Tràn lan sân chơi không phép trên đất dự án
Ghi nhận của PV trên địa bàn Hà Nội, dạo quanh các khu vực của huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, Thanh Xuân… ở bất cứ cung đường nào cũng có nhan nhản sân bóng, sân tennis. Dường như ở Hà Nội, đây là dịch vụ được coi là nhàn nhã và siêu lợi nhuận nhất. Chẳng cần chiến lược kinh doanh, chủ sân chỉ thuê lại mảnh đất trống của dự án đã "chết yểu" hoặc đang "thoi thóp" vì "hết máu" (tiền - PV) rồi đầu tư mấy trăm triệu đồng là có thể "ngồi chơi xơi nước" và thu tiền trong vài năm liền.
Có lẽ với nhiều người, đây là việc kinh doanh chính đáng. Bởi nó vừa tạo không gian vui chơi cho người dân thành phố vừa có thể chống lãng phí khi các dự án chưa có tiền để thi công. Tuy nhiên, ít ai biết được, những sân chơi này không chỉ nằm trên đất dự án treo mà còn lấn chiếm đất nông nghiệp. Tại đây, việc quản lý sử dụng đất đúng mục đích gần như bỏ ngỏ.
Theo khảo sát của PV Người Đưa Tin, tại địa bàn huyện Từ Liêm, hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu… được coi là "lãnh địa" của sân bóng đá mini, sân tennis. Trước đó không lâu, với tốc độ đô thị hóa cao, người nông dân huyện này đã phải "rơi nước mắt" khi những thửa ruộng mà tổ tiên, ông bà mình cày cấy nhiều đời bị những chiếc máy xúc của các dự án san phẳng. Cầm đống tiền đền bù trong tay, họ lo sợ về kế sinh nhai của các thế hệ sau này. Tuy nhiên, khi vừa san lấp mặt bằng, bỗng nhiên các nhà đầu tư "trở mặt". Họ để cho dự án của mình cỏ mọc um tùm. Sau này, những sân bóng đá mọc lên trước sự tiếc nuối của người nông dân. Đáng lẽ ra, trong những ngày tháng dự án bị "bỏ rơi", họ có thể cày cấy thêm được vài vụ lúa.
Ngay trên tuyến đường Mễ Trì có thể dễ dàng nhận thấy biển chỉ dẫn đường vào sân bóng mini CT6 khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà. Đây là khu đất vừa được thu hồi cuối năm 2012 giao cho UBND xã Mỹ Đình xây dựng trường tiểu học công lập Mỹ Đình. Tuy nhiên, sân bóng đá mini này đã tồn tại ở đây từ cuối năm 2011. Hay những thửa ruộng vàng óng ngày nào của người dân xã Mễ Trì đã bị mất đi, thay vào đó là sân bóng Anh em trên đường Lê Quang Đạo.
Cũng theo khảo sát của PV, khu đất được quy hoạch làm dự án công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch (đoạn giáp ranh giữa phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm) đã biến thành "trung tâm thể thao" Fecon với bốn sân bóng cỏ nhân tạo và hai sân tennis. Trong khi đó, ở khu vực đường Phạm Hùng, khu đất dự án của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (ThangLong Invest Group - TIG) từ nhiều năm qua đã thành sân bóng đá cho thuê. Tại đây, khu đất hàng nghìn mét vuông được vây kín bằng bờ rào tôn, bên trong khu đất được chia thành ba sân bóng mini, chưa kể còn kinh doanh cả dịch vụ giải khát, gửi xe… Điều đáng lưu ý là, hầu hết các sân bóng đều không có giấy phép của các cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định: "Ở TP.HCM thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều sân bóng, sân tennis phục vụ nhu cầu thể thao của người dân. Hầu hết những sân chơi này nằm trên đất các dự án "treo", chậm tiến độ. Theo tôi được biết, thực trạng này không chỉ xảy ra ở TP.HCM, Hà Nội mà hầu hết các thành phố lớn trên cả nước. Có lẽ, do bất động sản "đóng băng", đây là cách các chủ dự án muốn gỡ gạc lại chút tiền để trả lãi ngân hàng".
