Một cựu binh của Sư đoàn 313 cho biết, dưới cánh rừng này, trên con đường độc đạo dẫn lên một điểm cao ở Vị Xuyên đêm ấy, cả một trung đội của ta vận chuyển đồ ăn, nước uống và đạn dược cho anh em trên chốt, tất cả đã hy sinh dưới làn mưa pháo của quân thù. Và, trong cái nắng chói chang miền biên ải, tôi chợt thấy màu đất đồi nơi đây cứ đỏ rực lên như thể màu máu các chiến sĩ đổ xuống cho cuộc sống hôm nay.
Chiếc xe con cứ ngoặt ngoẹo từng khúc quanh một trên con dốc dựng đứng gần hai cây số rồi cũng lên được đến điểm cao 468, nơi ngày xưa đặt sở Chỉ huy của Sư đoàn 356 trong một cái hầm lớn. Trên điểm cao này, các cựu binh Sư đoàn 356 vừa khánh thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên.
Một cựu binh mặt trận Vị Xuyên, Thượng uý Nguyễn Xuân Đệ chỉ xuống thung lũng Nậm Ngặt và các đỉnh núi trước mặt, nói với các nhà văn: "Trên các dãy núi này và thung lũng dưới kia còn hàng trăm liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, vùng này còn nhiều bom mìn chưa rà phá được, mìn của địch, mìn của ta cũng có, không có sơ đồ nên muốn rà phá cũng khó khăn lắm!".
Tôi lại xúc động nhớ tới hình ảnh nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu binh của Sư đoàn 356, đã khóc ròng khi cầm đàn, hát bài “Đồng đội ơi về đây” do chính anh sáng tác. Trước cây hương trên điểm cao 468 này và tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, anh đã nhiều lần hát gọi các đồng đội đã hy sinh năm xưa hãy thức dậy trở về. Nhìn từ khu vực Nhà tưởng niệm sang các điểm cao 772, 685 trên dãy núi được mệnh danh là "Lò vôi thế kỷ" ở Vị Xuyên, mới thấy đất nước mình thương đau và bi tráng quá. Không ai có thể tưởng tượng nổi ở mấy điểm cao này, cách đây 32 năm, chỉ trong một ngày đã có tới 800 chiến sĩ hy sinh và hơn 800 người bị thương trong trận phản kích kinh hoàng đi vào lịch sử chiến tranh.
Cuộc chiến ngàn ngày khốc liệt
Chúng tôi đã nghẹn ngào khi nghe nhà văn Ngọc Bái kể lại chuyện: Trong trận phản kích nhằm chiếm lại những điểm cao bị quân xâm lược chiếm giữ ở Vị Xuyên, ngày hôm ấy thương binh, liệt sĩ ở 2 Sư đoàn 356 và 316 của chúng ta được chuyển về nằm dọc đường quốc lộ và khắp thị xã Hà Giang. Chúng ta đã phải hạ một cánh rừng gỗ Mộc Miên dọc sông Lô để làm áo quan khâm liệm các liệt sĩ.
Trong ngày giỗ trận Vị Xuyên năm 2016, khi lên thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 486, tôi đã không cầm được nước mắt khi các dòng thơ cứ tuôn trào trong bài thơ “Năm ấy Vị Xuyên”: “Năm ấy dọc sông Lô/ Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống/ Xẻ làm áo quan/ Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang/ Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi/ Gió biên thùy tiễn các anh vào đất/ Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở/ Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan/ Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì...”.
Sau khi lên thắp hương tưởng niệm ở đỉnh cao 468, chiều 12/7 đoàn nhà văn chúng tôi có buổi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang để nghe các sĩ quan ở đây cung cấp tư liệu về trận chiến Vị Xuyên. Thượng tá Nguyễn Đình Tác, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học quân sự, cho biết: Cuộc chiến bảo vệ biên giới ở tỉnh Hà Giang (trước đây là tỉnh Hà Tuyên) thực tế đã diễn ra trong 10 năm liền (từ 1979-1989).
