Mua bán sử dụng pháo là vi phạm pháp luật
Cứ mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng lại phát hiện hàng loạt vụ việc, các đối tượng vận chuyển mua bán pháo trái quy định của pháp luật. Mỗi năm các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển pháo nổ, pháo hoa nổ và hiện tượng đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trong dịp tết tại các địa phương nhiều phức tạp.
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng pháo; Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm về pháo. Căn cứ các quy định trên thì ngoài pháo hoa được sử dụng trong một số trường hợp thì những loại pháo nổ, pháo hoa nổ, thuốc pháo khác người dân không được sử dụng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Trương Hồng Điền - Văn phòng Luật sư Xuân Phú, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi dịp cuối năm, việc vận chuyển mua bán trái phép pháo lậu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Pháp luật hiện hành đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, mọi hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo sẽ bị xử lý theo quy định. Về chế tài xử lý được quy định cụ thể như sau:
Hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo, là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng pháo. Trước tiên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý hình sự.
Căn cứ theo điểm e khoản 4, điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Chính phủ quy định, hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.00 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, do thực hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo.
Mức phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Riêng tổ chức khi có cùng hành vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Chính phủ.
Những hình thức xử lý
Cũng theo Luật sư Điền, không chỉ bị phạt hành chính, những người mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép pháo lậu sẽ bị truy tố hình sự theo từng hành vi quy định của pháp luật.
Cụ thể, xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định:
Trường hợp, người có hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép pháo từ 06 kg đến dưới 40 kg, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm, bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015.
Hoặc có thể bị truy cứu về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi điểm a khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Ngoài ra, với việc mua bán tàng trữ số lượng pháo nổ 120 kilôgam trở lên sẽ bị xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng (sử dụng pháo), theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Gây rối trật tự công cộng quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. (Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 07 năm tù).
“Hệ quả là những nguy cơ hoặc tai nạn về pháo nổ đã xảy ra ở một số nơi, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Do đó, thời gian tới cơ quan chức năng cần bổ sung các chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa để tăng tính răn đe, cũng như phòng ngừa với hành vi vi phạm pháp luật này.
Để tránh những vi phạm không đáng có, người dân không nên sử dụng, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Và chỉ nên mua, sử dụng các sản phẩm pháo hoa được cho phép sử dụng, tại các cửa hàng được cấp phép kinh doanh, đồng thời, khi sử dụng phải đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Ngoài ra, khi phát hiện có hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép pháo lậu, người dân cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền, để xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Trương Hồng Điền chia sẻ.
PV