Thay đổi từ “trạm thu phí” BOT sang “trạm thu giá” BOT, bộ Giao thông Vận tải đang gặp phản ứng gay gắt từ dư luận. Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã giải thích về những thắc mắc của dư luận khi chuyển từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” nhưng dường như, càng giải thích càng bộc lộ sự nhập nhèm trong cách dùng từ.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định về lý giải của Bộ trưởng bộ GTVT. Bộ trưởng giải thích việc đổi tên “trạm thu phí” BOT sang “trạm thu giá” BOT vì đây là sản phẩm của doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của luật Giá.
ĐBQH Lê Thanh Vân phân tích, trong quy định luật Phí và lệ phí, đó là quy định về phía đầu tư công khi Nhà nước đưa ra đầu tư bằng vốn đi vay. Nếu đầu tư từ ngân sách là chuyện khác, còn đầu tư bằng nguồn vốn đi vay thì người sử dụng phải trả một khoản phí bù đắp.
Trong luật Giá quy định đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp, cấu thành nên giá do Nhà nước quản lý, làm sao để nó phản ánh đúng chi phí đầu vào, đầu ra của cả lợi ích cho các bên.
ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, Bộ trưởng bộ GTVT đang giải thích theo hướng thứ hai, các trạm BOT là sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư từ việc xây dựng hoạt động chuyển giao nên phải tính đến chi phí và lợi nhuận của họ thu được để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.
“Cái mà Bộ trưởng GTVT đang giải thích là làm sao có lợi cho cả Nhà nước- người dân và doanh nghiệp, nhưng dùng ngôn ngữ để thay đổi cho tên "trạm thu phí" là cách hiểu lầm rất sai", ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định.
ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, thay vì tìm từ khác thay cho “trạm thu phí” phổ biến trước đây lại đặt tên mới “trạm thu giá”. Mà từ giá trong từ điển Tiếng Việt rất nhiều nghĩa: Nó là giá treo, trong đó có cả giá treo cổ, giá có nghĩa là rổ giá, giá được ủ từ những hạt đậu nảy mầm và trong trường hợp này là giá trị (thuật ngữ được chỉ giá trị kết tinh trong sản phẩm hàng hóa dịch vụ nào đó).
“Trong trường hợp cụ thể này, chỉ “trạm thu giá” thì không có nghĩa, nhiều người dân phản ứng là có căn cứ, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Đã là Nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực và dễ hiểu, trước hết là thuần Việt. Đặt tên làm sao cho hợp lý vừa chuẩn mực về văn phong pháp lý, vừa trong sáng về tiếng Việt. Phản ứng của những người tham gia giao thông với tên “trạm thu giá” chủ yếu là nhạo báng sự thiếu chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt”, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.
ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng dẫn ví dụ, bệnh viện công, tư bây giờ vẫn sử dụng từ viện phí. Trong trường hợp trạm thu phí BOT vừa qua, người dân phản ứng về mức phí chứ không phản ứng tên gọi của trạm. Thỏa thuận của nhà đầu tư với người chấp nhận dịch vụ chính là chi phí người tham gia giao thông bỏ ra có hợp lý hay không so với mức đầu tư của nhà đầu tư. Nó cao quá thì người ta phản ứng.
Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp giao thông phổ biến nhất cho nhân dân, những gì Nhà nước thu từ nhân dân thông qua thuế thì phải đảm bảo giao thông tối cần thiết cho nhân dân. Đó chính là tuyến quốc lộ. Đã là tuyến quốc lộ thì không được thu phí. Chỉ có những chỗ các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để người dân có sự lựa chọn tốt hơn, lúc đấy mới được thu tiền. “Tiền đó có thể gọi bằng phí hoặc các tên gọi nào đó thuần Việt chứ không nên dùng từ thu giá. Từ đó rất tối nghĩa”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhìn nhận.
Cũng theo vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nếu như bộ GTVT không đề xuất thì Chính phủ không ban hành Nghị định như vậy. Ở đây, bộ GTVT phải xem xét lại mình, trước hết phải tiếp thu ý kiến của dư luận xem việc dùng ngôn ngữ của mình như thế đã chuẩn chưa? Vì sao người dân lại phản ứng, phản ứng vì mục đích gì?
“Trong trường hợp này, bộ GTVT lựa chọn sai ngôn ngữ và đã sai rồi, nên khắc phục, đừng biện hộ bằng việc giải thích gốc rễ từ luật đến nghị định. Không nên thế”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhắn nhủ.