Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 15/8 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc.
Tham gia “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tư pháp nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, vấn đề này đã được trả lời rất kỹ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu các giải pháp liên quan tới ngành.
Bà Trà hy vọng, với các giải pháp đã nêu sẽ công phá tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Bà Trà cũng cho hay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trình Chính phủ ban hành (dự kiến trong tháng 8/2023).
“Nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trước mắt có Nghị định này để thực hiện, sau đó lâu dài có thể trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số luật để giải quyết cơ bản, căn cốt vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Bên cạnh đó, tham gia trả lời đại biểu liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt đội ngũ pháp chế viên và giám định viên. Bà Trà thừa nhận, tình trạng này đúng như đại biểu nêu, đó là lực lượng mỏng, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy. Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã làm việc và tìm ra các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trong đó, có hai nguyên nhân chính, đó là vướng mắc do thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế nên các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 18 và theo Nghị định 107. Vì vậy, phòng pháp chế ở Sở Tư pháp giảm đầu mối.
Nguyên nhân thứ hai là trong thực tiễn đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, nguồn lực bổ sung, tuyển dụng lực lượng tham gia trực tiếp cho lĩnh vực này không thuận lợi vì chính sách khó khăn, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ sâu.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất một số giải pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023 – 2030.
Trong đó, rất chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng, cơ chế chính sách có liên quan; đồng thời chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, yêu cầu nhiệm vụ để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tư pháp trên cơ sở Nghị định 106 và Nghị định 62, hiện nay hai Bộ đang hoàn tất Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và khung năng lực để mô tả vị trí việc làm đối với pháp chế viên cũng như giám định viên để xác định rõ vị trí việc làm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ cũng như của 63 tỉnh thành để có cơ sở để xác định cái biên chế về lực lượng này.
Bà Trà cũng cho biết, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên và giám định viên, bởi chính sách hiện có không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nếu sửa đổi bây giờ sẽ khó vì liên quan đến lộ trình và các chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
Vì vậy, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thống nhất khi thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ đưa cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho phù hợp với tính chất của nghề nghiệp này.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, là nguồn lực, động lực lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện đang còn khó khăn và vướng mắc liên quan đến hệ thống thể chế cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04 về phân cấp, phân quyền, trong đó sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 32 luật, đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 35 Nghị định, 25 Thông tư.
Đến nay, đã sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã hoàn thành 21 luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền. Đối với Nghị định, đến thời điểm này đã sửa đổi, bổ sung 19 Nghị định.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ đang xây dựng kế hoạch, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi sửa được hai luật cơ bản và quan trọng này, cùng với các luật khác sẽ thúc đẩy được phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 04 của Chính phủ và những luật đã được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua, thực hiện phân cấp, phân quyền rõ, cần mạnh dạn để thực hiện.
Xem thêm:
>>> Cán bộ sợ trách nhiệm, có xu hướng giải thích để "tiện cho mình"
>>> Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm
>>> “Quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Tư pháp nói gì?