Năm 1979, trận chiến đầu tiên diễn ra ở các điểm cao vùng Lao Chải, Xín Chải và Mèo Vạc. Đến năm 1984 trận chiến ác liệt diễn ra tại Hà Giang, trọng điểm là ở huyện Vị Xuyên. Từ ngày 2/4/1984 đến 27/4/1984, quân xâm lược Trung Quốc liên tục bắn pháo sang đất Việt Nam. Từ ngày 28 đến 29/4/1984, chúng bắt đầu tiến công chính diện mặt trận Vị Xuyên tại các điểm cao 1509, 772, 685, 400 và điểm cao 233, 266 tại cửa khẩu Thanh Thủy sau đó chiếm các điểm cao này. Bộ đội ta từ những phút đầu tiên phát hiện địch tấn công đã nổ súng đánh chặn quyết liệt. Đến 3h chiều địch mới chiếm được điểm cao 1509, bộ đội ta hy sinh 60 người và rút xuống phòng ngự ở bình độ 1.200 - 1.100m.
Thời gian sau, chúng ta điều 3 Sư đoàn chủ lực 356, 316, 312 vào tham chiến. Vào ngày 12/7/1984, các đơn vị chủ lực của bộ đội ta phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại các điểm cao nói trên, nhưng do địa hình phức tạp, gần 1.000 chiến sĩ, trong đó có 595 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh. Sau đó, rút kinh nghiệm, ta lại thay đổi cách đánh, thay đổi chiến thuật, đánh theo kiểu “lấn dũi”, lên tới đâu mang vật liệu xây dựng hầm hào phòng ngự, chốt giữ ngay tại đấy. Từ tháng 10/1984 đến tháng 3/1985, bộ đội ta đã giành lại được nhiều trận địa chốt quan trọng tạo thế xen kẽ giữa ta và địch.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Tác, trận chiến ngàn ngày ở Vị Xuyên vô cùng khốc liệt. Bộ đội ta ban ngày phải quyết liệt giữ chốt dưới mưa pháo quân thù, ban đêm vận chuyển nước uống, gạo sấy, cơm nắm, đạn dược lên các điểm cao. Những ngày gian khổ ấy, thức ăn của chiến sĩ rất đạm bạc, thiếu thốn. Những người mẹ Hà Giang cưu mang bộ đội trong thời gian gian khổ ấy đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình quân dân.
Các trận đánh ác liệt nhất ở Vị Xuyên diễn ra trong các năm 1984 và 1985, nhiều đơn vị đã được phong anh hùng như Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 và Trung đoàn 567 của Sư đoàn 322 và cá nhân anh hùng như Lê Trần Mã (quê Nghệ An) của Trung đoàn 153 Sư đoàn 356; anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên (quê Đan Phượng, Hà Nội) Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh chiếm cao điểm 233 (đã từng đánh trận Quảng Trị); anh hùng Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ) với câu nói nổi tiếng “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” 5 lần bị thương không rời trận địa.
Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới, có nhiều địa danh nổi tiếng của Vị Xuyên, Hà Giang đã đi vào lịch sử như: Đồi Đài, Cô Ích, Hang Lò, Hang Dơi, 685, 772... Đặc biệt là Trung đoàn 567 Sư đoàn 322 năm 1985 đã đánh nhiều trận, bắt được tù binh và thu được vũ khí.
Số liệu do Thượng tá Nguyễn Đình Tác cung cấp: Trong chiến tranh biên giới ở Hà Giang có 2.760 liệt sĩ đưa vào 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 1.882 liệt sĩ xác định được danh tính, còn 792 liệt sĩ chưa xác định được tên. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Giang còn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, trong tổng số 4.760 liệt sĩ. Hà Giang còn 85.000 héc-ta đất ô nhiễm bom, mìn, trong đó có 25.000 héc-ta bom mìn dày đặc. |
(Còn tiếp)
Xem thêm >>>
Bài 2: Trận chiến Vị Xuyên: Quyết chiến ở 'Lò vôi thế kỷ'
Bài 3: Trận chiến Vị Xuyên trong ký ức người lính: Khúc tráng ca bi hùng
Bút ký của Nguyễn Việt Chiến