Một ngày mùa đông rét ngọt, trong quán cà phê nổi tiếng ở phố Hàng Hành, Hà Nội, tôi gặp Trần Tiến ngồi nói chuyện rôm rả với rất nhiều những người bạn vong niên. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui đến thế. Niềm vui của một người đang được sống lại với những kí ức, những kỉ niệm của một thời trai trẻ.
Trong tiếng nói cười rổn rảng ấy, những câu chuyện kể ra, ông gọi chúng là những ngẫu hứng bất tử trong cuộc đời mình.
Suýt làm rể nước Lào
Vân vê điếu thuốc lá "xịn", Trần Tiến kể: "Họa sỹ Lê Văn Hiệp thương thằng em lãng mạn là tôi, môi giới cho một em, con bà Thái Thị Liên, vợ nhà thơ Đặng Đình Hưng. Năm ấy tôi ngốc như chưa ai ngốc thế. Nàng tiễn tôi lên đường đi Sầm Nưa, chiến khu của Lào. Tôi viết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài hát tặng nàng. Mùa hè ấy. “Mặt trời như nóng bỏng hơn/Cây cỏ như xanh tươi hơn...”.
Đêm đó tôi được vinh dự tham gia đêm diễn cho Hoàng thân Xuphanuvong và Đảng Cộng sản Lào. Đang ngồi bần thần nghĩ về cô người yêu (mối tình đầu của tôi) trên đỉnh núi bỗng nghe tiếng quát: "Thằng ngu!". Té ra, nhạc sỹ Đỗ Nhuận hoảng hốt đi tìm tôi. Tôi bước từ đỉnh núi xuống, và chưa bao giờ hát hay đến thế.
Sau đêm diễn đó, cô con của Hoàng thân Xuphanuvong đã mê tiếng hát của tôi, rồi mê luôn tôi, và đích thân xin Chính phủ Việt Nam cho cưới tôi nhưng không được là vì tôi đang ngất ngây với mối tình đầu sâu nặng. Cũng may, làm nhạc sỹ thích hơn làm “Phò mã” chứ", Trần Tiến cười rộn ràng, nụ cười du ca không hề lẫn vào đâu được.
Chuyện “lạ” ở Liên Xô
Với Liên Xô, nhạc sĩ Trần Tiến có rất nhiều kỉ niệm. Ông kể: "Nhớ anh Sơn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn -PV) lần đầu được xuất ngoại sang Liên Xô về, cười như... Liên Xô. Anh ấy được đi chiếc tàu trên dòng Vonga (tất nhiên tàu mới sáng chế, oách lắm) kể lại mà thấy thèm. Anh Sơn bảo: "Tiến đừng nóng. Rồi sẽ đến lượt em đi... mút chỉ".
Năm sau mình đi thật, nhưng đi lấm lét như buôn ma túy, chỉ mong máy bay cất cánh, rồi thốt lên một câu cho sướng miệng. Ngày đó tôi đang bị công an truy lùng vì vụ ban nhạc Trắng Đen. May sau đó kết luận rằng: "Trần Tiến không kích động bạo loạn. Trần Tiến kích động lòng yêu nước". Thế là không những thoát nạn, tôi còn được mời tham gia cuộc marathon rock vì dân chủ, đi khắp Liên Xô diễn. Sướng!.
Liên Xô và bây giờ là nước Nga thì kể cả đời không hết chuyện. Nhưng có hai chuyện tôi nhớ nhất.
Chuyện thứ nhất, tôi đi diễn với ban nhạc Nga, sống luôn với họ gần sáu tháng. Tay trưởng nhóm khoái tôi, gọi tôi là Vư - sơt -xky vùng nhiệt đới. Một hôm anh ta đưa vợ đến, nói: "Tối nay anh ngủ với cô ấy nhé!". Tôi sững người, chả hiểu chuyện gì. Anh ta nói nhỏ với tôi: "Anh mất vệ sinh lắm. Gần sáu tháng nay, tôi chưa thấy anh ngủ với đàn bà!!!"(?!).
Chuyện thứ hai, là lần đầu tiên tôi được xem 7 em "Tây" thoát y nhảy múa trước mặt. Chỉ có điều đã được dặn trước: Chớ có sờ soạng - ăn đòn. Vụ này lại do chính Tổng thống tương lai của nước Nga Bô - rít Yen - sin mời mới sướng. Có gì đâu, ông ta khoái bài Rock Đồng hồ của mình thôi.
Rồi một lần đi tàu cánh ngầm, có một cô gái đập đầu vào mình. Đau nhưng mà thơm, cái mùi thơm của mái tóc. Cô gái ngượng ngùng xin lỗi. Không sao. Chợt nghĩ, có gì thơm thì em cứ đập hết vào mặt anh đây.
Nhớ lại một lần ngu
Trần Tiến gọi là ngu vì ông trách sự cả nể của mình đã làm hỏng bét nhiều thứ. Chuyện là: “Vì nể thằng em giám đốc truyền thông mà tôi đi chấm “Bước nhảy hoàn vũ”. Các em ấy nhảy thế nào thì mình nói thế. Nhảy điệu Latin thì phải nhìn mông, ngực có nảy lửa không.
Ngày hôm sau các bình luận xô vào phản ứng, dân truyền thông vớ được tin sốt dẻo. Tự nhiên tôi thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, giữa những khán giả mình vẫn thân yêu hết lòng.
