Theo phản ánh của bạn đọc, những người sáng lập ra các trang tin điện tử (có giấy phép thành lập trang tin điện tử tổng hợp của cơ quan chức trách) thuộc một số công ty truyền thông ở Nghệ An đã đến tận địa phương "mời chào" bằng các bài viết "bốc thơm" nhằm phục vụ việc quảng cáo cho địa phương.
Ảnh chụp một bài viết "bốc thơm" trên một trang tin. Họ đã cả gan sản xuất và phát hành tin tức như một cơ quan báo chí. Có bao nhiều xã được "phỏng vấn" như vậy?
Theo một số phản ánh, để đăng được một bài viết như vậy, các địa phương phải chi từ 2- 8 triệu đồng, có nơi phải chi cả chục triệu đồng.
Điều gì làm các lãnh đạo địa phương "nhẹ dạ, cả tin" đưa tiền cho họ như vậy?
Xin thưa, mặc dù là trang tin điện tử tổng hợp nhưng cơ quan chủ quản của các trang tin này, thường là các công ty truyền thông tư nhân đã khéo léo đánh lừa nhà chức trách địa phương, biến trang tin này thành cơ quan báo chí.
Theo quy định, trang tin điện tử là website chỉ được phép đăng lại các nội dung trên các kênh của cơ quan, tổ chức nhà nước, không được phép tự ý sản xuất và phát hành nội dung thông tin, bao gồm cả những bài quảng cáo "bốc thơm" như vậy.
Theo một số nhà báo, mặt khác gây ra nguyên nhân để các trang tin điện tử "lộng hành" tại Nghệ An, Hà Tĩnh là các "quan" địa phương thường có tâm lý " ngại vía" báo chí nên khi thấy kẻ giả danh "ỡm ờ" đánh bùn sang ao là họ ngại ngùng, gật đầu cho qua chuyện.
Và như vậy là, cùng với sự lỏng lẻo của nhà chức trách, các trang tin điện tử mặc sức tung hoành, gây ra bao nhiêu nỗi ấm ức cho doanh nghiệp, chính quyền và người dân địa phương.
Hùng Nguyễn
Kỳ sau: Chỉ mặt đặt tên các "cơ quan báo chí" dỏm