Ngày 19/11, Sở Y tế Tp.HCM chính thức khởi động chương trình nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Tp.HCM.
Khó khăn đủ bề do thiếu bác sĩ
Theo đó, Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cách trung tâm Tp.HCM khoảng 70 km, có gần 4.500 người dân. Tuy nhiên, chỉ có 7 nhân viên cơ hữu của Trạm Y tế Thạnh An chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ dân của xã đảo này.
Đáng nói, trong 7 người này, chỉ có 1 bác sĩ vừa làm chuyên môn vừa kiêm quản lý trạm... Công tác khám chữa bệnh của người dân được thực hiện hết sức khó khăn.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ Lương Thanh Trường, Trưởng Trạm y tế Xã đảo Thạnh An cho biết, do địa bàn xã đảo Thạnh An có đặc thù riêng, là nằm cách xa đất liền, phương tiện đi lại khó khăn, đội ngũ bác sĩ chưa đáp ứng... do đó nhiều khó khăn trong điều trị bệnh nhân.
Chẳng hạn mới đây, sau khi nhận cuộc gọi từ một nữ bệnh nhân lớn tuổi, có triệu chứng đau đầu dữ dội kèm chóng mặt, nôn ói, có tiền sử từng bị đột quỵ một lần, đã điều trị và hồi phục. Ngay lập tức, bác sĩ Trường xách vali cấp cứu, chạy xe máy tới nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Trường nhận định, có thể nữ bệnh nhân bị nhồi máu não tái phát nên cho thở ôxy, dùng thuốc nội khoa, đồng thời liên hệ với ca-nô cấp cứu và Bệnh viện Cần Giờ để chuyển ngay bệnh nhân vào đất liền điều trị.
Nếu vượt quá "thời gian vàng" để can thiệp, ở lần đột quỵ này, bà có nguy cơ liệt nửa người. Do quãng đường từ xã đảo Thạnh An vào đất liền mất 5 hải lý, nếu đưa bệnh nhân cấp cứu bằng ca nô không an toàn nên bác sĩ quyết định vận chuyển bệnh nhân bằng ghe ghỗ.
Sau 45 phút di chuyển, ghe gỗ cập bến an toàn, bệnh nhân được xe cứu thương chờ đón về Bệnh viện Cần Giờ. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không bị liệt nửa người.
Từ thực tế việc khám chữa bệnh còn khó khăn đó, Sở Y tế Tp.HCM đã khởi động chương trình nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An và lần đầu tiên Trạm Y tế Thạnh An đưa vào vận hành máy X-quang tại giường hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh).
Máy X-quang này được tích hợp trí tuệ nhân tạo do chính các kỹ sư Việt Nam lập trình.
Nó có thể đọc được chính xác tổn thương của bệnh nhân. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh hiện đại sẽ giúp các bác sĩ ở trạm y tế có thể dễ dàng kết nối, hội chẩn từ xa với các chuyên gia bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán chính xác và đưa phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân 71 tuổi, đến Trạm y tế xã Thạnh An để khám và kiểm tra sức khoẻ vì ho ra máu đứng vào đúng vị trí của máy để chụp X-quang phổi.
Rút ngắn thời gian điều trị nhờ AI
Khi chưa có máy X-quang, người dân xã đảo Thạnh An phải đi qua 2 chuyến đò để vào trung tâm Tp.HCM, tốn thời gian, chi phí đi lại...
Nhưng hiện nay, người dân nơi đây có nhiều thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh nhờ ứng dụng AI và hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh chuyên biệt.
Với công dụng hiện đại,sau khi chụp, máy có thể phát hiện đến 95 trường hợp bất thường, hình ảnh và thông tin ngay lập tức được truyền đến bác sĩ ở “tuyến trên” để chẩn đoán bệnh chính xác.
Phần mềm AI dùng cho bộ máy chụp X-quang này có tên Annalise CXR Edge do hai anh em ruột là Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng sáng tạo.
Hiện nay, công nghệ mới này đang được dùng tại Úc và Nhật. Việc ứng dụng AI vào máy chụp X-quang để lập tức tầm soát một cách dễ dàng đối với 95 biểu hiện bất thường của người bệnh là một bước tiến mới.
Lãnh đạo sở Y tế Tp.HCM cho rằng, đây là một dấu ấn quan trọng của ngành y tế Tp.HCM khi Thạnh An là trạm tiên phong trong 310 trạm y tế của thành phố vận hành kỹ thuật này.
BS Phạm Hải Việt Tỷ, một bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tình nguyện tham gia chương trình luân phiên bác sĩ đến công tác có thời hạn tại xã đảo Thạnh An.
Chỉ vài động tác chạm tay lên màn hình của máy X-quang, bác sĩ Tỷ đã tự tin đọc các thương tổn trên phim X-quang là xẹp phân thuỳ phổi P, dày màng phổi và tràn dịch màng phổi T.
Nhờ ứng dụng AI được tích hợp trên máy X-quang kỹ thuật số, các thương tổn trên X- quang phổi nhanh chóng được liệt kê trên màn hình, và nhờ máy X-quang đã được kết nối hệ thống PACs, bác sĩ Tỷ dễ dàng chuyển hình ảnh X-quang phổi vừa chụp để xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Chỉ chưa tới 15 phút sau khi xin ý kiến chẩn đoán của các bác sĩ chuyên gia, bác sĩ trẻ đã có một chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị rõ ràng cho người bệnh.
Trạm y tế đầu tiên cả nước triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, đây là trạm y tế đầu tiên của cả nước đã triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng telemedicine để kết nối bác sĩ đang công tác tại trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện Thành phố này giúp người bệnh đến khám tại trạm y tế được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và được điều trị đúng phác đồ.
Người dân tại xã đảo tỏ ra rất vui mừng sau khi trải nghiệm quy trình chẩn đoán có ứng dụng AI này.
Bên cạnh việc chính thức đưa máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp AI, Sở Y tế còn phối hợp Bệnh viện Răng Hàm Mặt Tp.HCM tổ chức đoàn y, bác sĩ đến xã đảo để khám, chữa răng miễn phí cho bà con trên xã đảo.
Một nhóm nhân viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM tổ chức điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay tại Trạm y tế xã giúp bao phủ tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân trên xã đảo. Đồng thời, một tổ tiêm vắc-xin lưu động đến tận nhà để tiêm cho các cô, chú cao tuổi gặp khó khăn trong di chuyển.
Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh hiện đại sẽ giúp các bác sĩ ở trạm y tế có thể dễ dàng kết nối với bệnh viện tuyến trên, giúp người dân hưởng lợi trong khám chữa bệnh...
Một lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tất cả hoạt động trên là hình ảnh khởi đầu cho một lộ trình hiện thực hoá một mô hình mẫu mực về chuyển đổi hoạt động của trạm y tế theo hướng tiếp cận cộng đồng, thay vì chỉ tiếp cận cá thể, chuyển đổi trọng tâm hoạt động của trạm y tế từ chẩn đoán, điều trị các ca bệnh riêng lẻ (như một phòng khám) sang tầm soát, phát hiện bệnh sớm và phòng bệnh cho cộng đồng dân cư.
Nguyễn Lành