Ngày 29/11, TAND TP.HCM tiếp tục đưa đại án làm thiệt hại trên 3.600 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) ra xét xử. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, chủ tịch HĐQT công ty Bắc nam 79) và Nguyễn Thị Ái Lan vẫn bị cách ly tại trại giam, không được dẫn giải đến tòa.
Phiên tòa sáng nay, HĐXX và đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Đức Vinh và các đồng phạm giúp sức cho bị cáo Bình, Xuyến chiếm đoạt, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng tại DongABank.
Liên quan đến lời khai Trần Phương Bình cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm”, đại diện VKS yêu cầu ông Bình giải thích rõ hơn về lý do: “Lỗi là lỗi gì?” ngay đầu giờ phiên làm việc sáng nay.
Về điều này, Trần Phương Bình trình bày: “Bản thân bị cáo nguyên là giáo viên nên luôn luôn thấy có lỗi với Vũ ở chỗ không thông báo đầy đủ cho Vũ về thực trạng hoạt động của ngân hàng. Đây là điều bị cáo thấy có lỗi rất nhiều với Vũ".
Trần Phương Bình lấy tên vợ, con mua bao nhiêu cổ phần DongABank?
Về thông tin này, bị cáo Bình ngoài tự đứng tên cổ phần tại DongABank, còn nhờ cả vợ, con đứng tên mua cổ phần. Tuy nhiên, theo Bình, vợ con của Bình không hề biết đứng tên để mua cổ phần. Ngay cả khi mua xong rồi họ cũng không biết.
Khi bán cổ phần DongABank, Bình không thể bán cổ phần của bản thân và của vợ con vì có một số hạn chế nên giữ lại. Khi được hỏi cụ thể là hạn chế nào, Bình nói nếu bán cổ phần của mình và của vợ con thì phải công khai trước công luận, như thế sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín của DongABank.
Về cổ tức được hưởng, theo bị cáo Bình, DongABank sẽ chuyển vào tài khoản người đứng tên cổ phần. Với cổ phần đứng tên người thân, Bình nói nhân viên chủ động chuyển vào tài khoản cá nhân của Bình.
“Bị cáo không nhớ được mỗi kỳ nhận cổ tức, bị cáo và những người bị cáo nhờ đứng tên nhận được tổng cộng là bao nhiêu. Sau này khi vụ án xảy ra, bị cáo được cán bộ điều tra cho biết là trên dưới 100 tỷ đồng”, bị cáo Bình khai.
Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về việc có hay không có ý định thâu tóm DongABank nên mới nhờ vợ và con đứng tên cổ phần của nhà băng này, Bình phủ nhận.
Theo bị cáo Bình, tổng số cổ phần của Bình và người thân tại DongABank ở thời điểm cao nhất cũng không vượt quá 20%. Với số cổ phần này, Bình không thể có quyền tự quyết, bởi theo bị cáo Bình, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 35% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…