Trạm trộn bê tông hoạt động cũng khiến tuyến đường người dân mới làm xong chưa lâu bị các xe tải cỡ lớn cày nát. Điều ngạc nhiên là, tính đến năm 2017, trạm trộn bê tông này đã hết hạn thuê đất gần 2 năm nhưng vẫn ung dung sản xuất mà không có bất kỳ sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Sống chung với ô nhiễm
Tiếp xúc với PV, nhiều người dân tại các khu phố Lương Thiện, Trung Kỳ, Bắc Kỳ của phường Trung Sơn, TP.Sầm Sơn cho biết: Trước kia, đây là khu vực gần nghĩa địa tâm linh khá yên tĩnh và sạch sẽ, lại có con đường Nguyễn Du chạy qua. Thế nhưng từ đầu năm 2015, bỗng dưng một doanh nghiệp từ đâu về xây dựng trạm trộn bê tông công suất lớn để cung cấp cho các dự án trên địa bàn.
Từ ngày có trạm trộn bê tông mọc lên, đời sống của người dân xung quanh khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiếng máy móc inh ỏi, tiếng xe cộ ồn ào, tấp nập ra vào trạm trộn gần như 24/24 giờ hàng ngày. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm bởi bụi xi măng, cát, đá từ trạm trộn gây ra. Chưa dừng lại ở đó, tuyến đường người dân mới đóng góp xây dựng cũng đã bị xe vận chuyển của trạm trộn cày nát và bị xi măng thải vùi lấp, gây xuống cấp nặng nề, mùa khô thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì nhầy nhụa bùn đất.
Theo quan sát của PV, hiện tại mọi hoạt động của trạm trộn bê tông này vẫn diễn ra bình thường. Máy móc, xe cộ vẫn ra vào tấp nập, các bãi vật liệu phục vụ trạm trộn như cát, đá vẫn được tập kết mới. Bên trong trạm trộn không hề có các hồ lắng lọc nước thải, xi măng thải được đổ tràn lan ra khu vực xung quanh, thậm chí đổ sát ra cả đường Nguyễn Du. Nước thải lẫn xi măng chảy tràn lan quanh khu vực trạm trộn và ra ngoài môi trường, chảy cả vào khu vực nghĩa địa khiến người dân không khỏi bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Lợi - một người dân tại khu phố Trung Kỳ cho biết: Người dân sinh sống trong khu vực đều biết thời gian thuê đất sản xuất của doanh nghiệp đã hết từ lâu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý? “Người dân đã nhiều lần có ý kiến với phường, UBND TP nhưng mọi phản ánh đều bị rơi vào im lặng một cách khó hiểu”- bà Lợi phản ánh.
Có việc bảo kê?
Qua tìm hiểu được biết: Trước đó, ngày 23/3/2015, UBND thị xã Sầm Sơn có văn bản số 447/UBND-QLĐT đồng ý cho UBND phường Trung Sơn cho công ty TNHH Sen Vàng Hoa Lư có địa chỉ tại đội 2 - thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình mượn địa điểm lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa thảm đường giao thông phục vụ các dự án trên địa bàn thị xã trong thời gian 12 tháng. Vị trí thửa đất là thửa số 60, diện tích 3.500m2. Không lâu sau đó, ngày 28/3/2015, UBND phường Trung Sơn do ông Lê Anh Quyết- Phó Chủ tịch UBND phường làm đại diện đã ký Hợp đồng thuê đất số 01/2015/HĐ-UBND với công ty TNHH Sen Vàng Hoa Lư sử dụng 3.500m2 đất vào mục đích: Lắp dựng vận hành trạm trộn bê tông nhựa và bê tông tươi với thời hạn hợp đồng là 1 năm kể từ ngày ký, giá thuê đất là 60 triệu/năm.
Hợp đồng là vậy, nhưng đến nay, công ty TNHH Sen Vàng Hoa Lư vẫn không chịu di dời, tháo dỡ máy móc và trả lại mặt bằng cho UBND phường Trung Sơn, mà thay vào đó vẫn tiếp tục hoạt động như chưa có gì xảy ra.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Thăng Giáp - chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết: Việc người dân phường Trung Sơn bức xúc về trạm trộn bê tông gây ô nhiễm và phá hỏng tuyến đường người dân đóng góp là có thật. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị với phường và TP không cho trạm trộn này hoạt động và yêu cầu phải di dời. “Tuy nhiên, tôi mới tiếp nhận công tác được ít tháng nay, khi nhận được phản ánh của bà con, chúng tôi đã cho mời công ty lên gặp gỡ, trao đổi nhưng phía công ty này bất hợp tác” - ông Giáp tỏ ra bất lực.
Người dân cũng cho hay: Có thời gian gần đây thấy cán bộ phường Trung Sơn ra lập lưới, rào chắn không cho trạm trộn bê tông này tiếp tục hành dân, nhưng chỉ ít phút sau phải dỡ vì có điện thoại của lãnh đạo thành phố (?).
Trước những bức xúc của người dân, ông Giáp khẳng định: Tuy mới về tiếp nhận công việc nhưng đối với việc trạm trộn bê tông của công ty TNHH Sen Vàng Hoa Lư vẫn hoạt động trái quy định, sắp tới ông sẽ mời công ty này vào làm việc và thanh lý hợp đồng ngay trong tháng 1/2018, đồng thời di dời toàn bộ máy móc và hoàn trả lại tuyến đường đã hỏng cho người dân. Nếu phía công ty không hợp tác phường sẽ có biện pháp lập rào chắn và báo cáo cấp trên để có hướng xử lý cứng rắn và triệt để.
Theo Nguyễn Chung (Đại đoàn kết)