Tranh cãi đề xuất để doanh nghiệp tự quyết lương

Tranh cãi đề xuất để doanh nghiệp tự quyết lương

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Có ý kiến cho rằng, để doanh nghiệp tự quyết thang bảng lương, chắc chắn người lao động sẽ bị “ép”.

Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức cuộc hội thảo: “Thực trạng chính sách lương và giải pháp cải cách”. Tại hội thảo này, bên cạnh các vấn đề quen thuộc như lương thấp, lương tối thiểu, đối tượng hưởng lương, cải cách lương khu vực hành chính…, đề xuất để doanh nghiệp tự quyết bảng lương thu hút được sự quan tâm của đông đảo các thành phần tham gia.

Bất động sản - Tranh cãi đề xuất để doanh nghiệp tự quyết lương

Người lao động chắc chắn sẽ bị thua thiệt nếu “thả” quyền tự quyết lương cho DN (nguoi lao dong)

Đề xuất trên được ông Trần Chí Dũng, phó giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động VCCI đưa ra kèm theo nhiều dẫn chứng thực tế. Theo ông Dũng, chính sách điều chỉnh tiền lương của Chính phủ tác động rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế và an sinh xã hội. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, tình hình sản xuất khó khăn, với mức lương hiện tại, hàng loạt các doanh nghiệp phải nợ lương hoặc đi vay tiền trả lương cho người lao động. Hơn lúc nào hết, họ cần sự sẻ chia khó khăn của người lao động.

Căn cứ trên những cơ sở đó, ông Dũng cho rằng khu vực doanh nghiệp cần có cơ chế tính lương riêng. Mức lương sẽ được tính trên hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đơn vị sử dụng lao động và thực trạng nền kinh tế. Việc kiểm soát của Nhà nước được hạn chế tối đa trong tính thang bảng lương và đây trở thành một bí quyết, chiến lược kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút nhân tài và chủ động hơn theo quy luật cung cầu của thị trường.

Phản ứng trước đề xuất này, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại khi cho rằng, người lao động sẽ phải chịu thua thiệt khi không đủ năng lực thỏa thuận lương. Ngoài ra, họ còn có nguy cơ không được tăng lương dù có năng lực chuyên môn và thâm niên công tác. Mọi tiêu chuẩn tăng lương có thể sẽ bị doanh nghiệp chủ quan áp đặt.

Liên quan đến phương án tính lương cho khu vực doanh nghiệp, phát biểu tại hội thảo, chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ: Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, trong các giải pháp cải cách tiền lương, bà Mai cho rằng phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố. Hoặc chỉ có lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp làm cơ sở cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Đặng Quang Điều, tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Tôi không đồng tình với đề nghị để doanh nghiệp tự quyết tiền lương. Xét theo tình hình thị trường lao động hiện tại, cung lớn hơn cầu, khi doanh nghiệp tự quyết thang bảng lương thì chắc chắn người lao động sẽ chịu thiệt. Từ trước tới nay, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định mức lương tối thiểu cho các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp chưa thể tự mình tính toán được”.

Liên quan đến quyền lợi của người lao động, ông Điều nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp khó khăn, người lao động cũng chẳng sung sướng hơn. Có người lao động mới có sản phẩm. Vì vậy, họ cần nhận được sự quan tâm và bảo vệ của Nhà nước”.

Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn khi tự quyết bảng lương. Tuy nhiên cần xem xét trao quyền tự quyết ở mức nào thì hợp lý. Nếu áp dụng đề xuất này, Nhà nước nên khống chế mức tối thiểu, cũng như những định hướng cho doanh nghiệp trong việc tính thang bảng lương. Có như thế người lao động mới được đảm bảo quyền lợi và trả mức lương xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra”.

Doanh nghiệp nợ lương tăng 25%

Trong trao đổi gần đây với báo chí, ông Trần Tiến Thịnh, giám đốc kinh doanh của Công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp Tinh Vân cho hay, tình trạng doanh nghiệp nợ lương hiện nay tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tính đến phương án đóng cửa. Theo ông Thịnh, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình cảnh nợ lương của nhiều doanh nghiệp. Một là tác động chung của kinh tế, tín dụng siết chặt trong khi không ít chủ kinh doanh quen sống dựa vào ngân hàng. Hai là bản thân các công ty vốn làm ăn có lãi, đi đầu tư dàn trải ngoài ngành dẫn đến không kiểm soát được dòng tiền. Ba là một số công ty không xây dựng giá trị cốt lõi về chế độ hậu mãi nhân viên.

Bình Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.