Mắc màn chờ nấm... mọc
Nấm chẹo (tên địa phương là boóc - pào) chỉ mọc ở một số vùng núi các tỉnh Đông Bắc. Đặc biệt, nấm này chỉ mọc 2 lần trong năm, tuổi đời chỉ kéo dài 1-2 ngày nên được các thương lái chờ chực để mua với giá rất cao.
Những ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi đến xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) vào đúng dịp nấm chẹo nở rộ. Vừa thấy đoàn người ra khỏi bìa rừng, một số lái buôn đã bám lấy ngã giá mua nấm. Người lau nấm, người xếp nấm, người cân nấm, người đếm tiền, thậm chí, có người cầm nhiều tiền quá không đếm nổi phải nhờ anh em, họ hàng đếm hộ. Cánh đàn ông thì nhặt nhanh những cây nấm bị loại bỏ vào làn xách về. Tiếng hò nhau "uống rượu với đặc sản nấm chẹo" vang khắp bản.
Sở dĩ, loài nấm này có tên gọi như vậy vì nó chỉ mọc ở dưới tán cây chẹo. Huyện Đình Lập xưa nay vẫn được mệnh danh là "vựa nấm quý" ở vùng Đông Bắc vì có khí hậu phù hợp. Loại nấm này chỉ mọc vào khoảng thời gian tháng 3 - 4 và 8 - 9 âm lịch trong năm, cũng có thể kéo dài sang tháng 10 âm lịch. Nấm thối rất nhanh, thông thường vòng đời của chúng chỉ kéo dài 1 - 2 ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, nấm chẹo là một vị thuốc nếu ăn nhiều sẽ nóng. Công dụng tốt nhất của loại nấm chẹo này được dân bản lưu truyền là làm tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ khó sinh nở?
Cánh thương nhân lùng sục khắp các thôn bản để thu mua nấm chẹo.
Anh Tuấn, người được gọi là thợ "săn" nấm nức tiếng ở xã Bắc Lãng chia sẻ: "Thông thường, loại nấm này mọc 2 lần/năm và chỉ mọc rộ trong khoảng 1 tuần/tháng, sau đó chúng chỉ mọc lác đác. Nấm chẹo chỉ xuất hiện sau cơn mưa, khi trời nắng gắt vừa tắt".
Chính vì nấm không mọc cố định nên ai may mắn đến sớm sẽ hái được nấm. Nấm mọc nhanh đến nỗi, bước chân người trước vừa đi khỏi một lúc, người đến sau lại hái được. Chính vì vậy, người dân thường đi hái nấm từ 2-3h sáng, với hy vọng sẽ "săn" được nhiều nấm loại 1, là loại nấm vừa mọc, hình cái ô, chưa xòe mũ nấm. Việc "săn" nấm ngày càng khó nên nhiều người dân trong vùng đã mắc màn ngủ tại rừng để chờ nấm mọc.
Anh Tuấn cho biết thêm: "Hái nấm chẹo cũng phải đúng cách. Khi hái cầm vào thân nấm nhấc nhẹ hoặc xoay nhẹ (nếu làm nhanh hoặc mạnh thì nấm sẽ bị gãy). Mặt khác, theo kinh nghiệm của người dân bản địa, khi hái, không được ngồi hái mà phải cúi xuống hái, nếu ngồi xuống hái thì nấm sẽ không mọc nữa. Khi nấm đang nhú lên, nếu có hơi người hoặc người nhìn thấy, hoặc sờ vào thì nấm sẽ mọc chậm.
Ngoài ra, hái nấm thì phải để lại rễ để nấm mọc tiếp vào ngày hôm sau và chỉ được hái nấm ở dưới tán cây chẹo, nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn với loại nấm độc khác, có hình dáng và màu sắc tương tự. Hái xong, bảo vệ nấm phải cẩn thận như... nâng trứng, vì chỉ cần va đập nhẹ thôi cũng có thể làm nát cây nấm”.
Tan gia bại sản vì "cơn lốc nấm"
Vào vụ nấm, cánh lái buôn từ khắp các vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đổ về huyện Đình Lập thu mua nấm rồi bán lại cho các lái buôn Trung Quốc. Anh Hoàng Minh L. (một lái buôn "có nghề" ở huyện Đình Lập) cho biết, cánh lái buôn thu mua nấm chẹo tươi và khô.
Hiện, cánh thương lái thường chia ra làm 3 dạng nấm. Nấm loại đặc biệt nhất (nấm loại I) có hình dạng giống như chiếc ô cụp xuống, đường kính rộng khoảng 3 - 7cm, không sứt mẻ và không bị đứt gốc. Nấm loại II là những cây có tán rộng hơn, có thể có vết xước nhỏ hoặc đứt gốc.
Sau khi chọn 2 loại ra, số còn lại là loại III (khi loại bỏ những mảnh mũ, gốc nấm bị gẫy và vỡ vụn). Mỗi loại sẽ được trả giá khác nhau, tùy theo chất lượng. Tuy nhiên, một số chủ buôn thường nhìn số lượng nấm mà ước chừng để mua "đổ xô" (lẫn lộn các loại) với giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/kg.
Thời gian gần đây, do nấm ngày càng khan hiếm nên giá một kg nấm loại một có thể bán với giá 3 triệu đồng. Vì đắt đỏ như vậy nên có nhiều người còn gọi vui đây là "nấm đại gia".
