Trước khi Trạng Quỳnh ra mắt, báo giới đã rộ lên tin tức Trấn Thành chấp nhận vào vai phụ để làm nền cho đàn em Quốc Anh. Dù vậy, qua những gì nam nghệ sĩ thể hiện trên màn ảnh, khán giả thấy anh mới chính là "linh hồn" của bộ phim.
Nếu như hai nhân vật Quỳnh và Điềm được lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử thì Xẩm là sự sáng tạo độc lập trong kịch bản. Anh là người bạn nối khố luôn đồng hành cùng Quỳnh, dù vậy tính cách ngờ nghệch của anh đôi lúc cũng đưa bộ ba nhân vật rơi vào những tình huống oái oăm. Gạt bỏ yếu tố chính - phụ thì đây chính là vai diễn “đo ni đóng giày” cho Trấn Thành.
Như đạo diễn Đức Thịnh đã nhận định Trấn Thành là diễn viên của “lối hài hiện đại”, thế nhưng khi đưa vào Trạng Quỳnh, nhân vật Xẩm của anh lại trở thành cầu nối dung hòa chất hiện đại và cổ truyền của bộ phim. Thông qua Xẩm, người xem dễ dàng đồng cảm hơn với câu chuyện về những con người bước ra từ giai thoại cách đây đã trăm năm. Anh giống như một người thông ngôn, giúp khán giả tìm được tiếng nói chung giữa hai thời đại.
Có một chi tiết nói lên tinh thần cũ - mới dung hòa của bộ phim, đó là khi Quỳnh nấp sau bụi cây gần ao cá nhà thầy Đoàn để ngắm cô Điềm, bị cha cô phát hiện thì bối rối thanh minh rằng “con đi thả thính”. Người xem bật cười vì tính chất đa nghĩa của từ “thả thính”, vừa có thể hiểu theo nghĩa truyền thống và hiện đại, nghĩa đen và nghĩa bóng. Những màn đối đáp hóm hỉnh nhưng không kém phần ý nhị như vậy làm nên cái hay của bộ phim.
Thế nhưng xét về tổng thể thì nhân vật Quỳnh của Quốc Anh lại không có nhiều phân đoạn hài hước như Trấn Thành do vẫn còn thiếu tài ứng biến cùng biểu cảm sinh động. Phải nói rằng Trấn Thành đã nâng đỡ đàn em khá nhiều bằng việc trở thành cây hài chính, làm trụ cột “gánh” cả bộ phim. 90% câu thoại đáng nhớ trong phim đều được nhân vật Xẩm thốt ra, ví dụ như câu cửa miệng “đi vào giai thoại” hay câu cảm thán “mụ nó” của anh, ngắn gọn, dễ nhớ và độc đáo. Những phân đoạn gây cười hầu hết truyền tải qua lời nói hay nét mặt, không bị kéo dài lan man, cũng ít những cử chỉ khoa tay múa chân quá lố hay phản cảm - đây cũng là điểm sáng của phim khi hạn chế bớt lối hài có phần thô thiển, nhăng nhít nhưng lại rất phổ biến trong điện ảnh Việt những năm gần đây.
Nhưng ở nhân vật này đâu chỉ có sự lém lỉnh, tếu táo. Trong các trường đoạn nghiêm túc của bộ phim, Trấn Thành trở thành hạt nhân tạo nên sự biến hóa thú vị, vừa vui tươi hớn hở nhưng thoắt cái đã trở nên buồn bã, đau khổ hay giận dữ. Dù vậy, những cảm xúc đó được nam nghệ sĩ điều tiết một cách vừa phải chứ không hề cường điệu, bởi nhân vật Xẩm sau cùng vẫn là người lạc quan, đầu óc đơn giản, tuy dễ bộc phát cảm xúc nhưng cũng mau quên.
Đặt cạnh một Trạng Quỳnh hiện thân cho tài trí dân gian, Xẩm lại tượng trưng cho sự phóng khoáng, nghĩa khí của nhân dân, dám làm dám chịu, sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng bạn bè. Xuyên suốt bộ phim, dường như kịch bản vẫn ngầm đề cao sự lương thiện, lòng dũng cảm hơn là trí thông minh. Bởi người có tài mà không có đức đôi khi vẫn lầm đường lạc lối, còn người thiện lương chỉ cần luyện cho mình đầu óc tỉnh táo, mục tiêu sáng rõ thì vẫn có thể làm nên chuyện. Nhìn chung, thông điệp bộ phim vẫn là tôn vinh cả hai phẩm chất này như hai mảnh ghép sóng đôi, vậy nên không có cơ sở khi nói Trấn Thành chịu “lép vế” để làm nền cho đàn em.
Ông xã Hari Won tâm sự: "Vai diễn của tôi trong Trạng Quỳnh hoàn toàn đúng sở trường của tôi. Một vai để gây cười đơn thuần, vì nam chính điển trai đã có Quốc Anh lo rồi. Cặp nam chính nữ chính trong phim này là một cặp tình cảm đúng nghĩa, còn tôi thì không có vai trò nào khác ngoài chọc cười khán giả. Nhưng nói vậy không có nghĩa là nhân vật của tôi mờ nhạt. Khá nhiều người tỏ ra bất ngờ khi xem tôi diễn vai này và cho rằng tôi là người có khả năng diễn xuất chứ không phải “ăn may” theo fan".
Theo Thanh Niên