Sau loạt diễn biến căng thẳng giữa Warsaw và Kiev liên quan lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã lên tiếng kêu gọi giảm leo thang tranh chấp với quốc gia láng giềng Đông Âu, nói rằng điều đó không nên làm lu mờ hợp tác kinh tế giữa 2 nước.
“Tôi không tin rằng một tranh chấp chính trị và pháp lý có thể phá hỏng những thành tựu mà các bạn đã đạt được”, Tổng thống Duda phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Ba Lan-Ukraine ở thành phố Poznan, miền Trung-Tây đất nước hôm 22/9. “Tôi không nghi ngờ gì rằng tranh chấp về nguồn cung ngũ cốc chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ Ba Lan-Ukraine và nó sẽ không thực sự ảnh hưởng đến quan hệ này”.
Bình luận của ông Duda được đưa ra sau một tuần căng thẳng giữa 2 nước láng giềng, với cao trào là việc Warsaw đơn phương áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để xoa dịu những người nông dân Ba Lan bất bình, trong khi Kiev khiếu nại vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ba Lan và các quốc gia thành viên phía Đông của Liên minh châu Âu (EU) – ngoại trừ Hungary – cho đến nay vẫn là những nước ủng hộ Ukraine nhất quán nhất trong liên minh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Tuy nhiên, giờ đây, không chỉ những vết nứt xuất hiện trên bức tường đoàn kết này, mà thậm chí còn có những cảm giác khó chịu đáng kể giữa Ukraine và một số nước láng giềng ở Trung và Đông Âu.
Nguồn cơn căng thẳng có thể là do EU dỡ bỏ các hạn chế thương mại tạm thời đối với ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine kể từ 15/9, nhưng sâu xa hơn là những cuộc bầu cử gay gắt đang cận kề ở Ba Lan và Slovakia, cũng như sự phân mảnh chính trị ở Bulgaria, và mục tiêu đối ngoại của Hungary.
Không còn “Hành lang Đoàn kết”
Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Cho đến gần đây, hầu hết hàng xuất khẩu của nước này đều được chuyển đến các khu vực ngoài EU.
Tuy nhiên, việc Nga “đóng cửa” Biển Đen sau khi rút khỏi thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đồng nghĩa với việc Ukraine hiện bị cắt đứt các tuyến xuất khẩu truyền thống, và buộc phải dựa vào các con đường khác như các tuyến quá cảnh đường bộ qua Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania trong khuôn khổ “Hành lang Đoàn kết” do EU thiết lập.
Các vấn đề đã nhiều lần nảy sinh, đặc biệt là ở Ba Lan. Ngũ cốc Ukraine tới đây, thay vì được vận chuyển xuyên quốc gia sang các thị trường khác, lại đổ bộ vào thị trường Ba Lan – đẩy giá sản phẩm nội địa xuống hoặc chiếm dụng các kho lưu trữ.
Sau nhiều cuộc phản đối của nông dân, cả Ba Lan và Hungary đều áp đặt hạn chế nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine vào giữa tháng 4 và buộc EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với toàn bộ liên minh.
Lệnh cấm này được duy trì cho đến khi hết hạn vào ngày 15/9. EU coi quyết định không gia hạn lệnh cấm là một cử chỉ đoàn kết với Ukraine. Tuy nhiên, tại các quốc gia thành viên phía Đông của EU, vấn đề này từ lâu đã có tầm quan trọng rất khác. Ở Ba Lan, đối với Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền, đây là mục đích duy trì quyền lực của họ.
Trong cuộc bầu cử được nhiều nhà quan sát coi là then chốt, người Ba Lan sẽ bầu quốc hội mới vào ngày 15/10. Nông dân đóng vai trò quan trọng trong 2 chiến thắng bầu cử trước đó của PiS vào năm 2015 và 2019.
Cuộc tổng tuyển cử càng đến gần, Thủ tướng Mateusz Morawiecki càng không muốn “chọc giận” những người nông dân của mình vì điều đó chắc chắn sẽ làm tổn hại đến triển vọng bầu cử của đảng ông. Thế nên sau khi lệnh cấm toàn EU – bắt đầu từ hồi tháng 5 năm nay – hết hiệu lực, chính phủ của ông Morawiecki đã nhanh chóng đơn phương thực hiện lệnh cấm nhập khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng về một sự thỏa hiệp: Lệnh cấm vận của Ba Lan liên quan đến nhập khẩu chứ không liên quan đến việc quá cảnh ngũ cốc Ukraine.
