Trước khi bố mẹ ly hôn, Hùng cũng giống như rất nhiều trẻ em Việt Nam khác - yếu ớt, bị động và phụ thuộc vào bố mẹ. Mọi người có thể nghĩ giờ Hùng đã rất tự lập, nhưng khi còn là đứa trẻ 9 tuổi, mẹ Hùng vẫn thường bón cho ăn, tắm gội cho, thậm chí cả lau mông cho sau khi đi vệ sinh xong (giờ nghĩ lại thấy thật xấu hổ). Bố mẹ đi đâu Hùng đi theo đó, gặp vấn đề gì cũng có bố mẹ đứng ra lo cho.
So với những đứa bạn người Mỹ của Hùng thì mọi chuyện khác hẳn, Hùng đã từng rất ganh tỵ. Mấy đứa đó được tự do từ rất sớm. Nhiều đứa tự đi bộ hoặc đạp xe tới trường trong khi bố mẹ Hùng thì nhất quyết dắt tay Hùng đi. Hết giờ học, trong khi các bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa thì Hùng bị nhốt trong phòng để học và học, học tới mức Hùng muốn đốt sách luôn. Mỗi ngày Hùng chỉ được xem ti vi 30 phút và phải uống sữa liên tục. Bố mẹ không cho Hùng ra ngoài chơi thể thao vì họ lo Hùng sẽ bị đau.
Trần Hùng John - Chàng trai người Mỹ gốc Việt đi bộ xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng từng sống trong sự chiều chuộng, nâng niu hết mực của bố mẹ.
Với các bố mẹ người Việt, học và đạt điểm cao là cách duy nhất để thành công. Khi nghe bố mẹ tự hào khoe với bạn bè về thành tích của Hùng, Hùng thường tự hỏi không biết ai muốn điều này hơn, Hùng hay bố mẹ Hùng? Bố mẹ đã muốn Hùng trở thành luật sư, bác sĩ hoặc doanh nhân, một sự nghiệp “an toàn” và phù hợp để có thể cho Hùng một tương lai vững chắc. Những ước mơ trở thành phi hành gia hay vận động viên bóng rổ của Hùng sớm bị gạt đi. Bố mẹ đã từng kiểm soát từng chút trong cuộc sống của Hùng. Đã có lúc, Hùng ngốc nghếch ước gì mình sinh ra trong một gia đình người Mỹ da trắng để được sống tự do.
Tuy nhiên, một trong những điều khá thú vị khi, đó là trong gia đình Việt Nam, con trai như Hùng không bao giờ phải làm việc vặt ở nhà. Khi nhỏ Hùng không phải dọn phòng, không cần học nấu ăn, không cần làm bất cứ việc nhà nào (mặc dù sau này mới biết các bạn gái thường thích con trai biết làm việc nhà hơn). Việc duy nhất Hùng phải làm là học và học thật chăm. Và cãi lại bố mẹ là điều không thể, vì cãi lời có nghĩa là sẽ bị ăn đòn vào mông. (Trẻ con da trắng thường không bị bố mẹ đánh, các bạn tin không?).
Bố mẹ của Hùng, cũng như bố mẹ của nhiều bạn làm như vậy vì họ yêu chúng ta rất nhiều. Nhưng họ lại không nhận ra rằng điều đó có hại hơn là có lợi cho chúng ta. Họ làm mọi việc thay chúng ta, vô tình khiến chúng ta trở thành những rô-bốt được lập trình sẵn, chỉ biết học và đạt điểm cao.
Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi bố mẹ Hùng ly dị. Khi đó Hùng 10 tuổi và đến sống với bà ngoại. Mẹ của Hùng phải chuyến tới một nơi xa hơn để làm việc trong khi bố bận làm bạn với rượu và thuốc mà quên mất hai con. Bà ngoại đã cố hết sức để chăm sóc Hùng nhưng ngoài Hùng và em trai, bà còn phải chăm những anh em họ khác của Hùng (Hùng có 30 anh chị em họ). Không có bố mẹ ở cạnh, Hùng đã nổi loạn. Hùng kết bạn với những người ở khu phố nơi lúc nào cũng có thuốc, bạo lực và tội phạm. Đủ khôn ngoan để không gây ra những phiền phức lớn, nhưng Hùng đã từng trốn học, đi chơi với những người bạn không tốt, tham gia đánh lộn,...