Việc hái nấm phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận.
Giới buôn nấm cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Ông chủ muốn thâu tóm toàn bộ "thị trường" nấm phải dùng rất nhiều mánh khóe. "Lão pản" (thuật ngữ chỉ ông chủ lắm tiền) sẽ thổi giá nấm chẹo cao ngất ngưởng, thậm chí ông ta chịu lỗ vài vụ để "đánh bật" những ông chủ nhỏ, ít vốn.
Thậm chí, "lão pản" còn dùng "mưu hèn kế bẩn" bằng cách bày mưu để người dân bán lẫn lộn nấm độc với nấm chẹo. Nấm độc có hình dạng rất giống với nấm chẹo, màu sắc sặc sỡ chẳng khác gì nấm chẹo nhưng đó lại là loại nấm cực độc, người dân vẫn gọi bằng tiếng Tày là "boóc-có". Nếu không phải là người dân bản địa, không phải là ông chủ có thâm niên lâu năm trong nghề buôn nấm thì sẽ rất dễ bị sập "bẫy" cánh lái buôn tinh quái.
Hiện nay, tại huyện Đình Lập có hàng chục ông chủ gom hàng cho cánh lái buôn Trung Quốc. Cánh lái buôn này sẽ đến các thôn bản để đặt "chân rết" chuyên gom hàng cho họ. Khi những đầu nậu này tập kết đủ hàng, họ sẽ vận chuyển qua Trung Quốc theo các đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Chi Ma, đường mòn qua xã Bắc Xa (huyện Đình Lập). Thậm chí, một số ông chủ còn chở nấm qua các đường mòn ở Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).
Thấy nhiều ông chủ "phất" lên nhờ buôn nấm, những người dân bản địa cũng mạnh dạn đứng lên thu mua nấm nhưng do thiếu kinh nghiệm nên có khi tan gia bại sản. Anh Vi Văn K. (một chủ buôn thuộc dạng có "máu liều" ở đất Đình Lập) đã bán số trâu, bò của gia đình để làm vốn buôn nấm. Anh không dám thổi giá lên cao nhưng có thể chọn nấm rất thông thoáng giữa các nấm loại I, II và III. Chính vì vậy, người dân thích bán cho anh này.
Sau một thời gian, các "lão pản" thấy người dân đến bán nấm ít dần nên đã tìm cách "hạ" anh K.. Họ xé nhỏ lẻ nấm và thuê người khác đem bán ngược lại cho anh K. thu mua vào. Vốn máu liều, lại muốn làm ăn lớn nên anh sẵn sàng "ôm" hết hàng. Số tiền gia đình tích cóp, vay mượn cũng dồn hết vào vụ nấm đó. Thế nhưng, cuối cùng anh đã sạt nghiệp vì mấy ông chủ người Trung Quốc chỉ trả chưa đến 1 triệu đồng/kg, trong khi anh đã mua với giá 1,5 triệu đồng/kg.
Theo tìm hiểu của PV, toàn huyện Đình Lập có mấy chục lò sấy nấm thủ công. Vì nấm khô giữ được lâu và lại bán được giá nên nhà nào có vốn liếng thì cố gắng làm lò sấy thủ công. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn chưa biết đầy đủ cách sấy nấm nên đã bị thua lỗ và "treo nồi" vì thất bát. Đó là trường hợp của ông Hoàng Văn V., sau vài vụ thu mua nấm tươi bán cho các ông chủ lớn ở Đình Lập, ông V. quyết định dùng số vốn đó để xây lò sấy.
Tuy nhiên, do chưa biết bí quyết để sấy nên ông đã làm hỏng lượng lớn nấm quý. Lần đầu khai lò, nấm cháy đen thui vì quá lửa, lần thứ hai thì lửa nhỏ quá nên mấy ngày mới khô nấm, khi đó nấm bị mốc và không bán được giá, ông lỗ nặng. Vài mẻ sau, nấm vẫn không đạt chất lượng, ông "cụt" vốn.
Có rất nhiều ông chủ nông dân như ông V. cũng nuôi ước mộng làm giàu, nhưng rồi trở nên trắng tay sau mẻ nấm "đen thui". Đó là chưa kể, mấy năm nay nấm khan hiếm nên khiến những người đầu tư vốn lớn xây lò sấy nay không có hàng để chế biến đã phải "treo lò", có nhiều người trở thành trắng tay.
Vì giá nấm chẹo càng ngày càng đắt nên có người may mắn kiếm được vài triệu đồng mỗi đêm đi hái nấm. Hơn nữa loài nấm đặc biệt này chỉ mọc trong tự nhiên, không thể trồng ở nhà. Trung tâm Tư vấn, Quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Cirum) cảnh báo: Hiện nay, nấm chẹo càng trở nên khan hiếm. Nguyên do là vì người dân đốt nương làm rẫy nên vô tình đốt luôn rễ nấm chẹo. Hơn nữa, do nấm chỉ mọc trong thời gian rất ngắn nên người dân địa phương thường nhổ cả cây (gồm cả rễ) để hái được nhanh hơn, nhiều hơn. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào về tác dụng của nấm chẹo, nhưng nấm chẹo đang được người Trung Quốc thu mua với giá ngất ngưởng. |
Hoàng Thế Tào