Làng nghề hơn 100 năm tuổi
Từ xưa đến nay, thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Bên cạnh đó, hình ảnh về những bộ lư đồng trang trọng, cổ kính luôn xuất hiện trên bàn thờ tổ tiên của người Việt đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu.
Nghề đúc lư đồng đã tồn tại cả ngàn năm và ở nhiều nơi trải dài khắp đất nước. Riêng tại Tp.HCM nghề đúc lư đồng mới chỉ xuất hiện khoảng 200 năm nay. Cho đến nay, hầu hết các làng đúc đồng này đã bị mai một, những nơi như Chợ Quán, Phú Lâm chỉ còn trong ký ức của nhiều người.
Hiện nay, một nơi vẫn giữ được nghề đúc lư đồng là làng An Hội xưa, nay thuộc phường 12, quận Gò Vấp, Tp.HCM. Làng nghề đúc lư đồng An Hội gắn liền với thăng trầm của dòng họ Trần ở vùng Gò Ngoài (sau đổi tên thành Gò Vấp), tính từ ông tổ làng nghề đến nay đã truyền qua 4 đời.
Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở lư đồng Quốc Kiển - cơ sở lớn nhất trong số ít hộ dân theo nghề còn lại. Tại đây, tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và hơi nóng từ lò nung đã trở thành nét đặc trưng của địa điểm này hàng trăm năm qua. Mỗi người thợ chịu trách nhiệm một khâu, cứ xong khâu này lại chuyển tiếp sang cho người khác, tạo thành một vòng nhịp nhàng, chuyên nghiệp.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Duy Kha, 28 tuổi, chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển - thế hệ thứ 5 kế thừa sản nghiệp, ngành nghề truyền thống của gia đình, cho biết, gia đình anh đã theo nghề và gìn giữ được hơn 130 năm.
“Những năm đầu của thế kỷ 20, nghề đúc lư đồng rất thịnh ở khu vực Chợ Quán (quận 5). Thời điểm đó, hàng ngàn thợ đúc lư đồng làm việc luôn tay vẫn không đáp ứng đủ đơn đặt hàng của dân buôn ở các vùng miệt vườn Nam bộ. Thời điểm cực thịnh của nghề đúc lư đồng, An Hội có đến gần 30 cơ sở với hàng trăm công nhân, nghệ nhân làm việc. Cơ sở lư đồng Quốc Kiển của gia đình anh là một trong bốn hộ còn theo đuổi nghề truyền thống”, anh Kha cho hay.
Theo anh Kha, khoảng 2 tháng cuối năm trước Tết Nguyên đán là thời điểm các lò lư hoạt động hết công suất. Mỗi lò có trên dưới chục người, tất bật làm việc cả ngày lẫn đêm. Tiếng chạm trổ, đập khuôn, khò lửa,… trở thành những âm thanh quen thuộc đặc trưng của làng nghề lư đồng An Hội.
Nghệ nhân Trần Hoàng Việt, 42 tuổi, hơn 24 năm làm nghề lư đồng, ngụ quận Gò Vấp, Tp.HCM cho biết: “Những khâu cơ bản bao gồm làm khuôn ruột; đúc khuôn sáp; bọc các lớp đất sét bên ngoài; đổ đồng đã nóng chảy vào khuôn; đập bỏ khuôn đất; làm nguội (mài giũa, chạm trổ hoa văn, đánh bóng). Mỗi khâu đều đòi hỏi tay nghề cao của người nghệ nhân, phải dồn hết công sức và tập trung cao độ để giúp sản phẩm lư đồng được hoàn hảo nhất”.
Nghề làm lư đồng đòi hỏi lắm công phu vì nhiều công đoạn phức tạp. Trước hết phải chọn đất để làm khuôn. Mà đất để làm lư đồng chỉ lấy ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Chỉ có đất ở những vùng này mới cho ra lò những chiếc lư đẹp. Sau khi mang đất về, xay nhuyễn ra, sàng lọc rồi đem phơi.
