Tranh cãi Jerusalem: "Núp bóng ông lớn để thét to"

Tranh cãi Jerusalem: "Núp bóng ông lớn để thét to"

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 29/12/2017 18:00

Có không ít quốc gia núp sau "cái bóng" vững chắc của Mỹ để đứng lên chống lại cả thế giới trong vấn đề Jerusalem.

Tiêu điểm - Tranh cãi Jerusalem: 'Núp bóng ông lớn để thét to'

Guatemala và Israel có mối quan hệ khá khăng khít.

Giữa những tiếng chỉ trích mạnh mẽ về lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump với vấn đề Jerusalem, đã có những quốc gia ở những nơi xa xôi bất ngờ ủng hộ bước đi gây căng thẳng của Mỹ.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước về việc phản đối quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel – một loạt các quốc gia nhỏ khác bao gồm: Micronesia, quần đảo Marshall, Togo, Nauru, Palau đã công khai bảo vệ quan điểm của Mỹ.

Nhưng điều gây chú ý nhiều hơn cả là sự xuất hiện của hai cái tên cũng lên tiếng sát cánh bên Tổng thống Trump: Guatemala và Honduras - hai nước duy nhất ở châu Mỹ Latinh ủng hộ hành động chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Guatemala là nước đầu tiên cho thấy, họ không nói suông sau cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc khi thông báo trong tuần này rằng họ sẽ công khai theo con đường của chính quyền Trump.

Tổng thống Guatemala James Morales tuyên bố, đất nước ông sẽ là quốc gia đầu tiên chuyển Đại sứ quán của mình từ Tel Aviv đến Jerusalem, một quyết định đã gây ra một phản ứng dữ dội trong khu vực và thậm chí gây xôn xao cả thế giới.

Ngoại trưởng Jordan mô tả đây là một “sự khiêu khích vô lý”. Trong khi Tổng thống Bolivia Evo Morales - một nhà phê bình lâu năm đối với nước Mỹ - đã viết trên Twitter rằng: Guatemala đã “bán nhân phẩm của mình chỉ để không mất đi những khoản viện trợ”.

Sau khi bỏ phiếu về vấn đề Jerusalem, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, mời các nước không lên án Washington gặp mặt để cảm ơn họ vì “tình hữu nghị với nước Mỹ”.

 Theo các nhà phân tích, Guatemala và Honduras có nhiều thứ để mất nếu lỡ cuốn vào những chính sách khắc nghiệt của chính quyền Trump. Trong đó chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp và nguy cơ dòng chảy thương mại quan trọng, cùng nguồn viện trợ hào phóng từ Mỹ bị cắt đứt.

Các nhà phân tích nhìn thấy hành động của hai quốc gia này vào tuần trước không phải chỉ xuất phát từ việc muốn làm hài lòng Washington. Cả hai nước đã có quan hệ thân thiết với Israel từ lâu và họ đang giải quyết những thách thức trong nước nhờ sự hỗ trợ của cả Mỹ và Israel.

Tổng thống Guatemala James Morales, một cựu diễn viên hài truyền hình và là một người theo đạo Thiên chúa đã dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng truyền giáo có ảnh hưởng rất lớn ở đất nước mình, để liên tục ủng hộ cho quyền công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Nhà lãnh đạo này coi đó là một vấn đề thuộc về tôn giáo nhiều hơn là một động thái chính trị.

Như tờ báo Israel Haaretz gần đây đăng tải, chuyến công du đầu tiên của ông Morales khi trở thành Tổng thống của quốc gia châu Mỹ là đến Israel năm 2016, nơi ông nhận bằng tiến sĩ danh dự. Cũng trong chuyến thăm này, hai nước đã ký hiệp định về hợp tác nông nghiệp và khoa học.

Không những vậy, Israel từng là ân nhân lớn khi viện trợ quân sự cho Chính phủ Guatemala đối đầu lại quân du kích cánh tả trong cuộc nội chiến vào những năm 1980. Các thành viên bảo thủ của quân đội Guatemala hiện vẫn là nhóm ủng hộ chủ chốt của ông Morales.

