Trần Ly Ly: 'Đừng so sánh tôi với Khánh Thi'

Trần Ly Ly: 'Đừng so sánh tôi với Khánh Thi'

Thứ 4, 10/04/2013 16:36

"Sự so sánh của khán giả là điều không thể tránh. Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tôi nghĩ mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đều có chỗ đứng riêng của họ. Tôi và Khánh Thi cũng vậy", biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây

Trần Ly Ly được xem là cơn gió lạ của Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) 2013 dù đây không phải là lần đầu tiên chị xuất hiện ở vị trí ghế nóng gameshow này. Dẫu vậy, việc nữ biên đạo múa tài ba này có mặt ngay từ đêm mở màn đầu tiên đã tạo nên những sự hấp dẫn thú vị đối với khán giả. Bởi người ta kỳ vọng về những bất ngờ từ sự phá vỡ vị thế độc tôn của chị đối với Khánh Thi, nữ giám khảo duy nhất suốt 3 mùa giải đã ít nhiều gây nên nhàm chán.

Nhân vật - Trần Ly Ly: 'Đừng so sánh tôi với Khánh Thi'

 

Danh tiếng và cát xê không phải là mục đích

Mùa giải thứ 4 BNHV lại thấy chị xuất hiện trên ghế nóng ban giám khảo, một người chưa hẳn đã thuộc về những ồn ào của showbiz không dễ gì gật đầu nhận lời tham gia vào một gameshow hứa hẹn nhiều tranh cãi. Một cách thẳng thắn, chị có thể tiết lộ lí do để chị gắn bó với cuộc thi này là gì? Danh tiếng, cát xê có phải là những yếu tố để hấp dẫn chị?

Tôi nhận lời vì tôi thấy gameshow này mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Đầu tiên là với khán giả. Mỗi tuần họ đều có niềm vui và sự háo hức chờ đón được xem những màn biểu diễn nhảy múa đẹp mắt từ nghệ sĩ, được nghe những lời nhận xét từ ban giám khảo, để từ đó họ có thể hiểu hơn về nghệ thuật trình diễn, nhảy múa. Nó cũng mang đến cái nhìn tích cực từ giới nghệ sĩ, showbiz. Vì một cuộc thi hấp dẫn, thu hút họ sẽ giúp nghệ sĩ thấy rằng cần phải hoàn thiện mình nhiều hơn để trở thành những nghệ sĩ đa năng, đa tài. Thực sự gameshow này cũng đã mang đến cho họ nhiều cơ hội, những trải nghiệm thực tế để họ tự tin hơn khi làm việc.

Nhiều người thầm so sánh chị với Khánh Thy và họ cho rằng chỉ có chị mới đủ sự sắc sảo để bật lại được với cô ấy trong cả chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn? Chị có nghĩ vậy không? Tiêu chí và quan điểm của chị khi ngồi ở BNHV là gì?

Sự so sánh của khán giả là điều không thể tránh. Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tôi nghĩ mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đều có chỗ đứng riêng của họ. Tôi và Khánh Thi cũng vậy. Mỗi người đều có ưu và khuyết điểm riêng. Chỉ cần tất cả đều tích cực và hướng tới những điều tốt đẹp thì mọi người đều có thể hài hoà và tự làm đẹp cho chính mình. Cá tính và sở trường riêng của mỗi vị giám khảo sẽ làm cho ghế nóng BNHV thêm phần gay cấn.

Với vị giám khảo còn lại, đạo diễn Lê Hoàng, một người được đánh giá là quá uyên thâm và thẳng thắn, chị có bị ảnh hưởng hay chi phối bởi anh ấy không?

Tôi thấy anh ấy là một người thú vị, những người thú vị thì tôi rất thích làm bạn. Còn ảnh hưởng hay không thì các bạn hãy theo dõi BNHV. Nhưng có hai điều tôi xin khẳng định. Thứ nhất là tôi ít khi bị ảnh hưởng bởi ai đó. Thứ hai là để bắt chước được Lê Hoàng không hề dễ.

