Ký ức không quên
Đó là những ký ức không bao giờ quên trong tim cựu binh Trần Văn Tứ (98 tuổi, trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Thái Kiều, ông rưng rưng hồi tưởng lại trận đánh quyết tử trên đồi Độc Lập trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 mà ông Tứ từng được tham gia. Dù đã 70 năm trôi qua nhưng người cựu binh gần tròn 100 tuổi vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ trong những trận đánh ngày ấy.
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở huyện Can Lộc. Bố mất sớm, từ nhỏ, phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ, cựu chiến binh Trần Văn Tứ sớm giác ngộ cách mạng. Lòng căm phẫn, khao khát hoà bình, tự do luôn phập phồng trong lồng ngực người thanh niên năm ấy.
Năm 1949, ngay khi có đợt tuyển quân, ông Tứ đã xung phong vào bộ đội. Tháng 2/1049, ông nhập ngũ, được phân về Đại đội 217, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 bộ binh. Ông Tứ từng cùng đơn vị chiến đấu trong chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950-1951)… và đặc biệt là chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, cao trào là chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.
“Trong cuộc đời của tôi, kỷ niệm sâu đậm và tự hào nhất vẫn là được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiều 14/3/1954, chúng tôi tấn công đồi Độc Lập, sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, lực lượng pháo binh nã pháo vào cứ điểm của địch thì lính bộ binh chúng tôi nhanh chóng tiến lên lùa bộc phá vào các hàng rào kẽm gai để phá hủy mở đường tiến công. Khí thế ngút trời, tôi và đồng đội xông vào trận địa. Quân ta tấn công ào ạt đã nhanh chóng phá tan hàng phòng thủ, tiến sát sào huyệt của địch. Đa số bọn lính lê dương (Bắc Phi) đều nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt hoặc đầu hàng", mắt ông Tứ sáng rực lên nhớ lại.
"Sau khi cùng anh em trong đại đội đột kích một lô cốt và bắt sống rất nhiều quân địch, vẫn còn 1 tên cố thủ ở bên trong. Mọi người đang chần chừ vì lo tên này dùng lựu đạn thì tôi xông lên. Vừa bước lên giao thông hào, tôi nhìn thấy tên lính da đen. Tôi vừa tiến đến thì tên này phóng ngay lưỡi lê vào người. Tôi vội né mình tránh nhưng vẫn bị lưỡi lê đâm xuyên cánh tay phải. Nén đau, tôi lách mình dùng tay trái giữ lấy súng của tên lính và đạp mạnh vào người làm tên lính ngã ra, anh em lao tới giúp sức tóm gọn…”, ông Tứ vừa kể vừa vén tay áo cho chúng tôi xem vết sẹo trên bắp tay phải.
Cuộc tấn công đồi Độc Lập thắng lợi vẻ vang, ông Tứ may mắn chỉ bị thương ở cánh tay nhưng những người đồng đội của ông đã ngã xuống một cách anh dũng. “Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên những giây phút đau thương mà hào hùng đó”, khoé mắt ông Tứ đỏ hoe.
Sau thắng lợi trận đánh ở đồi Độc Lập, ông cùng đồng đội dưới sự chỉ huy của đơn vị tiếp tục chiếm đánh các mục tiêu khác đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng Đờ Cát (De Castries) đầu hàng nhưng từ xa nhìn thấy lá cờ của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch, ông Tứ cùng những người đồng đội còn sống sót ôm nhau bật khóc, nước mắt hoàn lẫn với máu trong tiếng reo hò của toàn quân vào chiều 7/5/1954.
Hạnh phúc ngày hoà bình lập lại
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã góp phần quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài trong suốt 9 năm (1945-1954). Tháng 10/1954, ông Trần Văn Tứ cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, ông được cử đi học lớp ngắn hạn ngành thống kê, sau đó, về làm việc tại Phòng Vận chuyển, Bộ Công nghiệp. Năm 1957, vì điều kiện gia đình, ông xin về quê chăm sóc mẹ già.
Năm 1958, ông cưới vợ là bà Trần Thị Minh (SN 1930), người cùng làng. Vợ chồng ông sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Người con trai đầu được ông đặt tên Trần Văn Giáp - cái tên được ông đặt từ sự ngưỡng mộ vị chỉ huy vĩ đại trong chiến thắng Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và cũng như duyên nợ của ông đối với mảnh đất Điện Biên khi người con trai đầu và người con gái duy nhất hiện đang sinh sống và công tác tại tỉnh Điện Biên nơi ông từng tham gia chiến đấu.
Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa Trần Văn Tứ giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, động viên các thế hệ cháu con phát truyền thống cách mạng, tích cực lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Ông luôn dạy các con của mình phải nhớ đến công lao của những người chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống, hi sinh cho sự hoà bình, độc lập, tự do của đất nước. “Tinh thần uống nước nhớ nguồn, giữ trong tim mạch nguồn cách mạng, yêu nước, sống có ích cho xã hội, luôn được tôi nhắc nhớ đến con cháu mình. Trong giấc mơ, tôi luôn thấy các đồng đội mỉm cười với tôi, luôn nhớ đến tiếng súng rền vang, những ngày tháng chiến đấu quả cảm, đầy đau thương, mất mát nhưng vô cùng hào hùng của đất nước”, ông Tứ xúc động.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là trận đánh "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định kí Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, đây cũng là thắng lợi chung của các dân tộc nhỏ yếu trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.