Anh hy sinh trong một trận chiến khốc liệt, giành giật từng điểm chốt. Nhận được tin dữ, ca sĩ Kim Thanh tưởng không thể sống nổi. Sau khi ra quân, chị trở về quê nhà, xin nhận bố mẹ của LS Trần Trung Thực làm cha mẹ nuôi, ông bà thương quý chị như con gái trong nhà.
Gia đình LS Trần Trung Thực đã đưa cho ca sĩ Kim Thanh xem cuốn nhật ký và lá thư viết cho mẹ nhưng chưa kịp gửi của anh. Đây là những di vật thiêng liêng mà đồng đội đã tìm thấy trong tư trang sau khi anh hy sinh. Chúng tôi xin phép được giới thiệu lá thư cuối cùng gửi mẹ của LS Trần Trung Thực:
Vị Xuyên – Hà Tuyên
Mẹ kính yêu của con!
Qua đài và báo mẹ cũng nghe nhiều tới vùng biên giới ác liệt này, con chẳng muốn ghi thư cho mẹ vì con không muốn để trái tim già nua của mẹ thêm khổ và thắt lại khi phải biết tin về những gì trong cuộc sống và công tác của con, con quyết định ghi lại những suy nghĩ của con - mà vì điều kiện con không thể ghi về cho mẹ, vào trang sổ công tác này, nếu sau này... con tin mẹ chắc sẽ hiểu con và đó cũng là kỷ niệm của con.
Mẹ của con!
Mẹ là đại diện của linh hồn và tình cảm của gia đình thay lời mẹ cho bố, anh và các em.
Mẹ ơi! Từ khi tới Hoàng Liên Sơn con sang đây còn là mùa hè, tới nay đã được 7 tháng và sang mùa đông rồi, mùa đông ở đây lạnh lắm, vì độ cao lớn, núi rừng nhiều, suối nữa, sương muối rất nhiều và cứ đà này có khi có băng tuyết nữa, khí hậu khắc nghiệt như thế, cuộc sống và công tác của chúng con cũng vô cùng gian khổ.
Nhà âm và trong hầm vì pháo cối địch, mùa rét thế này chỉ có manh áo phong phanh và chiếc chăn đơn thôi, khí hậu khắc nghiệt đã làm rút đi một phần sức khỏe con người, đã thế về điều kiện sinh hoạt cũng khó khăn, về nước dùng và tắm giặt rất phức tạp, về ăn uống cũng kham khổ… Ở đây chúng con làm việc bất kể ngày đêm vì căn cứ vào hoạt động pháo, cối và súng các loại của địch… đêm về ngủ nghỉ cũng ít, còn phải canh gác nữa vì địch hoạt động cũng rất căng, sắp tới chúng con còn đi chiến đấu nữa đấy.
Mẹ yêu quý của con!
Mùa xuân về lại có ngày tết cổ truyền dân tộc là ngày vui nhất của mọi gia đình vì ngày ấy là ngày sum họp, đoàn tụ, với con bốn xuân rồi con không được về, xuân này là thứ năm rồi mẹ ạ, cuộc chiến còn dài còn gian khổ ác liệt và hy sinh... con cũng quyết tâm bước tiếp cho trọn tới đích...
Kính chúc mẹ khỏe, trẻ mãi, luôn an tâm về con.
Con trai của mẹ.
Tr. Tr Thực
Trong lá thư trên, LS Trần Trung Thực đã nói với mẹ về cuốn nhật ký mình đang viết dở và anh đã có một linh cảm không lành về sự ra đi của mình. Và dưới đây là những trích đoạn trong cuốn nhật ký của anh: “Tháng 5.1984 trước tình hình bọn bành trướng đưa quân đánh chiếm các điểm cao của huyện Yên Minh, Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên, chúng tôi lại được điều động sang làm nhiệm vụ, đơn vị hành quân bằng xe cơ giới đường trường. Chúng tôi đã thực sự bước vào cuộc chiến, bao gian khổ, hy sinh, hành quân mang vác nặng, đào công sự, vận tải trong tầm đạn pháo, nhiều bạn bè và đồng đội đã không trở về...
Chết! đó là từ chỉ chung cho những ai đã tắt thở, vĩnh biệt cuộc đời, còn chết ở đâu, như thế nào đó là vấn đề những ai là mẹ, là cha, là anh, là em, là cô, dì chú, bác của những người thân là lính khó biết. Máu thấm đẫm từng mảnh đất biên cương Tổ quốc, xương tan, thịt nát mãi mãi tôi không quên... Hình như ít có giây phút thảnh thơi để mà nhớ, mà vui, lúc nào cũng căng thẳng vì pháo, đạn cối của địch”.
