Độc đáo đội chiêng nữ của người Ê Đê Bih
Nhắc đến người Ê Đê Bih tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người liền nghĩ đến đội chiêng nữ (hay còn gọi là chiêng Jhô) duy nhất tại tỉnh Đắk Lắk.
Xuất phát từ sự độc đáo đó, thời gian qua, đội chiêng Jhô Buôn Trấp đã được mời đi biểu diễn ở nhiều lễ hội trong và ngoài nước. Trong đó, năm 2006, đội chiêng này được cử đi biểu diễn tại Italia.
Là nghệ nhân đánh trống duy nhất của đội chiêng Jhô, bà H’Săn Êban (82 tuổi, trú tại Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) cho biết, từ xa xưa, văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào các dân thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Với người Ê Đê Bih, cồng chiêng là một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống. Trong tất cả các sinh hoạt, lễ hội, thậm chí trong các đám tang của người Ê Đê trước đây đều không thể thiếu vắng tiếng cồng chiêng. Cứ thế, cồng chiêng không chỉ là tài sản quý giá, mà còn góp phần chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của người Ê Đê.
Theo phong tục của người Ê Đê, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới, còn phụ nữ và trẻ em không được phép đánh. Tuy nhiên, duy chỉ có nhánh Ê Đê Bih tại Buôn Trấp là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được cho phép, khuyến khích phụ nữ đánh cồng chiêng.
Dàn chiêng Jhô của đội chiêng nữ dân tộc Ê Đê Bih ở Buôn Trấp có 6 chiếc và 1 trống. Chiêng được chia thành 3 cặp gồm chiêng mẹ, cặp chiêng cha và cặp chiêng con như một gia đình đầy đủ, đoàn tụ.
Cùng với trống Hơ gơ có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng, 3 cặp chiêng tạo ra hợp âm dịu dàng, nhẹ nhàng mang nét đặc trưng riêng của cộng đồng người Ê Đê sinh sống dọc "dòng sông mẹ" Krông Ana.
Khi diễn tấu, các nghệ nhân của đội chiêng nữ Jhô di chuyển vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian, có nghĩa ngược về nguồn cội.
Nghệ nhân H’Săn cho biết, với đội chiêng Jhô, trống đóng vai trò “cầm trịch”, dẫn dắt nhịp điệu cho toàn bộ dàn chiêng. Cũng chính vì thế, mỗi khi biểu diễn, sau khi tiếng trống của bà H’Săn vang lên thì 6 thành niên còn lại của đội chiêng nữ trong trang phục truyền thống, cầm chiêng đánh từng nhịp hòa theo nhịp trống như một dàn nhạc.
Nói đến đây, nghệ nhân H’Săn chia sẻ: “Để đánh trống đúng nhịp là một điều không mấy dễ dàng. Bên cạnh đó, người đánh trống cũng cần phải có thần thái của người “cầm trịch” thì mới dẫn dắt được cả đội chiêng hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình biểu diễn”.
Mòn mỏi tìm “hậu duệ”
Dù hoàn cảnh kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn nhưng thấu hiểu tầm quan trọng của người đánh trống trong đội chiêng Jhô nên những năm qua nghệ nhân H’Săn luôn âm thầm tìm kiếm người kế nhiệm nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc.
Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn hăng say tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng Jhô cho các thế hệ trẻ trong buôn.
Thế nhưng, sau một thời gian dài nỗ lực, cố gắng, nghệ nhân H’Săn vẫn không tìm được người có đam mê đánh trống. Đây cũng là lý do cho đến thời điểm hiện nay, bà H’Săn là nghệ nhân đánh trống duy nhất của đội chiêng Jhô ở Buôn Trấp.
Đưa mắt về phía xa xăm, nghệ nhân H’Săn trăn trở: “Để đánh trống khớp với nhịp điệu của dàn chiêng là một điều rất khó khăn. Vì vậy, có nhiều người chỉ học được vài hôm thì nản lòng bỏ cuộc. Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng.
Bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm, tôi cũng không thể khỏe mạnh được mãi, lỡ mai này về với bến nước của ông bà mà không có người đánh trống thay thế thì đồng nghĩa với việc đội chiêng Jhô ở Buôn Trấp sẽ dần đi vào dĩ vãng. Trong khi, cồng chiêng là nguồn cội, là hơi thở cuộc sống của người Ê Đê”.
Thấu hiểu được những trăn trở của những nghệ nhân lớn tuổi như bà H’Săn, vào ngày 14/6/2022, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng Ê Đê Bih tại Buôn Trấp cho 19 học viên, độ tuổi từ 6-13 tuổi.
Không đứng ngoài cuộc, nghệ nhân H’Săn cũng hăng hái đến lớp truyền dạy cho các học viên nhỏ tuổi. Đến nay, sau 2 tháng truyền dạy, các học viên nhỏ tuổi tại Buôn Trấp từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng, múa xoang thì nay đã đánh được các bài chiêng truyền thống như: Đón khách, cúng lúa mới, cúng bến nước.
Đặc biệt, qua lớp truyền dạy cồng chiêng lần này, nghệ nhân H’Săn đã phần nào trút bỏ được những lo lắng khi đã tìm được một người trẻ tuổi có khả năng đánh trống để thay thế vị trí của bà. Học viên này cũng chính là cháu ngoại của bà H’Săn, hiện đang là học sinh lớp 6.
“Sau nhiều ngày kiên trì truyền dạy, tôi phát hiện cháu ngoại của mình rất lanh lợi và tiếp thu kiến thức đánh trống rất nhanh. Hiện tại, cháu đánh trống chưa được giỏi nhưng về cơ bản rất đúng nhịp và dẫn dắt được đội chiêng nhỏ tuổi. Với kết quả này, tôi hy vọng rằng, các thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu được giá trị của cồng chiêng để cùng nhau lưu giữ, bảo vệ truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại”, bà H’Săn chia sẻ.
Ông Trần Viết Dụ, cán bộ văn hóa thông tin thị trấn Buôn Trấp cho biết, nghệ nhân H’Săn – người đánh trống duy nhất của đội chiêng nữ Buôn Trấp. Trống đóng vai trò rất quan trọng của bộ chiêng, do đó bà H’Săn như là người cầm trịch cho cả bộ chiêng.
Đồng thời, trống cũng được xác định là linh hồn của cả đội chiêng. Trước khi tiếng chiêng vang lên thì trống phải được nổi lên trước, dẫn nhịp cho chiêng đánh theo.
Thời gian qua, nghệ nhân H’Săn đã tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để có một đánh trống có hồn như nghệ nhân H’Săn thì rất khó. Đến thời điểm hiện tại, đội chiêng Jhô, nếu vắng bà H’Săn thì không ai thay thế để đánh trống được.
Khánh Ngọc