Thời gian qua, xu hướng người dân vay tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tăng cao. Do thủ tục vay đơn giản, người dân ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà thường chú ý đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng. Thế nên, sau một thời gian vay tiêu dùng, không ít người đứng trước nguy cơ… “ôm” thêm cục nợ.
Chia sẻ với PV, LS. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch công ty Luật BASICO cho hay, có thực tế khi các đơn vị cho vay công bố lãi suất cố định từng khoản vay theo tuần, tháng nhưng không giải thích rõ. Điều này tạo cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất rất cao.
Hiện nay, thủ tục quá dễ dàng, nhân viên các công ty tài chính, tổ chức tín dụng chào mời nhiệt tình khiến người dân dễ dàng vay tiền để… hưởng thụ (sắm xe, mua nhà...). Trong khi đó, luật còn những lỗ hổng. Cho vay tín dụng đen bị xử phạt, nhưng các tổ chức tín dụng, công ty tài chính cho vay lãi suất cao thì không. Dường như, nhiều quy định trong luật đang “đi ngược” cơ chế thị trường. Vay tín dụng đen bị khống chế mức lãi suất nhưng các tổ chức tín dụng lại được “nới lỏng”.
Theo các chuyên gia nhận định, hiện các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đang “lập lờ” về mức lãi suất dẫn đến việc người dân “nhắm mắt” vay tiền.
“Cùng công bố lãi suất 1%/tháng đối với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, trả gốc mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng nếu phải trả lãi theo số dư nợ gốc cố định ban đầu, lãi suất sẽ lên đến 22% mỗi năm, không còn là 12% mỗi năm nữa. Theo tôi, cần minh bạch vấn đề lãi suất để bảo vệ người tiêu dùng khi vay.
Theo luật hiện hành, để đảm bảo phản ánh đúng lãi suất, tránh tình trạng con số công bố và thực chất khác nhau, yêu cầu phải được quy định đổi theo tỷ lệ % mỗi năm; đồng thời tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó”, LS.Đức nói.
Trước những rủi ro về khoản vay, LS.Đức khuyến cáo: “Lãi suất càng cao càng khó trả và rủi ro lớn. Chậm trả lãi suất cao, sau 1 năm lãi suất hoàn toàn có thể tăng gấp đôi so với nợ gốc, thậm chí người dân đứng trức nguy cơ... trắng tay”.
Ở nước ngoài, công tác an sinh xã hội tốt, rủi ro không bị đẩy về phía người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, nếu sơ sểnh sẽ trắng tay. Người đi vay phải nhìn trước ngó sau nguồn trả nợ tương đối an toàn, chắc chắn thì hãy vay. Nếu vay mà không biết lấy nguồn đâu để trả nợ chẳng khác gì đánh bạc, không những không cải thiện cuộc sống mà còn tăm tối hơn.
Cũng liên quan đến vấn đền này, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Kiến Thành nhận định, lãi suất, cách tính lãi suất vay tiêu dùng phải minh bạch rõ ràng. Vấn đề lãi suất vay tiêu dùng không hề thấp như khách hàng tin tưởng.
"Mỗi lần bị trễ đóng quá 1, 2 ngày, người vay bị phạt lên mấy chục %. Chính vì thế, lãi suất tiêu dùng cần hết sức minh bạch để người tiêu dùng biết trước khi vay. Việc cho vay mua nhà không thể tính là vay tiêu dùng vì đó là khoản vay cần thời gian dài mới có thể hoàn trả. Bởi nếu không, người mua nhà có thể sẽ có một số nợ khổng lồ khi thanh toán", TS. Thành nhấn mạnh.
NPV