Trắng đêm đi tìm "vũ nữ chân dài"
Sau nhiều lần sắp xếp lịch hẹn, cuối cùng tôi cũng được "bám càng" phi đội săn nhái đêm giữa mùa đông buốt giá. Thấy tôi lập cà lập cập, chân bước run rẩy, anh Chung, người vốn được anh em trong đội tôn làm "phi đội trưởng" luôn miệng giục tôi bước sát theo anh và nhẹ nhàng để không gây tiếng động lớn khiến nhái sợ. Song phần vì lạnh, phần vì mắt kém nên tôi cố bám theo anh cùng đội nhưng với dáng đi liêu xiêu như kẻ đã say bí tỉ. Đã từng đi nhiều nơi, trải nghiệm qua đêm cũng nhiều, nhưng đi lang thang rình mò từng góc ruộng, bờ mương trong cái lạnh mùa đông với màn đêm đặc quánh, lắc rắc mưa rơi thì đây quả là lần đâu tiên trong đời. Song tôi vẫn cố bám theo đội hình theo vệt sáng đùng đục, loẹt quẹt chấp chới phát ra từ chiếc đèn soi chạy bằng pin con thỏ tự chế gắn trên đầu bốn thành viên trong phi đội săn nhái để được một lần mục sở thị và được thưởng thức món "vũ nữ chân dài".
Đồ nghề của những thợ săn "vũ nữ chân dài"
Bộ đồ nghề của thợ soi nhái đơn giản, chỉ có chiếc bình ắc - quy, đèn soi, rọng sắt và cây chụp; có khi chỉ cần một chiếc lốp, săm xe đạp, xe máy hỏng là có thể làm "vũ khí" để đi săn "vũ nữ chân dài" tinh ranh rồi. Phương tiện đi lại chủ yếu của nhóm thợ làm nghề săn nhái là... chân đất. Hôm nào đánh bắt " xa bờ", tức là sang cánh đồng làng khác, thì có thêm chiếc xe đạp cà tàng làm bạn đồng hành và thường vứt chỏng chơ ở bờ mương, bờ kè khi săn nhái ngoài ruộng. Đến địa điểm đã được tiền trạm có nhái từ trước đó, mấy thành viên trong phi đội sẽ tùy nghi di tản mỗi người mỗi hướng bắt đầu cho chuyến mưu sinh đầy may rủi và thử thách.
Bám riết theo "đội trưởng" Chung, chỉ cần thấy một vài thao tác của anh cũng đủ thấy anh là một tay "sát" nhái. Đặc biệt là cái tài quan sát mà theo cá nhân tôi đánh giá, nó như một thứ linh cảm đặc biệt, chỉ có ở người làm nghề chuyên nghiệp. Trên cánh đồng vừa thu hoạch vụ thu đông, anh Chung chỉ cần rảo một vòng là chiếc rọng đã rủng rỉnh ếch, nhái. Chỉ cần một cú lướt đèn soi qua gốc rạ hoặc bụi rậm, anh Chung cũng có thể phát hiện một cách chính xác nơi ẩn nấp của ếch, nhái. Ngoắt chiếc đèn soi sang bờ mẫu để chụp con nhái cơm ngồi gọn dưới gốc rạ, anh Chung nói: "Nhái cơm khôn dữ lắm, khi nghe tiếng động là nằm thu gọn một chỗ. Nhiều con có màu da hòa lẫn với màu cây cỏ nên rất khó quan sát. Lắm lúc, nó ở ngay dưới chân mình hoặc lọt hẳn vào trong luồng sáng của đèn rọi nhưng cũng không thể thấy chúng được".
Anh Chung kể: "Lúc đầu, mới vào nghề chưa am hiểu về đặc tính của con nhái nên chúng tôi thường lắp chiếc đèn ắc - quy có ánh sáng trắng bắt mỗi đêm chỉ được chừng một kg. Nhưng chỉ cần chỉnh chiếc đèn có ánh sáng đỏ và để ý chút xíu là sẽ bắt được nhiều. Bởi trong quá trình săn tìm, ánh đèn đỏ lướt qua sẽ tương phản với mắt nhái; nếu nhái cơm thì tròng mắt màu trắng, còn mắt ếch màu hơi đỏ và mắt cóc thì có màu đỏ bằm…".
Cùng chung tâm trạng, anh Huy Hùng, một tay soi ếch có tiếng trong phi đội cho biết thêm: "Muốn bắt được nhiều thì phải biết nhìn trời. Đi săn nhái "kị" nhất là hôm trời sáng trăng. Vào đêm trời sáng trăng thì nên ở nhà, bởi có đi thì cũng vác giỏ về không. Không hiểu sao vào đêm sáng trăng, ếch nhái không bao giờ ra khỏi hang và bặt tiếng kêu. Còn hôm nào gặp mưa buổi chiều thì hôm đó "trúng mánh". Thời điểm này, ếch nhái tìm, cặp nhau dữ lắm! Chỉ cần một khoảnh ruộng là có khi bắt được cả cân nhái. Đêm nào bắt được nhiều, anh em lội bộ cả chục cây số mà chẳng ngán tí nào. Nếu gặp mưa giữa chừng thì dạt vào bụi tre hoặc chung áo mưa ngồi tụm lại ở trên góc bờ ruộng, chừng nào ngớt hạt thì đi tiếp…".