Chị đánh giá chung thế nào về các thí sinh năm nay? Có ai nổi trội hoặc có phong cách mà chị thích không?

Các thí sinh năm nay rất tích cực. Họ đẹp cả về ngoại hình lẫn chuyên môn, cân bằng với nhau về khả năng nhảy múa cũng như diễn xuất. Tôi rất thích điều đó. Còn ai hơn ai thì chưa thể nói trước được. Điều đó còn phụ thuộc vào cả một quá trình khổ luyện và đúng hướng. Vai trò của ý chí và sự quyết liệt là rất cao trong các cuộc thi. Chỉ đến cuối cùng ta mới biết được người chiến thắng. Có những thí sinh rất có khả năng nhưng lại không quyết liệt đến cuối thì vẫn có khả năng bị loại và có những thí sinh lại chiến thắng bởi sự vươn lên không ngừng và có tiến bộ vượt bậc trong từng đêm thi. Đây là một cuộc chơi dài nên tôi có lời khuyên với các thí sinh là nên sử dụng câu " thắng không kiêu, bại không nản" để đi đến được cái đích cuối cùng.

Nhân vật - Trần Ly Ly: 'Đừng so sánh tôi với Khánh Thi' (Hình 2).

Nhân vật - Trần Ly Ly: 'Đừng so sánh tôi với Khánh Thi' (Hình 3).

Vẻ đẹp cá tính, thông minh của Trần Ly Ly đã mang đến những nét mới cho BNHV 2013

Nghệ sĩ có thể không đẹp nhưng phải biết toả sáng

Những bài báo viết về chị không nhắc nhiều đến gia đình, đặc biệt là ông xã. Chị muốn giữ kín chuyện đời tư hay có điều gì khiến chị khó chia sẻ?

Cuộc sống của tôi không có quá nhiều bí mật để phải giấu giếm đâu. Nhưng tính tôi không thích nói những chuyện gia đình trên mặt báo. Tính tôi hơi khó, thích kín kẽ nên có những chuyện nên im lặng thì tốt hơn. Ngoài ra, một khi đã thành người của công chúng thì cuộc đời mình khó còn là của mình nữa. Tôi rất sợ điều đó xảy ra với mình. Tôi chỉ có thể chia sẻ, chồng tôi là kiến trúc sư. Anh ấy là một người đàn ông đầy sáng tạo và thú vị.

Hình như, thời trẻ, chị từng có ý định bỏ múa vì ngoại hình không được xinh đẹp của mình. Thực tế, yếu tố ngoại hình quyết định bao nhiêu phần trăm thành công của một nghệ sĩ múa?

Cũng tuỳ từng đối tượng. Có những người ngoại hình rất xấu (xấu với cách đánh giá chung về thẩm mỹ của thời đại) nhưng họ lại vô cùng tài năng thì không còn gì để nói. Nhưng nói chung trong nghệ thuật trình diễn, ngoại hình là vô cùng quan trọng, đôi khi nó chiếm đến 50 phần trăm hoặc hơn nữa. Có một điều tôi muốn chia sẻ với bạn, nghệ thuật là một quá trình lao động cực khổ và bền bỉ, trong quá trình đó mọi người bóc dần các lớp vỏ của mình để đẹp dần lên. Nghệ thuật cũng là một quá trình dài để mọi người học hỏi cái này, cái kia nhằm hoàn thiện bản thân mình. Vì thế có những người ban đầu không đẹp nhưng dần dần người ta lại thấy họ toả sáng một cách bất ngờ. Người nghệ sĩ thông minh phải biết dùng sức lao động, trái tim, trí óc để quấn hút khán giả. Khi đã có sự yêu mến đó, khán giả sẽ yêu họ mà quên mất vẻ bề ngoài chưa được hoàn hảo. Nói chung, họ có thể không đẹp trong một chuẩn mực nào đó nhưng phải biết toả sáng.

