Sáng 7/6, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng Dự báo, đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: "Dự án trạm Ra đa thời tiết là niềm mong mỏi của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên từ rất lâu nhưng đến nay mới thực hiện được. Hiện tại, trạm Ra đa thời tiết được đặt ở đồi Đức Mẹ, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cơ sở hạ tầng của trạm căn bản đã hoàn thiện, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đi vào hoạt động".
Ông Tuấn phấn khởi: "Nếu trạm ra đa thời tiết đi vào hoạt động sẽ góp phần rất tích cực vào việc dự báo thời tiết trong thời gian cực ngắn, độ chính xác rất cao. Cụ thể, trạm ra đa có thể phát hiện được những đám mây đối lưu, do đó trong vòng 15-30 phút, chúng tôi có thể dự báo được những trận mưa rào, mưa giông xảy ra trên toàn địa bàn khu vực Tây Nguyên. Nhờ đó, người dân có thể biết trước được những hiện tượng thời tiết cực đoan sắp xảy ra để có phương án phòng chống".
Theo ông Tuấn, trước đó, trung tâm Dự báo thời tiết chủ yếu dựa vào phân tích ảnh mây vệ tinh và kết quả ra đa ở các tỉnh miền Trung nên công tác dự báo gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trạm ra đa này khả năng quét phạm vi rộng từ 300-400km giúp hỗ trợ dự báo thời tiết có độ chính xác cao trong thời gian cực ngắn.
Cũng theo ông Tuấn, đây là công trình hiện đại, có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Phần Lan tài trợ. "Ở các nước tiên tiến, việc sử dụng trạm ra đa rất đồng bộ, bố trí cách khoảng 200km có 1 ra đa nên hiệu quả và độ chính xác trong dự báo rất cao”, ông Tuấn nói.
"Trạm ra đa đi vào hoạt động sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trong nông nghiệp và đời sống hàng ngày", ông Tuấn nói thêm.