Chiến lược mạo hiểm
Jared Kushner đang đánh cược vào một chiến lược mạo hiểm mà các chuyên gia Trung Đông lo lắng sẽ làm hỏng bất kỳ thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine nào trong tương lai.
Là con rể của Tổng thống Donald Trump và là đặc phái viên hòa bình Trung Đông, động thái mới của Kushner có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực gây dựng ảnh hưởng của ông trong chính quyền hiện tại.
Theo Politico, Kushner và nhóm cố vấn của ông được cho là đã đứng đằng sau tuyên bố “Jerusalem là Thủ đô của Israel” của ông chủ Nhà Trắng.
Nhóm này đã thực hiện hàng chục chuyến đi tới khu vực nhằm dung hòa tiếng nói từ người Palestine và nhóm các quốc gia Ả Rập khác.
“Sẽ rất khó để tưởng tượng làm thế nào những nỗ lực hòa bình có thể được tiếp tục”, Ghaith al-OMARI, người từng là cố vấn cho nhóm đàm phán của Palestine từ năm 1999 đến năm 2002, bày tỏ quan ngại. “Tất cả các nhà lãnh đạo Ả Rập từ thế hệ cũ đến mới sẽ đưa ra những hành động mạnh mẽ chống lại điều này”.
Tuy nhiên, một nhân viên gần gũi với Kushner cho biết, động thái mới nhất của con rể ông Trump sẽ được nhận sự ủng hộ rất lớn.
Chứng minh bản thân
Tầm ảnh hưởng của Kushner đã bị thu hẹp lại trong vòng tròn thân tín của Tổng thống Mỹ sau sự xuất hiện của tham mưu trưởng John Kelly, cùng với áp lực từ các cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử của cố vấn đặc biệt Robert Mueller.
Với nỗ lực công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel, Kushner chủ yếu hướng tới một mục tiêu: Chứng minh bản thân mình bằng cách mang đến một nền hòa bình Trung Đông, dù nhiều người hoài nghi ông sẽ thất bại với cách làm này.
Theo các chuyên gia phân tích, con rể ông Trump tin rằng các đồng minh Ả Rập sẽ bắt tay với ông đi theo kế hoạch hòa bình sẽ sớm được đề ra trong năm 2018, được hứa hẹn sẽ là dấu ấn đặc biệt của vị Tổng thống 71 tuổi trong nhiều năm tới.
“Bất chấp những ý kiến từ thế giới Ả Rập”, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều công nhận, nếu không có sự tham gia của Mỹ, chẳng có thỏa thuận hòa bình nào có thể thực hiện”.
Một quan chức Nhà Trắng khác cũng bác bỏ sự bùng phát bạo lực tiềm năng trong phản ứng mới đối với tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump.
Người này đánh giá, diễn biến ban đầu có thể căng thẳng, nhưng nó sẽ không mang hậu quả lâu dài. “Chúng tôi đã dự đoán trước những phản ứng nhưng đủ tự tin về việc một thỏa thuận hòa bình sẽ được thực hiện trong tương lai và Mỹ sẽ trung tâm của quá trình đó”.
Đối với Kushner, vấn đề Jerusalem cũng cung cấp một cơ hội cho nhân vật này tái khẳng định một số quyền lực bị lu mờ trong Nhà Trắng.
Theo nhiều quan chức và các cố vấn tham gia vào kế hoạch Trung Đông của chính quyền cho biết, Kushner nói với Tổng thống Trump rằng, bản thân ông ủng hộ bước đi này, ngay cả khi Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lên tiếng phản đối.
Việc ông Trump trọng dụng lời khuyên từ Kushner trong khi mâu thuẫn với đội ngũ cố vấn và quan chức cấp cao tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Việc đưa ra những quyết sách chính trị có độ rủi ro lớn giống như thỏa thuận Jerusalem lần này, bất chấp sự can ngăn của các trợ lý thân cận là tình trạng rất nổi bật trong chính quyền Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền hồi đầu năm nay.
Cho đến nay, giới quan sát vẫn còn bàn tán cho rằng, chính quyết định sa thải ông James Comey cựu Giám đốc FBI đầy táo bạo, dẫn đến việc bổ nhiệm cố vấn điều tra đặc biệt Robert Mueller được coi là sai lầm lớn nhất của ông Trump trong năm đầu nhiệm kỳ.
“Việc thúc giục Trump sa thải Comey có thể là lời khuyên chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử,” Dan Pfeiffer, một cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama nói.
Dù chưa biết được động thái trên có sự cố vấn của con rể ông Trump hay không, nhưng luật sư của Kushner đã nói rằng thân chủ của ông ủng hộ quyết định của Tổng thống sau khi nó đã được thực hiện.
Người hùng hay thảm họa?
Về vấn đề Jerusalem, một nhân vật thân cận của Kushner cho biết: “Nếu quyết định đúng, ông ấy sẽ trở thành người hùng của những người hùng. Còn nếu sai, đó là một thảm họa”.
Tổng thống Trump lần đầu tiên hứa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel khi ông có bài phát biểu chiến dịch kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm vận động cho Israel hồi tháng 3 năm ngoái. Bài phát biểu này mang phần lớn quan điểm của Kushner.
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng bác bỏ những thông tin về ảnh hưởng quá lớn của con rể ông Trump: “Quyết định cuối cùng về vấn đề Jerusalem thuộc về Tổng thống, sau khi lắng nghe lời khuyên từ nhiều cố vấn. Dù Kushner đóng vai trò quan trọng trong tiến trình, ông ấy chỉ là một phần trong số rất nhiều tiếng nói”.
Từ quan điểm của mình, con rể ông Trump đang hy vọng việc thực hiện lời hứa về Jerusalem sẽ không làm tổn hại đến các mối quan hệ đang gây dựng khăng khít ở Trung Đông, trong đó có Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố công khai Vua Salman - cha của Mohammed bin Salman- gọi động thái của Mỹ là “một bước đi nguy hiểm”. Nhà Trắng thừa nhận họ không thể dự đoán được phản ứng từ thế giới Ả Rập và đang theo dõi một cách cẩn thận.
“Tôi nghĩ rằng họ sẽ phải tĩnh lặng lại và tìm kiếm xem mình nên làm gì tiếp theo”, Ilan Goldenberg, một cựu quan chức bộ Ngoại giao dưới thời Ngoại trưởng John Kerry nói.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, thời gian ấn định cho kế hoạch hòa bình của Mỹ sẽ không thay đổi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hạ mình một chút và tiếp tục công việc. Khi thời điểm này đi qua, chúng tôi sẽ sẵn sàng”.