Kế tiếp, trộn đất với tro, trấu, pha nước sền sệt, đợi cho đất quện lại, lúc đó mới lên khuôn. Khuôn được làm 3 lớp. Lớp bên trong là đất, ở giữa là một lớp sáp. Tùy vào độ dày mỏng của sản phẩm mà người ta sẽ tạo nên lớp sáp dày hay mỏng.
Việc cuối cùng trong khâu làm khuôn người thợ phải đắp thêm một lớp đất bên ngoài, bao phủ lên tất cả phần sáp. Khi khuôn hoàn thành, phơi chừng một đến hai nắng gắt mới đưa vào lò nung. Để lư đồng không bị rỗ, trước khi đưa khuôn sáp vào lò nung, người thợ còn phải bao bọc 2 lớp đất sét đã được rây mịn bên ngoài.
Kế đó, là bước nấu đồng nóng chảy và đổ vào khuôn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ canh chừng rất kỹ và phối hợp nhịp nhàng giữa người thợ móc khuôn từ hầm nung và người thợ múc đồng từ chảo.
Sau khi đổ xong, chờ khuôn nguội rồi đập bỏ lớp đất ngoài, đục hết đất bên trong, sau đó cạo sạch phần đồng thừa khi lấy từ trong khuôn ra, dũa cho sạch rồi lắp đặt các bộ phận lại sao cho đúng mẫu. Cuối cùng, người thợ sẽ thể hiện tài năng của mình bằng những nét hoa văn độc đáo trên mặt lư như rồng, phượng, chiến mã, mãnh thú hoặc tre, trúc, hoa quả...
Thông thường, một bộ lư đồng có 6 món, chủ yếu là dạng lư tròn hoặc lư vuông. Tùy vào kích thước, sự tỉ mỉ, công phu của mỗi sản phẩm một bộ lư có giá dao động từ 3 triệu đến 20 triệu đồng.
Dần mai một vì thiếu nhân công
“Đa phần nghệ nhân của làng đúc đồng An Hội đều rơi vào “tuổi xưa nay hiếm”, thợ có tay nghề lại đếm trên đầu ngón tay. Lớp thanh niên phần lớn đều không mặn mà với nghề "cha truyền con nối", hầu hết họ đều muốn tìm một nghề khác hiện đại hơn, đỡ vất vả hơn”, anh Kha tâm sự.
“Hiện nay, còn rất ít nghệ nhân tâm huyết vẫn giữ lửa và quyết tâm duy trì nghề truyền thống cha ông để lại, một phần do nghề làm đồng lắm vất vả, gian nan, thu nhập lại bấp bênh, khó đảm bảo cuộc sống nên một số hộ đã bỏ nghề. Giới trẻ ngày nay chẳng có ý định theo nghề này, vừa cực, vừa nóng lại phải ngồi suốt từ sáng đến tối với đất, với đồng. Nhìn đồng nghiệp dần nghỉ bớt, anh lại quyết tâm bám trụ với nghề hơn, dù cho có vất vả, đổ nhiều mồ hôi, công sức”, anh Việt giãi bày.
Làng nghề truyền thống không chỉ đơn thuần mang lại công ăn việc làm cho nguời dân địa phương, mà đó còn là một nét đẹp văn hóa, là “hồn cốt” của người dân xứ sở.
Dù không còn như trước nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được đánh giá cao, bởi mẫu mã đa dạng do được làm thủ công và đường nét vô cùng tinh xảo, có hồn còn sản xuất công nghiệp thường có màu xanh, xỉn màu sau vài năm sử dụng và mẫu mã không nhiều. Như một bản nhạc lúc thăng lúc trầm, lư đồng An Hội đã từng thăng hoa và giờ đang trầm lắng xuống nhưng đó không có nghĩa là sự kết thúc.
Lúc này đây, các nghệ nhân còn lại vẫn đang tiếp tục bám trụ và hy vọng sẽ được giúp hồi sinh làng nghề. Bởi, đây không đơn thuần là một nghề mà nó còn là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.