Trần tình của người đưa đề xuất bỏ biên chế giáo viên gây “bão”

Trần tình của người đưa đề xuất bỏ biên chế giáo viên gây “bão”

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 6, 31/08/2018 13:00

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội-người đưa ra đề xuất từng bước bỏ biên chế trong ngành sư phạm cho rằng, có vào thì có ra, có lên thì phải có xuống.

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Khang đã đưa ra đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến khác nhau của dư luận. Để rõ hơn về việc này PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Khang.

Giáo dục - Trần tình của người đưa đề xuất bỏ biên chế giáo viên gây “bão”

Ông Nguyễn Xuân Khang (bên trái) - người đề xuất bỏ biên chế đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

PV: Thưa ông, xuất phát từ nguyên nhân nào mà ông đưa ra đề xuất bỏ biên chế đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục?

Ông Nguyễn Xuân Khang: Đề xuất này bắt đầu từ thực tế, mà thực tế cũng đâu phải chỉ có trong ngành giáo dục. Trong suốt nhiều chục năm nay, biên chế Nhà nước đã để lại hậu quả mà ta thấy rất rõ.

Hiện Chính phủ rất tích cực trong việc giảm biên chế, riêng với ngành giáo dục thì chúng ta vẫn chưa tính tới việc bỏ biên chế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải bỏ biên chế, bởi vì có vào thì có ra, có lên thì có xuống.

Đối với người cán bộ lãnh đạo phải có lên có xuống bởi vì con người ta nó có thể có những thay đổi. Trong thời gian hoạt động, nhiều người phát triển, có nhiều cống hiến thì nên đề bạt người ta làm lãnh đạo. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo trì trệ, không theo kịp sự phát triển thì nên nhường ghế của mình cho người khác.

Nói một cách nôm na là, đề xuất của tôi hợp với quy luật là có vào có ra, chứ vào mà không ra, vào mà cứ ngồi ì đấy đến khi về hưu thì không có động lực cho mọi người phấn đấu vươn lên. Việc này cũng sẽ khắc phục tình trạng ăn bám, ỉ lại, dựa dẫm.

Ngoài ra, cũng xuất phát từ thực tế của tất cả các ngành năng suất lao động quá thấp. Không riêng gì ngành giáo dục mà là tất cả. So với các nước trong khu vực, không phải chỉ so với Singapore đâu mà so với Malaysia, Philippines, thậm chí là Lào, Campuchia, lao động mình cũng thấp hơn. Nhất là trong khối Nhà nước, chuyện biên chế đã kìm hãm sự phấn đấu vươn lên.

PV: Có ý kiến cho rằng đối với nghề đặc thù như giáo viên thì không nên áp dụng việc bỏ biên chế. Bởi lương giáo viên thấp, cuộc sống vất vả, nếu không có biên chế ổn định thì sẽ khó mà thu hút được người giỏi vào ngành?

Ông Nguyễn Xuân Khang: Có một thực tế nhãn tiền là hệ thống ngoài công lập không có chuyện biên chế vĩnh viễn vào rồi lại không ra như hệ thống công lập. Tư thục trong giáo dục cũng có gần 30 năm nay rồi vẫn hoạt động và phát triển tốt. 

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu bỏ biên chế thì hiệu trưởng có đặc quyền, họ sẽ lộng quyền. Làm gì có chuyện ấy. Ông hiệu trưởng cũng là người ký hợp đồng có thời hạn, ông làm việc tử tế thì ông ngồi, ông không làm việc tử tế thì ông rời vị trí đó.

Nói như thế là nói lý thuyết nhưng mà trường tư thục nhãn tiền có rất nhiều giáo viên trong trường đã làm việc gần 30 năm nay, thế thì sự ổn định không khác gì làm việc trong Nhà nước, bởi vì người ta làm việc tốt.

PV: Những nơi xa trung tâm thì người dân không thể có tiền để cho con học trường tư. Ở nơi đó những giáo viên rất thiếu thốn. Ông có cho rằng, đề xuất của mình phù hợp?

Ông Nguyễn Xuân Khang: Gốc của vấn đề là vì sao lương thấp? Là vì năng suất lao động thấp. Không nói riêng gì ngành giáo dục đâu mà nói trên toàn cục. Công việc của hành chính sự nghiệp giảm đi những người cắp ô đi làm thì vẫn hoàn thành được việc.

Tôi cũng có theo dõi từ hôm qua tới giờ những ý kiến ngược xuôi rất nhiều, rất thú vị, vì đây là cái chủ điểm rất lớn của xã hội, thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, người ta bàn bạc trao đổi là rất tốt. Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng phải tính dần. Muốn năng suất lao động tăng lên thì phải để khối tư nhân thúc đẩy. Đấy là nguyên lý, chứ không phải cứ tăng lương lên là chất lượng công việc sẽ lập tức thay đổi được đâu.

PV: Như vậy, ông cho rằng, hiện tại hệ thống giáo viên của chúng ta là chưa làm hết năng suất?

Ông Nguyễn Xuân Khang: Giáo viên hiện nay nơi thừa, nơi thiếu. Một số quận nội thành ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có những lớp lên đến 70 học sinh, tức là quá tải. Nhưng ngay ngoại thành Hà Nội thôi chưa nói vùng sâu vùng xa thì lại gặp tình trạng thiếu tải. Điều đó nói lên rằng năng suất lao động tại các địa phương không giống nhau.

Thanh niên ở nhiều tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nam Bộ bỏ quê đi lao động, dạt vào các khu công nghiệp, ra Hà Nội, Sài Gòn... Từ đó dẫn đến việc khi họ lập gia đình thì con cái cũng ở lại đó luôn. Cho nên tôi cho rằng nên quy hoạch lại các trường công lập bởi vì có khi một trường tiểu học chỉ có rất ít học sinh. Quy hoạch lại để khỏi lãng phí cơ sở vật chất, lãng phí cả giáo viên. Sau khi quy hoạch, chúng ta sẽ thấy năng suất lao động tăng lên.

Có lẽ điều chúng ta đang băn khoăn đó là ở vùng sâu vùng xa, nếu mà dồn lại trong một lớp học có đủ quy mô thì học sinh sẽ đi rất xa. Ở những nơi này, nên giữ hệ thống trường lớp, không cần quy hoạch. Còn vùng đồng bằng thì theo tôi, bắt buộc phải làm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.