Trong đoạn nhật ký sau cùng, LS Trần Trung Thực viết trước lúc hy sinh 3 tuần, anh viết khá sâu về biên giới Vị Xuyên:
“Ở đây đồi núi trùng điệp nhấp nhô, có rừng xanh bao phủ, có dòng suối Thanh Thủy uốn khúc và dòng sông Lô đỏ ngầu phù sa chảy về xuôi. Đây là chưa kể tới những thác Bạc réo rắt như bản nhạc muôn thuở và sớm chiều mây trắng vờn quấn như đùa bỡn với cỏ, cây hoa lá cùng muôn cảnh vật.
Bản ở đây nghe tên cũng đẹp, Thanh Đức, Thanh Hương, Nậm Ngoặt, Nà Cáy, Nà Toong, Nậm Tà... Quây quần bên những sườn núi, được con người từ bao đời tạo hóa nên những ruộng bậc thang trải dài thật đẹp, tựa như một kiến trúc hài hòa thêm cảnh đẹp biên giới của đất nước.
Trước kia khi quân bành trướng chưa đánh sang, ở đây chắc là giầu đẹp lắm, còn bây giờ? vẫn đất ấy, suối ấy sao cảnh vật nom thật xơ xác, tan hoang và tiêu điều, chúng tôi không gặp một người dân nào, họ đã sơ tán hết để lại những bản, làng cháy thui vì đạn pháo, có nhiều cái đã đổ sập mặc sức cho cỏ dại, dây leo lên, thóc lúa ngổn ngang, quần áo, đồ dùng bừa bãi, nhiều cối nước không chủ như vô tình vẫn giã vào những chiếc cối bỏ không. Trâu, dê, chó, lợn, gà, vịt... còn rất nhiều nhưng vì vô chủ chúng đã trở thành hoang dã, chợt có bắt gặp chúng thì chúng cũng lủi nhanh, thoắt biến như có phép lạ, nhiều ruộng lúa chưa gặt chín gục, mặc sức cho chim, chuột hoành hành.
Cảnh đẹp ngày xưa đâu còn nữa, nhường vào đó là của những ngày này, tất cả mọi cảnh vật đều chìm trong mưa đạn pháo, cối, hỏa tiễn, súng bắn thẳng của địch. Không gian ngày đêm không ngừng tiếng rú rít của đạn pháo các loại, mặt đất ít nơi còn nguyên vẹn vì những đạn pháo cối, các sườn núi và các đỉnh cao đã đỏ loét vì hầm hào. Ai là người có lương tri và yêu chuộng hòa bình đến đây hẳn sẽ căm phẫn và xót xa biết chừng nào. Dải đất biên cương thanh bình, yên ả nay đã trở thành trận tuyến ác liệt.
Chúng tôi đến đây vào những ngày cuối tháng 6/1984 khi những điểm cao: 1800A; 1800B; 1648; 1545; 1509; 1250; 1030; 772; 685; 400; 300; 233 đã bị quân bành trướng chiếm đóng, Ngày ngày nhìn thấy quân địch hoạt động ngang nhiên mà lòng căm thù sâu sắc, chúng đánh mìn, mở đường và từng đoàn xe tiếp tế cho các trận địa pháo và quân lính của chúng để gây tội ác cho chúng ta.
Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu ''Hễ còn một tên xâm lược trên đất ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi" và "Của họ vàng một khối ta không cần, của ta đá một phân ta cũng lấy"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Toàn thể chúng tôi đều nhận thức rõ âm mưu của kẻ thù, cùng vai trò trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân.
Dù gian khổ ác liệt cùng nhiều thiếu thốn, dù phải hy sinh đến tính mạng chúng tôi cũng quyết tâm giữ đất và đánh địch giành đất với mong muốn một ngày không xa, đất ta lại là của ta, non sông vẹn toàn và nơi đây sẽ mãi mãi thanh bình không còn tiếng súng giặc, đồng bào các dân tộc lại trở về xây dựng bản, làng quê hương giàu đẹp như xưa và cũng là làm giàu đẹp cho bộ mặt đất nước. Nà Toong, 22/12/1984”...
Cuốn nhật ký của LS Trần Trung Thực đã khép lại nhưng chúng ta vẫn còn nghe thấy âm vang những lời tâm huyết của một tâm hồn cao quý trước lúc hiến dâng đời mình cho Tổ quốc ở biên giới Vị Xuyên.
(Còn tiếp)
Xem thêm >>>
Bài 1: Trận chiến Vị Xuyên trong ký ức người lính: Đau thương và oanh liệt
Bài 2: Trận chiến Vị Xuyên: Quyết chiến ở 'Lò vôi thế kỷ'
Bài 3: Trận chiến Vị Xuyên trong ký ức người lính: Khúc tráng ca bi hùng
Bút ký của Nguyễn Việt Chiến