Thế nhưng, đâu phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, nhiều lúc cũng chẳng bắt được con nào, do hiện nay người dân sử dụng thuốc trừ sâu nhiều trong canh tác nên nguồn nhái tự nhiên cạn kiệt. Đặc biệt, theo nhiều người săn nhái, chính việc dùng xung điện đánh bắt cá ở ao, hồ sông rạch như hiện nay đã khiến trứng nhái bị tiêu diệt. Nhiều đêm đi cả chục nơi mà chẳng thấy ếch nhái đâu. Hôm nào trúng quả ước chừng cũng soi được vài ba cân mang về cải thiện bữa ăn hoặc có mang bán cũng chỉ được 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Anh Chung bên chảo chế biến món "vũ nữ chân dài"
Món nhậu ngon của thực khách
Sau buổi săn nhái đêm đó, anh Chung rủ tôi về nhà và được tận mắt nhìn anh chế biến món nhái xào sả ớt. Theo anh Chung, vài năm gần đây, trong nhà hàng, quán nhậu, món khô nhái cũng được kê trong thực đơn với cái tên khá kêu: "Vũ nữ chân dài". Do đó, nhái cũng được tiêu thụ mạnh trên thị trường thực phẩm. Thế nhưng, nhái tự nhiên không đủ sản sinh cung cấp cho thị trường nên đa phần ếch nhái lớn thường là nhái được nuôi ở các trang trại và tất nhiên thịt sẽ không thể ngon bằng nhái bắt ở đồng. Khi chế biến món nhái xào sả ớt thì kiêng nhất là rửa nhái nhiều lần trong nước, bởi làm vậy thịt nhái sẽ nhanh nhão và rất tanh. Để làm sạch nhái trước khi chế biến thì cần sục cả giỏ nhái vào nước muối đậm. Chất nhờn trên da nhái sẽ hết. Trước khi chế biến, cần lột sạch da, rút hết những dải gân trắng ở hai đùi nhái, bỏ nội tạng. Sau đó ướp sả ớt và đảo nhanh qua chảo dầu sôi. Khi nhái chuyển màu vàng là chín và có thể ăn được.
Hoặc cũng có thể chế biến món nhái chiên bằng cách: Nhái để nguyên con, rửa sạch, để thật ráo, sau đó ướp thật vừa với gia vị, hành tỏi, tiêu và đường, để khoảng 10 phút cho ngấm. Trứng đánh tan để làm chất nhúng nhái với bột. Nếu muốn ăn ngậy thì có thể cho bơ đã chảy vào trong lúc đánh trứng. Đặc biệt lưu ý, không nhúng nhái vào hỗn hợp trứng đổ nguyên hỗn hợp trứng vào bát nhái đã ướp gia vị, trộn đều. Sau đó, rây bột đều lên hỗn hợp đó. Khi chảo nóng già thì cho nhái vào chiên. Khi chín thì ăn kèm với tương ớt chua ngọt hoặc có thể ăn với mayone...
Cũng theo những người soi nhái ở đây cho biết, nghề soi nhái ở một số vùng quê đã tồn tại khoảng hơn chục năm nay, còn một hai năm trở lại đây rộ lên việc nam thanh, nữ tú rủ nhau đi săn ếch nhái nhằm để trải nghiệm cuộc sống cũng nhiều. Thế nhưng, để đeo đuổi được nghề này, ngoài yêu cầu sức khoẻ dẻo dai cũng cần phải có con mắt nhạy bén, giác quan rất tốt, đặc biệt là tính kiên trì mới có thể thành công được. Phần lớn những người đi bắt ếch nhái để bán hiện nay đều khó khăn, nhiều gia đình sống bằng nghề soi nhái theo kiểu cha truyền con nối. Săn nhái kéo dài trong cả năm, nhưng vụ săn nhái chính là khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Sau vụ thu - đông, người đi săn nhái thưa dần do nhái vào mùa nghỉ đông rất khó bắt. Ông Nguyễn Dương Phấn, một người có thâm niên trong nghề trầm ngâm: "Vào mua săn nhái, mỗi ngày hai cha con tôi săn được 6 - 7kg, cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Còn hôm nào soi không có nhái đành phải mượn đỡ tiền bên ngoài để "chạy gạo". Nghề này hễ ngày nào gác rọng là ngày đó xem như đói".
Văn Hoàng