Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tại hành lang Quốc hội trong buổi làm việc hôm qua (29/5).
Quản lý hoạt động của nhân viên các trang thông tin điện tử nhằm đảm bảo cho hoạt động của cơ quan báo chí chính thống (Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa).
Theo quy định của Bộ TT - TT, tổ chức doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp không được tự thu thập, cung cấp thông tin như các cơ quan báo chí. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Tôi đồng tình với quy định nêu trên và vấn đề ở đây là ý thức của từng cơ quan có trang thông tin điện tử, kể cả của những công ty tư nhân đã được phép hoạt động, nhưng không được hoạt động như một cơ quan báo chí và nếu cố tình làm như vậy là sai. Ở nước ta không có báo chí tư nhân, nên những trang thông tin điện tử của một số công ty tư nhân hoạt động như một cơ quan báo chí là sai pháp luật và cần phải xử lý sớm.
Tuy Bộ TT - TT đã quy định rõ các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân, công ty tư nhân… không được hoạt động như cơ quan báo chí, nhưng tồn tại thực tế là nhân viên các trang thông tin điện tử này vẫn tự do đi lại tại các hội nghị, hội thảo để tác nghiệp. Theo ông, cần có biện pháp gì để quản lý chặt chẽ vấn đề này?
Cơ quan quản lý các trang thông tin điện tử phải có trách nhiệm yêu cầu nhân viên của họ không được vào các hội nghị để lấy thông tin, tài liệu đưa tin bởi đó là hoạt động trái phép. Những người phụ trách các trang thông tin điện tử cũng phải xem xét, không duyệt đưa những thông tin như vậy lên mạng internet.
Các loại giấy phép được cấp cho nhân viên các trang thông tin điện tử tác nghiệp có đúng quy định không, thưa ông?
Đó là vấn đề hoàn toàn sai của người phụ trách các trang thông tin điện tử, vì họ không nằm trong diện hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các trang thông tin điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Theo tôi, Bộ TT - TT cần quản lý chặt chẽ hơn việc cho ra đời các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp…
Có ý kiến cho rằng, hoạt động của nhân viên các trang thông tin điện tử đã làm ảnh hưởng đến công việc của các phóng viên cơ quan báo chí, theo ông cần phải có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Khi nhân viên các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp đi đưa tin, không tuân thủ các quy định về pháp luật của báo chí, chỉ chăm chú những vấn đề họ quan tâm, hoặc vì không có nghiệp vụ, nên họ đưa thông tin sai, gây hại cho xã hội thì phải ngăn chặn.
Các trang thông tin điện tử thường đưa những tin "hot" nhằm giật gân, câu khách để thu hút quảng cáo kiếm lời?
Khi các trang thông tin điện tử đưa tin sai sự thật, Thanh tra Bộ TT - TT sẽ xử lý. Theo tôi, cần tăng chế tài, tăng sự kiểm soát để xử lý nghiêm những sai phạm. Như vậy không có nghĩa là hạn chế báo chí. Các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân… không phải là cơ quan báo chí, nên cần hạn chế. Ai có trách nhiệm hoạt động báo chí, người đó thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.
Các quy định của Luật Báo chí hiện nay đã đủ sức răn đe các hoạt động báo chí trái phép chưa, thưa ông?
Nếu các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ, thì các quy định của Luật Báo chí rất đầy đủ. Trong luật quy định rõ về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân… và theo tôi, báo chí cần làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình.
Theo An ninh thủ đô