Chị là người được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Nhưng điều đó lại không tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng của chị. Chị có nghĩ đó là một thiệt thòi, vì đã là nghệ sĩ hoặc là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì càng nổi tiếng càng tốt và càng có cơ hội kiếm tiền hơn?

Tôi rất cảm ơn và hạnh phúc khi được giới chuyên môn trong ngành đánh giá cao. Nhưng nghệ thuật vốn không có giới hạn. Tôi còn rất nhiều tham vọng trong nghề, muốn làm rất nhiều dự án để mang nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và mang nghệ thuật thế giới về Việt Nam để cùng giao lưu học hỏi. Mong ước được chia sẻ các dự án nghệ thuật về cộng đồng để mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội. Nổi tiếng cũng có cái hay và cái dở của nó. Tôi vừa chừng như thế này là rất vui rồi.

Từng quyết định rời bỏ Hà Nội để Nam tiến, cho đến nay, chị có thấy đây là quyết định đúng đắn của mình?

Tôi vẫn làm việc hai nơi nên cũng không cảm thấy bị xa cách nhiều. Thế giới bây giờ còn gần nhau vô cùng, chưa nói đến "thế giới phẳng và cuộc sống số". Tôi không thích dùng từ "rời bỏ" mà thay vào đó là “di chuyển" có lẽ sẽ hay hơn. Với Hà Nội, tôi khó có thể "rời bỏ" được vì nó luôn ở trong tôi. Có điều từ khi "chuyển" vào Sài Gòn tôi thấy mình năng động hơn, làm việc nhiều hơn và cũng được mọi người biết đến nhiều hơn.          

Trực tiếp tham gia hai mùa giải của BNHV, chị thấy chương trình có điều gì cần thay đổi để mang lại sự hưng phấn, tò mò cho khán giả?

Tôi nghĩ thay đổi chưa hẳn đã là tốt. Nếu các thí sinh vẫn giỏi, tích cực làm việc chuyên nghiệp cộng với sự đầu tư cẩn thận của chương trình thì vẫn có sự thu hút đặc biệt.

Nghi án dàn xếp kết quả không phải là chuyện xa lạ ở một gameshow giải trí. BNHV cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bị cho rằng đang diễn hoặc đang ưu ái một thí sinh nào đó, chị sẽ phản ứng thế nào?

Câu hỏi này là rất khó, đầu tiên tôi cũng không định trả lời vì rất dễ gây hiểu nhầm. Thực tế, tôi vừa là một nghệ sĩ (biên đạo múa thì là nghệ sĩ), vừa là một giảng viên. Nghĩa là tôi vừa phải sống với cảm xúc, vừa phải sống với sự chuẩn mực lí trí. Làm thế nào để cân bằng được hai cái đó? Đối với tôi điều này là thế mạnh vì nếu nghệ sĩ chấm thi thì rất dễ thiên vị theo cảm xúc nhưng những ai đã là giảng viên mà là giảng viên nhiều năm, có kinh nghiệm thì sẽ phải có sự công bằng, đánh giá theo chuẩn mực mà mình đưa ra. Giải thích thế này hơi phức tạp, nếu đã là giảng viên, bạn sẽ yêu tất cả các học sinh và nhìn họ với đôi mắt yêu thương trìu mến. Mỗi học sinh bạn sẽ đánh giá được ưu, khuyết điểm của họ. Nhìn thấy điều đó để dùng sự yêu thương nghiêm khắc của mình chỉ ra cho họ hướng đi. Nếu họ tiến bộ thì không niềm hạnh phúc nào bằng. Tôi là một giảng viên nghệ thuật nên sẽ cố gắng công bằng nhất đối với tất cả. Bởi đánh giá không đúng mức về một ai đó đều là niềm đau đối với tôi.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!          

> Con gái Văn Hiệp tiếc không được nhìn mặt bố lần cuối   

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.