Chàng trai từng một thời nổi loạn này đã có cuốn sách của riêng mình, được nhiều người biết đến và câu nói của anh còn được sử dụng làm chất liệu cho đề thi đại học năm nay.
Hùng đã bước vào con đường sai cho tới khi Hùng chứng kiến một người bạn bị bắn trúng và một người cậu bị bắt đi tù. Chỉ tới lúc đó, Hùng mới nhận ra rằng Hùng phải tự chăm sóc cho bản thân. Cuộc sống thật quá ngắn ngủi và chúng ta không thể biết ngày mai chúng ta sẽ còn gia đình và bạn bè không, hay chỉ còn một mình. Và nếu chúng ta lớn lên trong khi bố mẹ làm mọi thứ thay chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể học cách tự tồn tại khi không có họ ở cạnh?
“Giỏi sách vở” và “khôn đường phố” là hai điều khác hẳn nhau. Phần lớn trẻ con Việt Nam rất “giỏi sách vở”, là những học sinh giỏi và chăm học nhưng lại dễ trở nên hoang mang và khó tồn tại khi được đưa ra thế giới thật bên ngoài cuốn sách. “Khôn đường phố” là những người có thể thích nghi và tồn tại trong hầu hết mọi tình huống, môi trường. Thả họ ở bất cứ đâu, họ sẽ tìm được cách tồn tại.
Những con người thực sự thành đạt thường có cả hai điều này.
Vậy thì làm sao để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, tự lập hơn và có thêm nhiều “trí khôn đường phố”?
Hùng đã tự trải nghiệm những vất vả của người nông dân Việt bằng việc làm những công việc mà họ thường làm hàng ngày
Hùng không khuyên các bạn từ bỏ mọi thứ và đi xuyên Việt 80 ngày không mang theo tiền, chỉ có một người khùng mới làm điều đó. Nhưng có rất nhiều điều các bạn có thể làm ngay bây giờ, đó là:
Chủ động: Hãy làm những việc cần làm và đừng chờ bố mẹ nhắc nhở, như là làm bài tập về nhà chẳng hạn.
Tự chăm sóc bản thân: Nếu tự làm được điều gì, hãy tự làm điều đó. Thậm chí nếu mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu để bố mẹ xin việc cho bạn, thì cũng đừng đòi hỏi họ làm điều đó, trừ khi bạn thực sự không thể làm gì khác ngoài việc nhờ bố mẹ. Nếu bố mẹ bận, hãy tự nấu ăn.
Hãy đúng giờ: Nếu biết phải thức dậy sớm để đi làm hay đi học, hãy đặt đồng hồ báo thức. Đừng đợi tới khi bố mẹ tới đập cửa để đánh thức bạn dậy.
Làm việc nhà: Việc nhà rất tẻ nhạt nhưng nó sẽ cho bố mẹ thấy bạn là người có trách nhiệm. Đặc biết là với con trai. Tin Hùng đi, các bạn sẽ được nhiều điểm trong mắt các bạn gái khi các bạn biết nấu ăn và dọn nhà.
Quan trọng nhất là phải nói chuyện: Nói chuyện với bố mẹ điều các bạn muốn. Nói chuyện với họ một cách bình tĩnh và người lớn. Nói với họ về những giấc mơ và hoài bão của bạn, chứ không phải những việc như bạn muốn ra ngoài đi chơi cùng bạn bè và mua sắm. Cố gắng giải thích và nhớ rằng lúc đầu bố mẹ có thể sẽ không thích điều họ nghe nhưng đừng quên họ giống như những chú khủng long đến từ một thời đã rất xa.
Phải nhớ rằng, "sự nghiệp" này sẽ mất nhiều công sức và thời gian. Có thể sẽ mất hàng tháng hay hàng năm, nhưng càng bắt đầu sớm thì bố mẹ sẽ trở nên dễ thông cảm và hiểu bạn hơn trong tương lai.
Mẹ của Hùng vẫn thường gọi điện và cằn nhằn mặc dù Hùng đã 24 tuổi rồi. Hãy bình tĩnh, đó là quyền của bố mẹ. Và điều đó chắc chắn cũng sẽ có ích cho bạn trên con đường trở nên mạnh mẽ, tự lập và thành công hơn trong tương lai.
Về Trần Hùng John: Tên: John Hung Tran, Trần Hùng John Sinh năm: 1989 Người Mỹ, gốc Việt Tốt nghiệp Đại học Berkeley, chuyên ngành Tâm lý học Hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam |
Theo SuSu/Baodatviet.vn