Nhiều lúc tôi thấy cô đơn, nhấc máy gọi cho người tình nghe một tiếng “dạ” rỗng không, buồn tênh. Gọi cho thằng em: "Em nghe" -"Anh Tiến đây" -"Vâng, em biết rồi. Có việc gì không anh? ". Ủa! Mình có việc gì đâu nhỉ. Nhớ anh Sơn ngày ấy chắc cũng buồn lắm, mới sáng sớm đã gọi cho mình - "Em đây, có gì không anh". Anh sẵng giọng - "Còn việc chi nữa, lại ngồi uống, chừ còn việc chi nữa...".
Có một lần hèn
“Tôi bị sốt rét ác tính. Đơn vị phải đi. Đường chín Nam Lào mà. Mặt trận mở ra rồi đóng lại, chỉ một vài hôm là chuyển đi. Tôi bị người ta vứt xuống hố chôn. Cô bạn y tá yêu tôi, thương tôi, nên không nỡ chôn. Trời cho chưa chết. Không còn gì trên người. Tôi cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Tôi lạc vào rừng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết mới hay. Chuyện đó sau này, nơi tôi bò đến xin cứu, họ mới nói tôi hay.
Bò đến được ánh đèn rất xa, nơi có con người. Té ra một trạm dây trần của lính ta. Tôi gục xuống và thiếp đi. Không biết bao lâu tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trước cửa hầm. Lính tưởng mình là thám báo nên không cứu. Xác chết sống lại, làm gì có giấy tờ?
Lính tra khảo. Mình đành khai báo: Anh là Trần Tiến, tác giả bài ca Thanh niên ra tiền tuyến đây. Họ còn không tin, bắt hát... Chết mẹ. Trần Tiến thật. Sau này, cũng lại do họ kể lại, vì cha ấy có giọng trầm trầm mới tin và mới cứu. Thế là, sau này, tôi càng già, giọng càng như gà thiến. Nhiều lúc phải cố giả giọng trầm trầm để có người đãi rượu đấy (Hè)”, Trần Tiến tự trào.
Những cái giỗ cho một người sống
“Về Hà Nội, đôi khi thoáng bóng mấy lưng áo màu cỏ úa đi tập thể dục quanh hồ. Mấy người già cỡ tuổi mình cả. Quần áo đẹp, giờ rẻ bèo, sao những người đi qua cuộc chiến lại ít khi dùng nhỉ?.
Sáng nay đi tập sớm về, thấy chăn mền đã gấp ngăn nắp, đôi dép xếp cuối giường, hướng mũi ra ngoài như chỉ để chờ báo động là chạy. Nghĩ buồn cười cái thằng bạn lính cùng phòng, bằng tuổi mình mà thói quen vẫn giữ như ngày trong rừng.
- Lát nữa, khách sạn họ dọn cho, sao mày phải cẩn thận thế?
- Quen mất rồi, Tiến ạ.
Lại thế!... giật mình nhớ câu nói trên thiên đường đêm qua.
Thằng bạn "còn sống" ngồi lặng lẽ rót cho tôi ly trà sớm, xuýt xoa, giá bây giờ có điếu thuốc lào Tiến nhỉ. Ôi, những ngôi sao màu cỏ úa quanh ta.
Tôi kiếm cho nó được cái điếu cày ở chỗ mấy cậu bảo vệ. Nó phả khói đầy phòng xong rồi chậm rãi kể như tụng kinh:
- Tao bị báo tử rồi đấy chứ. Không biết thế nào, tao lại không đi cùng đoàn xe ấy. Đoàn xe bị bom chết không còn một mống. Tao đi với đoàn xe sau. Sáu năm sau, đến ngày giải phóng mới trở về, rồi tao ở biệt Sài Gòn cho tới bây giờ. Cũng nghe nhà kể chuyện về giấy báo tử giống nhà mày nhận được, anh Trần Hiếu chả khóc rống lên ở Bộ Văn hóa là gì?
- Rồi sao?
- Chỉ thương một thằng ngày ấy không biết tin, lập bàn thờ tao suốt 30 năm. Một ngày có cuộc gọi ở đâu đó:
- Có phải đây là số anh Kỳ không?
- Vâng tôi đây, ai đấy?
- Tiên sư bố nhà mày, (rồi khóc rống lên).
- Tôi đây, ai đấy? Lại nhiều tiếng của nhiều người nữa khóc rống lên.
- Tiên sư bố thằng Kỳ!
Té ra đám bạn cũ ở Nam Định nó tưởng tao đã chết trong chuyến xe định mệnh ấy.
Ngày hôm sau tao bay ra ngay, nhìn thấy ảnh mình đã úa vàng trên bàn thờ nhà nó. Tao khóc, chúng nó lại khóc. Cả một đám mấy thằng già bạc tóc ngồi ôm nhau khóc, chẳng còn biết nói gì. Rồi chúng nó muốn rủ tao đi kiếm vài lon bia mừng ngày còn sống trở về. Nhưng chẳng thằng nào có tiền cả.
Năm đó 97 hay 98 gì đó. Nhìn những thằng bạn lính hốc hác nhớ thương mình, bao nhiêu năm sau hòa bình, vẫn hốc hác. Thế là đến lượt tao khóc. Rồi cả bọn lại ôm nhau khóc như trẻ con”, Trần Tiến bỏ lửng câu chuyện.
Kim Linh