Hy vọng dưới tán rừng bần
Chúng tôi có mặt tại đồn biên phòng An Thanh 3, nơi được bao bọc nởi những cánh rừng đước, bần xanh tốt, có đoạn rừng rất hoang sơ, những thân cây thẳng đứng mọc lên từ dòng nước mênh mông sóng vỗ. Dưới tán rừng xanh ấy là những ngôi nhà nhỏ của các hộ gia đình sống tạm bợ để canh đê, bảo vệ rừng…
Chị Huỳnh Thị Hiên ở xã An Thanh 3 kể: “Quanh các kênh mương khu vực ấp tôi ở đã được be bờ cẩn thận, khi nước lên không thể tràn vào nhà được, đê quanh cù lao cũng được nhà nước đầu tư nâng cấp một số đoạn có rừng không bị sạt lở nữa, chịu được sóng lớn rồi cù lao ngày một lớn dần, nhờ rừng cây mà cứ thế lấn ra sông”.
Xen vào câu chuyện giữa chúng tôi và chị Hiên, một cụ ông cao tuổi không nhớ nổi tên mình liền góp chuyện: “Ngày xưa, ở đây thú và chim nhiều lắm, con lịch lớn đến 2 – 3 ký giờ thì không thấy chúng nữa. Đặc biệt, từ hồi chiến tranh với giặc Mỹ, chúng rải chất độc hóa học làm nhiều diện tích rừng bần ở đây bị chết”.
Thường ở khu vực các cửa biển đều có nhiều loài cây sinh trưởng và phát triển tốt, phát huy được sức mạnh chắn sóng của mình. Nhưng đáng kể đến nhất ở đây là cây bần xanh, bần được trồng ở bên ngoài để bao và ngày một lan rộng lấn ra biển.
Theo ông Hồ Thanh Kiệt, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, đến nay, độ che phủ rừng toàn huyện vào khoảng 15%, trong đó có 1.600 ha diện tích rừng phòng hộ, 200 ha rừng phòng hộ ven sông. Ngày xưa rừng thưa, đê lở, sau nhiều năm quan tâm chăm sóc, bảo vệ, rừng phát triển rất tốt, có những điểm rừng đã lấn ra biển cách đê 1.500m, chỗ mỏng nhất cũng 300m.
“Sắp tới, huyện sẽ khoanh khu quản lý và khai thác, đồng thời gắn trách nhiệm cho người dân. Sau một thời gian thí điểm ở một số địa phương ven biển, bước đầu người dân rất đồng tình, tiến hành khai thác có quy hoạch, nếu bắt được các loài động vật quý hiếm như rái cá, khỉ thì đều giao nộp cho cơ quan chức năng”- ông Kiệt cho biết thêm.
Từ năm 1992 huyện Cù Lao Dung đã thành lập đội bảo vệ rừng, nay đổi thành Hạt kiểm lâm. Những năm gần đây có thêm các dự án của các tổ chức quốc tế đầu tư phát triển rừng, trong đó lớn nhất là dự án của Chính phủ Đức (GIZ) dự tính mỗi năm trồng khoảng 20 ha rừng phòng hộ ở Cù Lao Dung. Diện tích rừng phục hồi, cuộc sống của người dân cũng dần được cải thiện.
Có rừng là có thủy sản
Những ngày đầu vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, ông Tùng và các thành viên tổ bảo vệ rừng ấp An Quới, xã An Thanh 3 đã phải lặn lội hàng tối đến từng nhà giải thích và thuyết phục bà con đừng chặt cây rừng. Ban đầu bà con còn cự nự không nghe, sau có thêm cả cán bộ huyện xuống hỗ trợ tuyên truyền dần dần họ mới chịu.
Sau bao nỗ lực của những người như ông Tùng, rừng đã được gìn giữ tới nay và phủ thêm xanh.
“Tới đây, huyện sẽ khoanh vùng khu quản lý và tiến hành khai thác, gắn quyền lợi và trách nhiệm với người dân. Sau một thời gian thí đểm ở một số địa phương ven biển, bước đầu người dân đều đồng tình, khai thác có quy hoạch, có phân khu và xử lý xử phạt nếu vi phạm. Nếu bắt được các loài động vật quý hiếm như rái cá, khỉ thì bà con giao nộp cho cơ quan chức năng”- ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết.
Bên cạnh nỗi lo của những người trồng mía, Cù Lao Dung vẫn không ngừng chuyển mình. Đi trên triền đê biển ở cửa Định An, chúng tôi được tận thấy hình ảnh những em nhỏ sau buổi học đang lội bùn bắt cua, tôm đem bán và cải thiện bữa ăn, các em đi đến đâu từng đàn cò trắng bay lên trắng cả một góc trời, vọng lại từ phía xa là tiếng chim bìm bịp kêu vang báo hiệu một ngày nữa đã kết thúc. Chuyến hành trình đất cù lao khép lại với nhiều cảm xúc buồn vui xen lẫn.
Những tia nắng mặt trời len lói xuyên qua những tán rừng ngập mặn như đang lưu giữ những niềm hy vọng cho vùng đất phương nam, nơi đang phải chịu nhiều thách thức từ những tác động của cả thiên tai lẫn con người.
Theo Diễn Đàn Đầu Tư