Những người “ăn” rác
Bãi rác Nam Sơn mỗi đêm “đón” 4.300 – 4.500 tấn rác, chiếm khoảng 90 % lượng rác thải sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội.
Trước khi đi, chúng tôi đã bấm bụng bảo nhau không ai ăn món có nước, chỉ lót dạ ổ bánh mì và ít lương khô, đã cẩn thận bịt dăm bảy lớp khẩu trang, nhưng khi “ném” mình vào những dãy núi rác cao ngất chứa chất hàng nghìn thứ hỗn tạp, lép nhép, ri rỉ nước, phải kiềm chế lắm chúng tôi mới nhịn được những cơn buồn nôn. Không khí tưởng chừng như đặc quánh lại, nặng trịch, nồng nặc đến nhức đầu, nhưng hàng trăm con người vẫn cặm cụi, lặng lẽ làm việc trong ánh sáng loang loáng đèn thợ mỏ.
Những phụ nữ này đang chờ đến giờ vào bãi.
Các chị mong đợi một đêm bội thu.
Tranh thủ chỉnh đèn.
Theo quy định của ban quản lý Nam Sơn, sau 3 giờ sáng, khi chuyến xe cuối cùng rời bãi, người dân được phép vào thu nhặt phế liệu và phải rời đi trước 6 giờ 30 - 7 giờ sáng. Chưa đến giờ quy định, hàng trăm người đã vượt qua những cung đường vòng vèo, lởm chởm đất đá của vùng núi Thoong, xếp hàng chờ đợi, mắt dán chặt vào cánh cổng khu Nam Sơn. Vài trăm chiếc xe lôi cũng lịch kịch đến tập kết.
Cuốc xẻng, bao tay, khẩu trang và đèn mỏ là những dụng cụ không thể thiếu.
Những chiếc xe lôi tập kích, sẵn sàng vào bãi.
Nhiều phụ nữ tự lái xe lôi.
Cánh cổng “thiên đường rác” mở tung, cả nghìn người ùn ùn kéo nhau vào, ai nấy trong bộ quần áo bảo hộ, trên đầu thường trực chiếc đèn pin của thợ mỏ, dưới chân luôn là những đôi ủng cao su cao lút đầu gối. Dường như mọi người đều cố lao thật nhanh vào bãi và bắt đầu một đêm làm việc cật lực.
Mỗi đêm có khoảng 500 – 800 người vào bãi khai thác, chủ yếu thuộc ba xã lân cận bãi rác là Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn.
Núi rác mấy nghìn tấn này là "cánh đồng màu mỡ" của hàng trăm con người.
Trong không khí ẩm ướt, đượm mùi rác thải, ngần ấy con người gần như không nói với nhau câu nào, lặng lẽ cào cuốc trên “cánh đồng” rác tìm phế liệu cho đến khi trời sáng. Mà không chỉ phế liệu, có cả tỉ thứ “hàng” mà người ta vứt đi có thể được tận dụng để làm nguồn sống cho những con người nơi đây: chăn chiếu, quần áo cũ, thức ăn thừa… Nilon, chai lọ, thùng carton được bán cho những chủ vựa phế liệu, thức ăn thừa, vỏ hoa quả thì làm thức ăn cho gia súc.
Một "mỏ" nilon đang chờ khai thác.
Nhân công ở đây phần nhiều là phụ nữ.
Cũng có khi, người ta vớ phải những thứ kinh khủng như xác động vật, hầu hết đang trong tình trạng phân hủy, mùi xú uế xộc lên tận óc. Một người thu gom phế liệu ở đây cho hay: “hồi trước có những người ở xa về tận Nam Sơn này mua xác chó mèo, chừng vài chục nghìn một con, bảo là để nuôi cá, nhưng ai mà biết họ mua về làm gì …”
Có người không thèm đeo khẩu trang vì ... vướng víu.
