ĐBQH Lê Thanh Vân dường như vẫn luôn dư thừa năng lượng so với những gì ông đã thể hiện ở chốn nghị trường hay “quan trường” trước đó. Ông luôn được biết đến là một người quyết liệt, gai góc, hết lòng vì công việc chung. Đầu xuân Mậu Tuất, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện cởi mở với vị Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
PV: Thưa ĐBQH Lê Thanh Vân, có người gọi ông là một “nghị sĩ đa đoan”. Sự “đa đoan” này, phải chăng đã hàm chứa những đoạn trường và sự nỗ lực không biết mệt mỏi từ một chuyên viên cho đến vị ĐBQH đáng kính như hiện tại?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi hơi ngạc nhiên, khi có nhà báo đem từ “đa đoan” để ẩn dụ về tôi. Thường thì, nói đến người đa đoan là nói đến người có nhiều duyên nợ, lắm mối tơ lòng, sống nặng về tình cảm nội tâm, rất khổ và hay dở dang trong tình cảm. Đa đoan còn có nghĩa là đa sầu, nhạy cảm, là sự yếu đuối trong tình cảm, khiến ai đó bị tổn thương bởi sự lọc lừa, trớ trêu của duyên phận, hoặc sự trắc trở, lận đận, chìm nổi trong tình duyên. Cho nên, người ta thường dùng từ đa đoan khi nói về người phụ nữ với nghĩa như vậy.
Với một người đàn ông, thì chuyện đa đoan có thể là chốn sự nghiệp, nhưng tôi không phải là hạng người yếu đuối. Xin khoan hãy nói đến từ “đáng kính” đối với tôi, mà hãy để cho công chúng bình phẩm.
Đúng là tôi đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong bộ máy giúp việc của Quốc hội, từ Văn phòng Quốc hội, đến viện Nghiên cứu lập pháp thuộc ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Thường trực của ủy ban Tài chính – Ngân sách...
Cho đến tháng 3/2014, thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi khăn gói quả mướp về Hải Dương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy và được phân công phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
Ngay khi còn làm chuyên viên, tôi đã được giao nhiều nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, nhiều lần được phân công viết bài cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Sau này, khi tôi về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tôi đã chủ động đề xuất nhiều vấn đề.
Tôi đã “mặc” nhiều chiếc “áo” và chiếc “áo” nào tôi cũng nhận thấy đều “vừa” cả. Tôi chẳng từ nan nhiệm vụ nào. Nếu tổ chức tin tưởng, thì giao nhiệm vụ nào tôi cũng cố gắng hoàn thành. Và, dường như, từ trước đến giờ, chưa ai kêu ca, phàn nàn về công việc đã giao cho tôi.
PV: Ông là một trong những người đưa ra ý tưởng chất vấn trực tiếp để làm rạch ròi từng vấn đề và trách nhiệm của các bên tại mỗi kỳ họp Quốc hội, cũng như việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo thuộc sự giám sát của Quốc hội. Từ đề xuất đến thực tế, ông thấy có điều gì trở ngại?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Ý tưởng chất vấn trực tiếp để làm rạch ròi từng vấn đề và trách nhiệm của các bên tại mỗi kỳ họp Quốc hội, cũng như việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chịu sự giám sát của Quốc hội mà tôi đã đề xuất với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (thời điểm đó) là vấn đề mà ông rất tâm đắc. Chủ tịch Nguyễn Văn An đã làm cho hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội trở nên sôi động hơn, thực chất hơn.
Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm, mãi đến khóa XIII (2011-2015) mới tiến hành, mà cũng chỉ tiến hành ở mức độ “lấy phiếu tín nhiệm” thôi, chứ việc “bỏ phiếu tín nhiệm” thì chưa và việc ấy chỉ tiến hành khi có kết quả của “lấy phiếu tín nhiệm”.
Từ đề xuất đến thực tế, tôi thấy không có trở ngại nào cả, bởi mình cũng chỉ là người đề xuất. Trái lại, những đề xuất ấy lại được Chủ tịch Nguyễn Văn An đánh giá cao.
PV: Khi mới tham gia Quốc hội, ông đã đề xuất ý kiến về việc ban hành luật Trọng dụng nhân tài, coi đó là "Chiếu cầu hiền" của Đảng và Nhà nước. Cho đến thời điểm hiện tại, “Chiếu cầu hiền” đã có hình hài như thế nào rồi?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đề xuất về việc ban hành luật Trọng dụng nhân tài được tôi nung nấu từ lâu. Ý tưởng ấy bắt nguồn từ việc tôi thích lịch sử nước nhà. Tôi đọc nhiều về các triều đại phong kiến ở Việt Nam và cả ở các nước, rồi đọc cả lịch sử đương đại của các quốc gia phát triển, cả những giai đoạn thăng trầm của đất nước. Đặc biệt, tôi đọc Hồ Chí Minh cũng nhiều và tôi thấy Hồ Chủ tịch là người đã biết tập hợp, quy tụ nhân tài vào việc Đảng, việc nước. Đó là thành công vĩ đại của bậc vĩ nhân.
