Dù khác nhau về tuổi tác, công việc, vị trí địa lý … nhưng những bạn trẻ này đều có niềm say mê với văn hóa cổ của dân tộc. Họ đã tập hợp nhau thành hội Đại Việt Cổ Phong và bắt tay thực hiện nhiều dự án phục cổ, từ trang phục, kiến trúc, cảnh quan cho tới phong tục tập quán của người Việt xưa. Sự thành công của một số dự án do họ thực hiện cho tới thời điểm hiện tại là rất đáng ghi nhận. Nhằm làm rõ hơn thông tin tới bạn đọc về các dự án này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với họa sỹ Cù Minh Khôi, Hội phó hội Đại Việt Cổ Phong (ĐVCP).
Ai cũng có thể góp sức
Thưa anh, được biết mấy năm qua, nhóm ĐVCP đã thực hiện thành công nhiều dự án phục dựng trang phục cổ. Anh có thể chia sẻ cho độc giả một số thông tin về những dự án này?
Từ khi thành lập năm 2014, nhóm ĐVCP đã thực hiện được một số dự án mà tôi cho rằng khá thành công, điển hình là dự án Hoa Văn Đại Việt. Dự án này vẽ lại và số hóa những hoa văn tiêu biểu, đặc trưng nhất của các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng phục dựng lại những hoa văn mang đặc trưng văn hóa Việt nhất có thể để làm nguồn tư liệu phục vụ cho các lĩnh vực khác như: phim ảnh, truyện tranh, nghệ thuật …
Chúng tôi cũng đang bắt đầu một dự án rất lớn là khôi phục trang phục của các triều đại trước đây. Chúng tôi vừa giới thiệu chiếc áo Giao lĩnh (loại cho trẻ nhỏ) - một loại áo cổ và được xem trọng trong lễ tiết của người xưa tới công chúng.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác với một số đơn vị khác nhau thực hiện các dự án như: vẽ truyện tranh lịch sử, tổ chức các cuộc thi vẽ truyện tranh lịch sử …
Chắc hẳn nhóm ĐVCP có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này?
Nhóm của chúng tôi gồm rất nhiều người trẻ (trên dưới 30 tuổi) ở nhiều địa phương và làm nhiều công việc khác nhau. Mục tiêu của nhóm là tập hợp những người yêu thích và đam mê văn hóa xưa chứ không đặt nặng phải là người chuyên ngành mới được tham gia. Tất nhiên nếu nhóm có nhiều người có thâm niên nghiên cứu trong lĩnh vực này thì rất đáng mừng. Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất nằm ở phương pháp và hướng nghiên cứu. Công tác ở lĩnh vực gì không quan trọng, miễn là có đam mê.
Hiện mẫu trang phục cổ của Việt Nam như thế nào vẫn là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi. Nhóm của anh phải làm thế nào để hạn chế những tranh cãi đó?
Như mọi người đều biết, trang phục thời Lý, Trần, Lê hiện còn rất ít tư liệu (chủ yếu qua các bức tượng, những di vật khảo cổ ít ỏi …). Vì thế chúng tôi phải đối chiếu không chỉ các nguồn tư liệu trong nước mà còn tham chiếu với tư liệu, trang phục của các nước đồng văn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để đưa ra mẫu phục dựng và phỏng dựng gần đúng nhất với trang phục thực tế. Hiện nay có nhiều họa sỹ lựa chọn phương án lấy các mẫu họa tiết đã được số hóa của … Trung Quốc rồi gán vào trang phục Việt. Thành ra nhiều sản phẩm khi ra mắt bị dư luận lên án là na ná trang phục nước ngoài.
Trang phục cổ đang bị lệch chuẩn?
Được biết việc phục dựng một bộ trang phục cổ rất tốn kém. Vậy nhóm phải làm thế nào để có kinh phí?
Lúc mới thành lập, chúng tôi hoạt động dựa trên nguồn vốn tự đóng góp của các thành viên. Sau khi nhóm có chút danh tiếng thì chúng tôi liên kết thực hiện với một số đơn vị để tư vấn trang phục cho các dự án phim, truyện tranh… Riêng chi phí phục dựng trang phục cổ quả là rất lớn và nhóm chúng tôi không đủ sức. Vừa rồi để phục dựng một chiếc áo Giao lĩnh (loại dành cho trẻ nhỏ) chưa đi kèm với phụ kiện và thêu thùa cũng đã rất tốn kém rồi. Chưa kể trang phục người lớn, giới quý tộc, vua chúa... chi phí phục dựng có khi lên tới hàng tỉ đồng. Thế nên trước mắt chúng tôi chỉ thực hiện dự án nhỏ bằng hình thức gây quỹ cộng đồng.
Như anh nói, với những trang phục thời Lý, Trần … vốn không có căn cứ để khẳng định đúng sai. Vậy có gì đảm bảo sản phẩm của nhóm anh phục dựng là chính xác?
Đúng là không thể khẳng định trang phục được phục dựng là chính xác hoàn toàn. Thế nhưng khi thực hiện, chúng tôi tham chiếu nhiều nguồn tư liệu khác nhau nên tuy đó là sự phỏng đoán nhưng có tính chính xác khá cao. Hơn nữa khi mỗi sản phẩm được hoàn thành, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng cũng như tham khảo ý kiến từ các nhà nghiên cứu độc lập và các chuyên gia trong lĩnh vực phục cổ và phỏng cổ.
Tại sao nhóm của anh lại chọn một lĩnh vực khó và dễ gây tranh cãi như trang phục cổ để nghiên cứu?
Tất cả chúng tôi đều có niềm đam mê phục hưng văn hóa cổ. Bởi chúng ta muốn giữ và phát huy được truyền thống thì phải khẳng định được nó đã. Nhưng hiện nay trang phục xưa của chúng ta như thế nào? Hình dáng ra làm sao? Tất cả còn mông lung quá? Hiện tại từ phim ảnh, truyện tranh, trang phục của các đoàn nghệ thuật truyền thống … đều không chuẩn nên lâu dần người dân hiểu sai, hiểu không đúng về trang phục của cha ông. Chúng tôi muốn góp sức mình để khôi phục lại những chuẩn mực đó (theo hướng gần đúng nhất có thể). Trong tương lai, chúng tôi còn muốn mở rộng sang lĩnh vực kiến trúc, đồ cụ, phong tục … Tất nhiên đó là mong ước lớn cần có sự chung tay của nhiều người.
Xin cảm ơn anh
Phạm Thiệu