Bà Nhung ngạc nhiên thì người bán rượu cho biết: “Ở đây tui đong rượu bằng chai nước biển nên bảo đảm không bán thiếu bao giờ. Bán bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, chứ không ăn gian”.
Từ phản ánh của bà Nhung, phóng viên đến lò nấu rượu trên để tìm hiểu thêm. Bà Bảy, người nấu rượu cho biết, can nhựa 5 lít mà đong chỉ 4 lít rưỡi đã “đầy nhóc” là… chuyện bình thường. Thậm chí có những can 5 lít nhưng chỉ chứa được 4 lít và khoảng hơn 1 xị (khoảng 300ml). Còn những bình nhựa cỡ 1 lít thì chỉ còn khoảng 900ml, 2 lít thì còn khoảng 1.800ml. “Can 10 lít mà chứa được 9 lít là tốt lắm rồi”, bà Bảy nói.
Phóng viên cũng đã đến nhiều tiệm tạp hoá, các chợ ở Thị xã, Hoà Thành không khỏi sửng sốt khi phát hiện “bình non” được bày bán tràn lan một cách công khai. Phóng viên đi mua can nhựa 5 lít và 2 lít ở chợ Thị xã, dặn chủ tiệm: “Lấy loại bình đủ lít nghen”. Lập tức, người này “lườm” phóng viên: “Kiếm đâu ra bình đủ lít, có bình non, mua được thì mua”. Một chủ tiệm tạp hoá khác cũng ở chợ Thị xã cho biết: “Bình non dễ bán hơn. Thường người mua là những người bán lẻ xăng dầu, dầu ăn, rượu, nước mắm, nước rửa chén…”.
Một người quen ở Thị xã đã nhiều năm bán “xăng lẻ” cho biết, mỗi lít xăng lời khoảng 3.000 đồng hoặc hơn so với giá bán tại các cửa hàng. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ bán vài lít xăng thì “chả kiếm được bao nhiêu”, chưa tính hao hụt do xăng bốc hơi. Do đó, việc nhiều người bán xăng lẻ sử dụng bình non để “móc túi” người tiêu dùng là chuyện rất phổ biến và diễn ra đã lâu. “Tui đố chú kiếm mua được bình đủ lít đó”, bà này nói.
Can 5 lít nhưng phóng viên mua 5 lít rượu phải chứa thêm trong chai nước ngọt khoảng 750ml
Quả thật, lúc đầu phóng viên không mấy tin vào lời của người bán xăng lẻ, nhưng sau khi tìm hiểu thực tế thì xác định lời bà không ngoa. Theo người này, một số cây xăng cũng đã “ăn theo” bình non, đong thiếu cho người mua xăng dầu chứa trong can về sử dụng. Những người bán lẻ xăng dầu mới “vào nghề” nếu không phát hiện bình non và không quan sát kỹ số đo trên cột bơm cũng bị thiệt thòi. Hiện mỗi bình, can nhựa các cỡ có giá từ vài ngàn đồng đến khoảng 30.000 đồng (can nhựa 30 lít). Người bán can, bình nhựa lời chỉ một vài ngàn đồng/sản phẩm. Thế nhưng, rất nhiều người tiêu dùng đã bị “móc túi” một cách công khai từ “dây chuyền” gian lận thương mại.
Đem vấn đề trên trao đổi với ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh, chúng tôi được ông Phong cho biết, để có cơ sở xử lý, phải có kết luận từ Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoặc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở KH&CN).
“Trước giờ Chi cục chưa phát hiện tình trạng này nên chưa xử lý trường hợp nào. Đây là vấn đề cần được quan tâm và thuộc trách nhiệm của liên ngành. Do đó, sắp tới, Chi cục sẽ đưa vấn đề này ra bàn tại cuộc họp liên ngành để có biện pháp xử lý trong thời điểm cận Tết Nguyên đán”, ông Phong nói.
Theo Tây Ninh Online