Ông Nguyễn Sóng Hiền cho hay: “Rất trân trọng cách nhìn và đánh giá của các bạn về bài viết. Về quan điểm cá nhân, mình không phải là nhà phê bình văn học.
Mình nhìn ở góc độ có thể được cảm nhận bởi một người đọc và học văn bình thường như nhận thức của những học sinh của lớp 11 có thể cảm nhận trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Đó chính là mặt trái của tác phẩm mà nếu như đứng trên quan điểm của một người biên soạn sách giáo khoa chúng ta cần phải cân nhắc và lưu ý tới khi đưa vào giảng dạy cho các em ở lớp 11, độ tuổi mà sự phát triển nhận thức và xã hội chưa đầy đủ, cái xấu nhiễm nhanh hơn cái tốt thì những tác động tiêu cực của mặt trái tác phẩm không ai dám chắc là nó có ảnh hưởng nhận thức tới các em không?
Chúng ta hàng ngày đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau lòng diễn ra trong xã hội hiện nay, bạo lực học đường, giết người cướp của, cưỡng hiếp... mà đa số đối tượng đó không ai khác chính là đối tượng vị thành niên?
Vậy liệu có ai dám chắc rằng nó không phải là sự lây nhiễm từ những cảnh bạo lực trong phim ảnh? Có ai dám chắc rằng nó không phải là sự ảnh hưởng bởi những hành vi thú tính như Chí khi nó lại được giáo dục chính thống trong nhà trường ?
Tôi không phủ nhận giá trị nhân văn và nghệ thuật của tác phẩm nhưng liệu ai dám chắc được rằng tất cả các giáo viên dạy văn có thể truyền tải đầy đủ những điều đó cho các em trong khi nó cùng chỉ được dạy trong một vài tiết học với trích đoạn chứ không phải chỉnh thể?
Ai dám chắc được rằng tất cả các em có thể lĩnh hội những giá trị nhân văn đó hay chỉ hiểu một cách hời hợt để rồi bắt chước những hành vi thú tính đó của Chí?
Giáo dục cần phải hạn chế tối thiểu những gì có thể tác động xấu và tiêu cực đối với các em đặc biệt ở những lứa tuổi này.
Mình chỉ muốn gửi một thông điệp rằng giáo dục là một quá trình, nó phát triển theo quá trình phát triển tâm sinh lý và nhận thức của các em. Chúng ta không thể dạy trẻ lên ba về hôn nhân và gia đình cũng như dạy sinh viên đại học về sự khác biệt của giới tính.
Vì vậy, các nhà quản lý giáo dục, các nhà chuyên môn, các nhà biên soạn sách giáo khoa cần có những cái nhìn thấu đáo, cái xem xét toàn diện khi đưa bất kỳ một chương trình dạy học nào, một tác phẩm hay nội dung nào vào dạy cho các em ở bất kỳ cấp độ nào liệu nó có tác động tiêu cực đến nhận thức các em hay không?
Nó có phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của các em trong độ tuổi đó không? dù nó có là tác phẩm kinh điển đi nữa. Các bạn muốn ai đó gọi con bạn là Chí phèo không?”.
T.Huế