Cần xử phạt nặng tình trạng kinh doanh "chui"
Ông Nguyễn Hữu Quyết, phó chủ tịch UBND xã Mễ Trì, phụ trách đô thị (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Đúng là hiện nay có tình trạng sân bóng được lập trên đất dự án "treo", chậm tiến độ. Ở xã Mễ Trì, sân bóng Anh em nằm trên đường Lê Quang Đạo, đoạn gần với đại lộ Thăng Long trước đây là đất nông nghiệp nhưng đã được quy hoạch để làm dự án khách sạn 5 sao Dầu khí. Tuy nhiên, khu đất này chưa có quyết định thu hồi, chưa giải phóng mặt bằng và chưa đền bù cho dân.
Gần đây do suy thoái kinh tế, các hộ kinh doanh này có thuê lại của dân để làm sân bóng mini. Sân bóng này không có giấy phép xây dựng mà là do người chủ sân tự thuê đất của các hộ dân để làm sân bóng và dựng lều trại. "Về mặt xây dựng, khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đã tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ các lán lều, nhà ở… Còn liên quan đến vi phạm đất đai, địa chính xã đã lập hồ sơ xử lý, báo cáo lên UBND huyện Từ Liêm và đã phạt cơ sở kinh doanh sân bóng này 30 triệu đồng", vị phó chủ tịch UBND xã Mễ Trì khẳng định.
Ông Quyết còn cho hay: "Chúng tôi đã tổ chức cưỡng chế và xử lý vi phạm sân bóng Anh em rất nhiều lần. Mỗi lần xử lý, chúng tôi đều cho cuốc đất, lật cỏ, tháo dỡ nhà lán và cắt điện. Tuy nhiên, có lẽ cũng vì đã bỏ quá nhiều vốn đầu tư nên họ vẫn tìm cách hoạt động chui lủi . Nếu có hoạt động, họ chỉ có thể hoạt động được ban ngày vì ban đêm đã bị cắt điện. Thi thoảng có tổ chức đá bóng về đêm là do họ mượn điện của dân hoặc câu trộm điện. Các hệ thống đèn chiếu sân đá buổi tối đều đã bị cắt hết. Các sân bóng này tồn tại ngày nào thì hay ngày đó. Còn khi công trình Nhà nước xây dựng thì nó cũng buộc phải di dời đi. Tới đây, UBND xã sẽ tiếp tục ra quân xử lý triệt để các sân bóng trái phép trên địa bàn xã".
Trước đó, trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Kim Vinh khẳng định, về vấn đề sân cỏ nhân tạo trên địa bàn huyện Từ Liêm là có. Hầu hết các sân hình thành tự phát chứ huyện không cấp phép cho một trường hợp nào. Thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất sang làm sân bóng thì không thuộc thẩm quyền của huyện. Đối với chúng tôi, khi phát hiện ra sân bóng nào thì đều chỉ đạo cho các xã và các ngành chức năng lập hồ sở xử lý.
Khốn khổ vì… kinh doanh không phép Một chủ sân bóng mini huyện Từ Liêm (xin được giấu tên) chia sẻ với chúng tôi rằng, ông đã đầu tư cả gần tỷ bạc để thuê đất và xây dựng sáu sân bóng. Nếu đông khách, phải kinh doanh từ 24 tháng trở lên mới đủ tiền vốn. Nếu mới làm hơn một năm mà bị "giải tán" thì các chủ sân chỉ có… bán nhà để trả nợ. Chính vì vậy, biết đang kinh doanh không phép nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Mặc dù biết sai phạm nhưng họ vẫn cố cho thuê, thu tiền được ngày nào hay ngày đó. |
Vương Chân - Hồng Dương