra (khi đó, các đối tượng phương tiện bị kiểm tra không đi chung với các phương tiện khác nên việc kiểm tra không gây ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông bình thường của các loại phương tiện khác).
Dự thảo cũng quy định nguyên tắc lựa chọn vị trí đặt trạm KTTTX cố định được bố trí trên các đường bộ trọng điểm, hành lang vận tải đường bộ lớn, nơi xuất phát các nguồn hàng lớn sao cho kiểm soát tối đa phương tiện lưu thông trên đường bộ (kể cả phương tiện từ khu vực lân cận, các đầu mối nguồn hàng, cửa khẩu, bến cảng...).
Cùng với đó hạn chế tối đa hiện tượng xe quá tải, quá khổ đi vòng đường khác để trốn, tránh việc kiểm tra, kiểm soát của trạm kiểm tra tải trọng xe; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến năng lực khai thác của đường bộ và hạn chế việc đặt trạm trong phạm vi khu vực nội thành, nội thị các đô thị để chống ùn tắc giao thông.
Về quy trình kiểm tra tải trọng và kích thước xe tại trạm KTTTX cố định, các xe thuộc đối tượng bị kiểm tra khi đến trạm KTTTX phải tuân thủ hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng làn đường hoặc lối đi dành riêng để các thiết bị đo lường sơ cấp có thể kiểm tra được kích thước và tải trọng.
Nếu không có dấu hiệu vi phạm, xe tiếp tục hành trình vượt qua trạm KTTTX và hòa nhập vào dòng xe chung. Trường hợp phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm, hệ thống báo hiệu tự động chỉ dẫn xe đi vào lối dành riêng để tiến hành đo lường, kiểm tra thứ cấp về kích thước và trọng lượng. Nếu hệ thống đo lường thứ cấp khẳng định có vi phạm, xe sẽ bị dẫn vào bãi chờ xử lý. Các vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các tình huống vi phạm bất thường phải được đưa vào quy trình kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt phải lưu ý phát hiện và xử lý các tình huống tìm cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của trạm thông qua các hình thức cụ thể như: Che biển số xe để thiết bị dò đọc biển số không đọc được biển số xe; Che hoặc làm bẩn hoặc để bẩn hoặc làm cong vênh một phần biển số làm cho hệ thống dò đọc sai hoặc không đầy đủ hoặc thừa ký tự biển số xe; Chạy lệch làn xe quy định nhằm vô hiệu hóa hệ thống đo lường và đọc biển số xe; Chạy nối đuôi nhau ở cự ly quá gần nhằm trốn tránh góc quan sát của hệ thống dò đọc biển số xe; Chạy với tốc độ quá nhanh hoặc quá chậm theo quy định tại trạm nhằm vô hiệu hóa hệ thống đo lường và dò đọc biển số xe; …
Trong các tình huống đó, hệ thống kiểm soát vi phạm quy tắc giao thông đường bộ phải phát hiện được và kích hoạt hệ thống báo hiệu bắt buộc xe vào trạm đồng thời báo động và chuyển hình ảnh, thông tin xe vi phạm tới bốt trực của cảnh sát giao thông và kiểm soát quân sự để ngăn chặn, xử phạt kịp thời. Hình ảnh và thông tin vi phạm của xe được lưu trữ trên máy tính để phục vụ cho công tác kiểm tra, xử phạt.
Tuệ Minh