“Cuộc chiến nghiêm trọng”
Tình hình tương tự đang diễn ra ở Slovakia. Cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 30/9 tới cũng có liên quan đến tranh chấp ngũ cốc. Giống như ở nước láng giềng Ba Lan, cuộc bầu cử này được coi là có tính chất then chốt đối với người Slovakia.
Sau hơn 3 năm dưới sự điều hành của một chính phủ liên minh ủng hộ cải cách “thân phương Tây”, Slovakia có thể chứng kiến sự trở lại của cựu Thủ tướng Robert Fico. Trên danh nghĩa là một nhà dân chủ xã hội, ông Fico trên thực tế là một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu có mối liên hệ chặt chẽ với Thủ tướng Viktor Orban của Hungary.
Ông Fico đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố không ủng hộ Ukraine và thân thiện với Nga, và khẳng định sẽ ngừng hỗ trợ quân sự của Slovakia cho Ukraine.
Có khả năng chính phủ lâm thời do quyền Thủ tướng Ludovit Odor dẫn dắt quyết định đơn phương duy trì các hạn chế nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine để lấy lòng cử tri. Hoặc nói đúng hơn, nếu ông Odor cho phép ngũ cốc Ukraine tuồn vào thị trường Slovakia một cách không hạn chế, điều đó sẽ đẩy nhiều cử tri vào vòng tay của chính trị gia cánh hữu Fico.
Ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã đúng khi dự đoán về một “cuộc chiến nghiêm trọng” giữa các quốc gia thành viên phía Đông của EU và cơ quan điều hành khối có trụ sở tại Brussels, ngay cả trước khi EU quyết định dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine.
Nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có khả năng quyết định đơn phương duy trì lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine nhằm tìm kiếm cảm giác “đồng minh” với các quốc gia vốn là đối tác cũ của Hungary nhưng đã bất hòa với Budapest kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát.
Vì lập trường “thân thiện” với Nga của ông Orban mà Hungary phần lớn bị cô lập trong khu vực về chính sách đối ngoại trong gần 20 tháng xung đột.
Chia rẽ gay gắt trong nội bộ
Không giống như 3 quốc gia nêu trên, Romania không quá “cứng rắn” với hàng nhập khẩu từ Ukraine. Bucharest muốn gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, nhưng ban đầu chỉ hiệu lực trong 30 ngày.
Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu hôm 18/9 cho biết, nước ông đã cho Ukraine thời hạn để đưa ra kế hoạch bảo vệ nông dân Romania trước dòng chảy ngũ cốc “không được kiểm soát” từ Ukraine. Ngoài kế hoạch hành động của Ukraine, chính phủ Romania muốn quyết định các biện pháp phù hợp để bảo vệ nông dân của mình.
Các cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024 ở Romania, điều đó có nghĩa là vấn đề ngũ cốc Ukraine ở đây hiện không cấp bách như ở Ba Lan và Slovakia.
Tuy nhiên, Đảng Liên minh dân tộc La Mã (AUR) cực hữu đang giành được ảnh hưởng ở Romania. AUR có lập trường “thân Nga”, và một trong những chính sách của đảng này là thống nhất tất cả người dân Romania trong một quốc gia, bao gồm cả những người ở khu vực phía bắc Bukovina, một phần của Ukraine.
Còn ở Bulgaria, vấn đề ngũ cốc Ukraine có khả năng gây ra sự chia rẽ gay gắt trong nước. Bulgaria là quốc gia thành viên duy nhất ở phía Đông của EU dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine vào tuần trước. Nông dân trên khắp đất nước hiện đang phản đối quyết định của chính phủ “thân phương Tây” do Thủ tướng Nikolai Denkov điều hành.
Bulgaria vừa tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 5 trong 24 tháng, và hiện có đa số cầm quyền ổn định lần đầu tiên sau vài năm. Vẫn còn phải xem liệu các cuộc biểu tình có gây ra mối đe dọa cho sự ổn định này hay không.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định chọn cách “chờ và xem”. Là cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách thương mại của khối, nhưng EC cho biết họ muốn phân tích các biện pháp mà Ba Lan, Hungary, Slovakia và Romania thực hiện.
Người phát ngôn của EC, bà Miriam Garcia Ferrer, cho biết EC nhận thấy không cần thiết phải cấm nhập khẩu vì không còn bất kỳ sự biến dạng nào trên thị trường. Ủy ban dự định xem xét tình hình trong thời gian một tháng. Sau đó, họ có thể có hành động pháp lý chống lại Ba Lan, Slovakia, Hungary và có thể cả Romania.
Nếu đúng như vậy, có khả năng EC sẽ hành động sau khi cuộc bầu cử ở Ba Lan và Slovakia kết thúc.
(Theo DW, Bloomberg)