Nhưng cũng có lúc, “lộc” đến bất ngờ với những người đi bãi. Anh Vang, một người có thâm niên hơn chục năm đi bãi quả quyết: “Ngày nào ở khu này cũng có người nhặt được tiền. Oách nhất là một chị nhặt được 11 cây vàng được gói ghém kỹ càng. Như nhà tôi, quả to nhất là bắt được 18 triệu. Năm ngoái, mẹ tôi cũng nhặt được cả túi có 13 triệu 600 nghìn. Còn những “quả” nhỏ như dăm trăm, một triệu là chuyện thường. Lắm khi trong túi xách, túi quần túi áo cũ người ta vứt vội, hoặc tiền trong phong bì hiếu hỷ vẫn còn nguyên. Dịp sát Tết là “đậm” nhất. Cũng có khi, rũ những chiếc gối bông cũ, chúng tôi có thể vớ được bạc triệu hoặc ít vàng, chắc là người già cất vào đấy mà người thân không biết. Còn chứng minh thư, giấy tờ nhà, bằng lái xe… bị lưu lạc đến khu bãi cũng nhiều, nếu tìm được chủ, chúng tôi cũng được một chút lại quả gọi là”.
Anh Vang cho biết, ngày nào ở đây cũng có người nhặt được tiền.
Cái lạ nhất ở đây là mọi người làm việc trong không khí tuồng như là im lặng và gần như không thấy tranh chấp, cãi cọ nhau. Hỏi ra mới biết, bãi rác cũng có luật riêng. Các bãi được chia thành các khu thầu thuộc quản lý của các chủ thầu. Các chủ thầu này có đội ngũ thu nhặt phế liệu riêng, khai thác trên “lãnh địa” của mình và bán phế liệu cho họ. Họ cũng là người tự quản lý lao động, đảm bảo không xảy ra tranh chấp.
Tất thảy đều tập trung vào việc khai thác.
Dân đi bãi không chuyện trò với nhau, không phải họ sợ cái mùi khủng khiếp của hàng chục tấn rác đang chực ụp xuống, cũng không phải để giữ “mánh” làm ăn mà chỉ đơn giản là muốn tập trung để làm việc, kiếm càng nhiều phế liệu trong thời gian ngắn nhất. Chị Vượng đã sống nhờ bãi thải Nam Sơn 8 năm, vừa vội vã cào rác vừa nói nhanh: “Chúng tôi ở đây đã thích nghi với đủ các loại mùi rồi, chẳng còn thấy ghê gì. Cả ngày có 3 tiếng được làm trong bãi, phải nhanh nhanh chóng chóng mà bới, may ra thì được món hời, chứ ỏn ẻn bịt mũi hay hóng chuyện với nhau thì có mà…”
Thi thoảng mới nghỉ tay uống hớp nước.
Trong đêm, chỉ nghe rõ nhất tiếng cánh ruồi muỗi bay vo ve, tiếng cào, cuốc bổ xoàn xoạt xuống những bao nilon và thi thoảng là tiếng cửa chập máy ảnh của đám chúng tôi. (Nhìn thấy máy ảnh, một số người né ra chỗ khác hoặc kéo vội khẩu trang lên che mặt).
Rạng sáng, những phu rác còng lưng khuân từng bao tải phế liệu và “hàng” to gấp mấy lần thân người ra chỗ xe lôi. Những thứ thu nhặt được ấy, có thứ họ bán được ngay cho chủ thầu đã đợi sẵn, có thứ phải đem về nhà “sơ chế”, gột rửa lại, gom kha khá rồi mới bán.
Một phu rác hạnh phúc với thành quả của một đêm làm việc.
Cả đoàn xe lôi lại rồng rắn kéo nhau ra khỏi bãi rác, để lại sau lưng bình minh đang lên dần trên lòng hồ nước thải ngập ngụa nước rác, sùi lên bọt bẩn và cột khói đen kịt của nhà máy xử lý rác bắt đầu tới giờ hoạt động.
Bình minh trên hồ chứa rác nội bộ tại khu Nam Sơn.
“Nếu không có bãi rác, chúng tôi sống bằng gì?”
Vài tiếng đồng hồ ngập trong bãi, người chúng tôi đã ngấm mùi rác và cũng bắt đầu “say”, mắt cay xè, nước mũi ròng ròng chảy. Cái mùi đặc trưng của bãi không chỉ ngấm vào da thịt mọi người mà còn bám chặt vào quần áo, loang ra từng món hàng, bịch nilon mà người ta mang về, đeo đẳng theo từng bước chân người.
Môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng nhiều người vẫn muốn "bám" bãi rác.
