Sáng 23/11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện mưa rào nhẹ ở một số nơi. Các hồ thủy lợi như: Hồ Trà Co, Phước Trung, Ma Trai, Tân Giang, Núi Một thuộc các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái đã triển khai xả lũ tràn tự do và mở van xả lũ từ 0,29 – 3,57m3/s.
Chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận đi vận động người dân đưa lồng bè vào nơi tránh trú bão an toàn.
Ninh Thuận khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn
Toàn tỉnh Ninh Thuận có 2.560 chiếc tàu/15.553 lao động. Hiện tại, 2.110 tàu/11.651 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão tại địa phương; đã liên lạc được và hướng dẫn cho 451 tàu của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên ngư trường các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau…. tìm chỗ neo đậu an toàn tại các ngư trường nói trên.
Tỉnh Ninh Thuận đã xác định hơn 100 vị trí trọng điểm tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh như: Khu vực cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam; cửa biển Đông Hải, đê sông Dinh, TP.Phan Rang – Tháp Chàm; khu vực cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải; khu vực đèo Ngoạn Mục; suối SaKai; suối Gia Nhông, huyện Ninh Sơn…. sẽ xảy ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đường giao thông khi cơn bão đổ bộ vào. Từ đó, tỉnh đã đưa ra nhiều phương án ứng phó cơn bão số 9 phù hợp tại từng địa phương.
Đến 12h ngày 23/11, tại các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Bác Ái đã triển khai công tác di dời nhiều hộ dân dọc hai bên triền sông Cái (từ đập Nha Trinh đến cuối sông Cái) đến nơi tránh trú an toàn. Các lực lượng vũ trang đã bố trí 900 cán bộ, chiến sĩ; 8 xuồng và 21 ca-nô trực chiến tại hầu hết các thôn, xã ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh; Trung đoàn Không quân 937 đã hoàn tất việc chuẩn bị, sẵn sàng máy bay trực thăng tăng cường để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn. Vùng 4 Hải quân đã bố trí 100 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đáp ứng việc di dời dân.
Tại phường Đông Hải (TP.Phan Rang – Tháp Chàm), lực lượng bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương sử dụng ca – nô chạy đến từng bè nuôi thủy sản của người dân để thông báo diễn biến bão số 9 và kêu gọi người dân chủ động chằng chéo các lồng bè nuôi để di dời về nơi tránh trú bão an toàn.
Tại huyện Ninh Hải, bộ đội Biên phòng Đồn Ninh Chữ đã cử cán bộ chiến sĩ đến từng bè nuôi thủy sản của người dân, giúp triển khai việc chằng chéo và hộ tống kéo bè nuôi về nơi an toàn ở khu vực xã Nhơn Hải và thị trấn Khánh Hải. Đồng thời tổ chức cho người dân ký cam kết tuân thủ các biện pháp ứng phó với cơn bão theo Công điện của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Trung úy Huỳnh Quốc Ân, Trạm trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Ninh Chữ cho biết: “Hiện tại, cảng Ninh Chữ có 693/2.057 lao động của ngư dân trong và ngoài tỉnh đang neo đậu an toàn. Còn 5 tàu/15 lao động hoạt động trên biển cũng đã nhận được thông báo và đang quay vào bờ”.
Khánh Hòa cho trên 2.000 học sinh nghỉ học để tránh bão
Tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 22/11, UBND tỉnh đã phát đi Công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, chiều 23/11 đến hết ngày 25/11, hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ nghỉ học và yêu cầu sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chỉ đạo các trường học các biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trường.
Huy động mọi lực lượng để phòng tránh bão số 9, các điểm trọng yếu không an toàn sẽ tổ chức di dân, phát dọn cây cối, khơi thông cống rãnh thoát nước.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 8, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung mọi phương tiện, con người để chủ động ứng phó với bão số 9. Hiện nay, Khánh Hòa có gần 1.000 điểm xung yếu, hơn 280.000 dân, 4.000 tàu cá cần di dời để bảo đảm an toàn”.
Cùng với Khánh Hòa và Ninh Thuận, các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk cũng đang tích cực đưa ra các biện pháp phòng tránh bão số 9, đảm bảo không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Miền Trung, dự báo 19h ngày 23/11, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Tới 19h (24/11), vị trí tâm bão ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Đến 19h ngày 25/11, dự báo bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ-Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Từ ngày 24 đến 27/11 trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên được cảnh báo xuất hiện một đợt lũ quét, gây sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.