Tôi lại thấy, những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương về trọng dụng nhân tài, nhưng mỗi nơi làm một khác, mà chưa có bộ quy tắc chung cho cả nước. Trọng dụng nhân tài thời nay, dường như chỉ là “mốt” nơi cửa miệng của một số vị có chức quyền, nhưng thực tiễn không phải thế!
Phải có luật để đưa bộ quy tắc có tính bắt buộc về những vấn đề liên quan đến trọng dụng nhân tài, thì mới có nguồn lực tinh hoa ra giúp dân, giúp nước. Các triều đại thịnh trị, các quốc gia phát triển, nhờ có chính sách trọng dụng nhân tài, đã làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc. Và, suy cho cùng, thì chỉ có nhân tài mới nhận ra nhân tài mà thôi!
Đó là lý do vì sao tôi theo đuổi ý tưởng này. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, tôi đã đề xuất ban hành luật Trọng dụng nhân tài và liên tục đến kỳ họp thứ ba tôi kiến nghị, thì Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết, giao Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
Đến khi tôi về Hải Dương, có một người ở Văn phòng Chính phủ gọi điện mời tôi đến dự cuộc họp bàn về vấn đề này, nhưng do bận công tác ở nơi mới, tôi không về dự được. Cho đến nay, tôi không thấy nhắc nữa. Tôi hy vọng sẽ có ngày Quốc hội ban hành “Chiếu cầu hiền” ấy.
PV: Ông cũng là người đầu tiên đề xuất việc thi tuyển chức danh đối với hàm Thứ trưởng trở xuống. Sau đó, bộ Giao thông Vận tải là cơ quan đầu tiên thực hiện việc này. Theo ông, vì sao trên thực tế, phương thức này vẫn thưa thớt và chưa mấy hiệu quả trong việc phát lộ các người tài?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Không chỉ đề xuất luật Trọng dụng nhân tài, tôi còn kiến nghị, đối với các chức danh do bầu cử, thì phải có tranh cử và các ứng cử viên phải trình bày được chương trình, kế hoạch hoạt động của mình trước cơ quan có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm, nhất định phải qua thi tuyển. Cứ xem lại lịch sử sẽ rõ hiệu quả của việc tuyển chọn quan lại dưới thời vua Lê Thánh Tông thì đủ thấy đất nước hồi đó thái bình, thịnh trị như thế nào. Tất cả đều do công tác nhân sự mà ra.
Lo lắng về chất lượng cán bộ hiện nay, tôi đã viết thư gửi Trưởng ban Tổ chức Trung ương để góp ý về việc phân loại và bố trí cán bộ chủ chốt theo từng nhóm ở từng lĩnh vực.
PV: Nhân tài còn phải "chờ" được trọng dụng - đó có phải lý do khiến một số ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thể phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của mình?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đối với những ai có trách nhiệm, thì vận nước lúc này rất đáng suy ngẫm. Câu hỏi lớn là vì sao đất nước ta chưa phát triển đột phá như tiềm năng, lợi thế của mình? Có lẽ, vấn đề cốt tử, đó không chỉ là đường lối đúng đắn, mà là lòng dân và chính sách trọng dụng nhân tài. Cổ nhân nói: “Thuận thiên hành đạo” thì chữ “thiên” ngày nay cần được hiểu là lẽ tự nhiên, là quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Trọng dụng nhân tài chẳng phải là “thuận” theo quy luật phát triển của muôn đời đó sao?
Lại nữa, trong bài Quan hải của Nguyễn Trãi cũng có câu: “Phúc chu thủy tín dân do thủy”, có nghĩa là khi lật thuyền mới thấy dân như nước. Xem trong lịch sử nước nhà, chỉ khi nào các vị thánh đế, vinh vương biết “chấn diệu Hồng đồ” và “thực bồi nguyên khí” thì dân mới “ngưỡng vọng” và sĩ mới “hàm đan” và khi ấy quốc gia mới thịnh trị, vững bền.
Nếu biết trọng dụng nhân tài và thuận theo lòng Dân, thì đó mới thực sự là việc làm có ý nghĩa để đẩy vận nước lên cao, đưa quốc gia Việt Nam phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!