Nhiều hộ dân sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn cho biết, mỗi dịp giỗ Tết, ma chay hay cưới xin, họ phải vào thông báo trước với Ban quản lý bãi. Cái mùi ấy, đương nhiên, chẳng cách nào ngăn nổi, nhưng Ban quản lý sẽ tăng cường phun xịt hóa chất diệt ruồi muỗi để những lễ lạt này diễn ra đỡ khổ hơn. Người dân ở đây ăn trong rác, ngủ trong rác, sống trong rác, trong nguy cơ bệnh tật vì tiếp xúc thường xuyên với đủ thứ rác thải trên đời. Mặc dù Ban quản lý bãi rác Nam Sơn khẳng định, khu xử lý không ảnh hưởng gì đến hệ thống nước ngầm của dân cư xung quanh, và những người đi bãi cũng quả quyết, họ thích nghi tốt với môi trường, đi khám sức khỏe định kỳ mà không phát hiện ra bệnh gì, nhưng cuộc sống ở Nam Sơn, chỉ cần trải qua một đêm cũng đủ hiểu nỗi cơ cực.
Khu xử ký rác thải Nam Sơn là nguồn sống chính của nhiều người dân xung quanh.
Nhưng người dân nơi đây không chỉ chống chọi với rác, họ còn sống nhờ rác nữa. Nếu chăm chỉ, kể cả không bắt được lộc trời, mỗi đêm lần mò trong bãi rác, người ta có thể kiếm được vài ba trăm nghìn. Anh Nguyễn N. Tuân (31 tuổi) và vợ là Đàm T. Vượng (26 tuổi) cũng bảo, nghe nói khu bãi sắp giải thể, người dân mấy xã đã hốt hoảng sợ mất miếng cơm. Anh chị đã có hai con, một cậu bé sắp lên lớp 2. Đêm, anh chị gửi con ở nhà cụ nội và đi bãi. Anh Tuân khoe, ngoài nilon, chai nhựa đem bán, anh chị còn tận dụng được những rau, cơm thừa về chăn lợn, vỏ ngô, vỏ mít chăn bò.
Anh Tuân, chị Vượng thu gom rau thải về tăng gia.
Ngậm ngùi, anh bảo: “Chúng em không có bằng cấp, không có nghề nghiệp gì, xin việc ở đâu cũng khó. Có bãi này để kiếm ăn là may lắm rồi, nếu mà bị cấm thì chúng em chẳng biết làm việc gì. Vả lại, việc chúng em làm cũng là giúp xử lý bớt rác cho bãi, mà cũng làm an ninh hơn cho xã hội. Anh tính, đêm người dân lo chí thú đi làm kiếm tiền, thời gian đâu mà tạo ra tệ nạn xã hội nữa!”
Chị Mai, anh Sỹ, hai vợ chồng hơn 40 tuổi cho biết, họ đã làm ở bãi 5, 6 năm nay. “Hồi xưa nhà tôi ở Thanh Hóa, nghèo lắm, trôi dạt ra đây đã chục năm. Bây giờ mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được chừng 8 – 10 triệu, cũng đủ nuôi hai đứa con ăn uống, học hành. Khổ thì khổ vậy, ô nhiễm thì ô nhiễm vậy nhưng có thu nhập chú ạ. Khu này không ít nhà giàu lên nhờ rác đấy!”
Vợ chồng anh Sỹ và "chiến lợi phẩm".
Hy vọng đổi đời của những người đi bãi ở Nam Sơn không xa, nhiều người đã phất lên, giàu có nhờ rác. Nhưng khát vọng ấy, hẳn là còn nhiều gian nan.
Vất vả, nhưng những người đi bãi vẫn luôn mơ về một cuộc sống khá giả hơn.
Chúng tôi về đến Hà Nội, đã bỏ đi bộ quần áo, đôi giày, khẩu trang, nhưng cái mùi đặc trưng của Nam Sơn vẫn còn bám theo trên thịt da mà ám ảnh tâm trí, thi thoảng lại khiến chúng tôi giật mình. Cái mùi ấy, nỗi chua xót ấy, dù có tắm gội cũng không tài nào gột sạch.
> Đọc thêm: Phát động cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Theo Trí thức trẻ