Bài 1: Trận chiến Vị Xuyên trong ký ức người lính: Đau thương và oanh liệt
Giai đoạn ba: Bắt đầu từ đầu năm 1984, Trung Quốc chủ trương lấn sâu sang đất biên giới của Việt Nam. Ở Hà Tuyên, họ lấn chiếm một số vùng Hồ Bảng, A Tẻo của huyện Hoàng Su Phì; ở huyện Vị Xuyên thì lấn chiếm Lão Sơn (điểm cao 1509) lấy đến bình độ 1.100m và phía bắc suối Thanh Thủy. Tại huyện Yên Minh, họ lấn chiếm điểm cao 958, lấn chiếm một số vùng của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Phía chúng ta đã biết chủ trương của họ và vạch kế hoạch để bảo vệ các vùng đất biên giới.
Một cựu binh chiến trường Vị Xuyên cho chúng tôi biết, năm 1984 quân xâm lược mở 2 chiến dịch cực kỳ lớn và một số chiến dịch khác. Chiến dịch thứ nhất, họ chủ trương đánh cho Việt Nam biết thế nào là uy lực của nước lớn giàu mạnh, nhiều quân, nhiều vũ khí. Họ huy động lực lượng quân sự của 8 trên 10 đại quân khu của toàn Trung Quốc, luân phiên đánh lấn sang đất Hà Tuyên. Họ đánh theo kiểu biển người và hỏa lực bắn pháo theo lý thuyết ô vuông.
Ví dụ như khi bắn pháo vào ngọn núi này, tính diện tích núi là bao nhiêu mét vuông, bao nhiêu mét khối cần một lượng nổ là bao nhiêu quả đạn pháo theo lý thuyết thì pháo cứ việc bắn cho đến hết khối lượng nổ đã tính toán cho mỗi mét vuông. Do vậy, có những quả núi đá giáp vùng biên giới bị đạn pháo Trung Quốc bắn sang, bóc sạch banh từng mảng rừng, còn trơ lại núi đá vôi nên bộ đội ta đặt tên là “Lò vôi thế kỷ” để nhấn mạnh sự tàn khốc của cuộc chiến. Trong các năm 1984-1987, khu vực “Lò vôi thế kỷ” liên tục bị địch pháo kích vô cùng ác liệt.
Ký ức bi tráng về trận đánh giữ điểm cao
Trong chuyến đi thực tế Vị Xuyên của đoàn nhà văn, chúng tôi có dịp tiếp xúc với Đại tá Ngô Văn Đô (SN 1958, người dân tộc Nùng ở Cao Bằng). Ông Đô cho biết, trong thời gian ác liệt nhất, đã tham gia chiến đấu phòng ngự ở mặt trận Vị Xuyên do Thiếu tướng Hoàng Đan trực tiếp chỉ đạo. Lúc đó ông Đô là chính trị viên Đại đội 5 (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313) nhận nhiệm vụ đánh vào sườn bên trong cầu Thiên Bảo để các đại đội khác tấn công chính diện vào cao điểm 233 của địch. Trận đánh có sự tham gia của hỏa lực pháo binh của quân khu và sư đoàn.
“Khoảng 19h, sau khi pháo binh ta bắn xuống, ta bắt đầu tiến công. Tôi chỉ huy một mũi tấn công dùng 12ly7 và DKZ bắn vào các cửa hầm của địch trên điểm cao. Giặc túa ra rất đông. Mũi tiến công của Đại đội 5 do trung đội của tôi dẫn đầu bị trúng pháo và mìn của giặc, 11 chiến sĩ hy sinh, 5 chiến sĩ bị thương. Tôi chỉ huy anh em cố gắng lấy thi thể của liệt sĩ đưa về. Phải khẩn trương nhưng anh em cũng rất cẩn thận, để cho công binh dò mìn trước, vì đã xảy ra chuyện địch gài mìn ở bên dưới thi thể liệt sĩ, khi ta đến lấy đã bị thương vong. Mũi tiến công của Đại đội 6 và Đại đội 7 vào hướng chính cũng bị lộ, bị pháo địch dập xuống khốc liệt, anh em hy sinh gần hết.
Trước tình hình đó, lệnh trên cho rút về phòng ngự ở đồi Cô Ích. Rất may, trên đồi này có một cửa hang rất nhỏ, chiến sĩ ngồi thấy gió mát lùa sau lưng, lật tảng đá lên phát hiện khe hang sâu phía dưới có thể thông qua cao điểm Đồi Đài bên cạnh. Toàn bộ đơn vị vào chiếc hang đó để tránh pháo địch. Trong trận chiến phòng ngự trên đồi Cô Ích, trang bị vũ khí của Trung Quốc hơn hẳn mình. Tiểu đội trưởng của nó đã có bộ đàm rồi, còn phía ta, Trung đội trưởng cũng không có bộ đàm. Liên lạc của đại đội phải rải dây thông tin, máy 2W của ta bị địch làm nhiễu không nghe được. Địch tấn công hết lớp này đến lớp khác, bộc phá dài hàng mét nhồi đầy kíp nổ. Cũng may, quân ta chốt trong mấy hang đá, tránh được hỏa lực pháo binh của địch và xông ra đánh phản kích”, Đại tá Đô kể lại.
Tiểu đoàn 8 của ông đã chốt vững trên đồi Cô Ích, đánh lui nhiều đợt phản công của giặc. Pháo địch bắn sang dữ dội, moi từng mảnh hầm lên. Đại tá Đô kể: “Lúc đó tướng Hoàng Đan lên yêu cầu đánh chiếm lại các điểm cao đã mất, lúc ấy các dãy núi dọc đường biên giới bị pháo địch bắn sang dữ dội đến mức sáu đến bảy cây số không còn ngọn cây, ngọn cỏ nào, đá núi thành vôi trắng xóa hết. Bộ đội khi ấy nhận lệnh đánh lên một điểm cao, anh em đều biết sẽ hy sinh rất lớn và rất tâm tư nhưng khi súng đã nổ và xung trận rồi thì mọi thứ đều quên hết”.
Trong cuộc nói chuyện với các nhà văn, Đại tá Nguyễn Kim Chung kết luận: “Từ năm 1984-1989, các chiến dịch lớn của Trung Quốc định đánh sâu vào đất Việt Nam trên địa bàn Hà Giang đã bị phá sản. Đó là thắng lợi lớn của quân dân ta. Tất nhiên hy sinh, tổn thất trong chiến tranh cũng lớn nhưng chúng ta đã giữ được biên giới để sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp ước phân định biên giới như ngày nay”.
Khi phóng viên Cu Ba sang thăm Hà Giang có hỏi Đại tá Nguyễn Kim Chung: “Trong chiến tranh biên giới ở vùng này có trận đánh ở điểm cao nào được gọi là “cối xay thịt” như các cuộc chiến tranh khác không?”. Đại tá Chung trả lời: “Bộ đội chúng tôi không dùng từ “cối xay thịt” nhưng cũng có những trận đánh khốc liệt ở một số điểm cao kiểu ấy được anh em gọi là “Lò vôi thế kỷ” ở dãy núi giáp ngã ba Thanh Thủy”. |
(Còn tiếp)
Bút ký của Nguyễn Việt Chiến