“Ông ấy đang cố gắng làm hài lòng nền tảng chính trị của mình”, Fernando Carrera, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala và là Đại sứ của Liên Hợp Quốc cho biết. “Morales cũng cố gắng trở nên gần gũi hơn với Mỹ”.

Tiêu điểm - Tranh cãi Jerusalem: 'Núp bóng ông lớn để thét to' (Hình 2).

Chính quyền Tổng thống Juan Orlando Hernández cũng có những mối lo của riêng mình.

Quan hệ giữa quốc gia châu Mỹ Latinh với cường quốc số một thế giới từng trở nên băng giá giữa mùa hè vừa qua khi chính quyền Morales xích mích với một nhóm chống tham nhũng được Mỹ hậu thuẫn. Động thái trục xuất Ivan Velasquez, người đứng đầu của nhóm này đã gây xôn xao dư luận quốc tế. Kể từ sau thời điểm đó, Tổng thống Morales “không được coi là đáng tin cậy ở Washington”.

“Ông ấy đang cố gắng củng cố vị trí của mình và muốn thúc đẩy một chương trình có vẻ rất nhiều phù hợp với các nhà phân tích địa chính trị bảo thủ trên thế giới”, Carrera nói thêm.

Hôm 26/12, Ngoại trưởng Guatemala Sandra Jovel, bênh vực quyết định di dời Đại sứ quán và gọi đây là “một quyết định đối ngoại mạch lạc”. “Những gì chúng tôi đang làm gắn liền chặt chẽ với chính sách đối ngoại của đất nước và những gì đồng minh dành cho Israel”, bà nói.

Trong khi đó, ở Honduras, Tổng thống Juan Orlando Hernández cũng đang đứng ở vị trí chính trị đầy bấp bênh và có thể cần tới sự giúp đỡ của chính quyền Trump. Honduras đang chìm trong các cuộc biểu tình hỗn loạn suốt một tháng qua sau khi kết quả cuộc bầu cử ở nơi đây gây ra những tranh cãi.

Bộ Ngoại giao công nhận ông Hernandez là người chiến thắng trước đối thủ Salvador Nasralla, trong khi Tổ chức các nước châu Mỹ yêu cầu một cuộc bầu cử lại công tâm hơn.

Bị chi phối nhiều thứ, từ việc lo sợ chính quyền Trump xem xét việc trục xuất 57.000 người Honduras đang sống với tình trạng tạm trú ở Mỹ, cho đến việc Honduras đang nhận nguồn viện trợ quân sự từ Israel để ứng phó trước nguy cơ xung đột với các nước láng giềng. Không khó để giải thích cho lý do chính quyền quốc gia châu Mỹ sẵn sàng đứng đằng sau hậu thuẫn Mỹ và Israel.

Giới quan sát dự đoán rằng, Honduras có thể sớm công bố ý định chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem. Một nhà ngoại giao Mỹ Latinh giấu tên nói với tờ Washington Post rằng: “Có những động cơ mạnh mẽ cho thấy Honduras sẽ tiến tới”.

Đối với các nhà lãnh đạo của Honduras và Guatemala, đứng về phía chính quyền Trump dường như là canh bạc an toàn nhất của họ. “Điều đó cho thấy sự cô đơn của các quốc gia này và nhu cầu tìm bạn bè của họ,” David Holiday, một chuyên gia về Trung Mỹ tại quỹ Xã hội mở, nói. “Bất cứ cơ hội nào có thể mang lại lợi ích, họ đều sẵn sàng làm”.

Mặc dù có đến 128 nước đồng loạt lên tiếng phản đối quyết định gây tranh cãi của ông Trump về vấn đề Jerusalem, vẫn còn đó những quốc gia sẵn sàng vì những lý do riêng, tiếp tục theo chân Mỹ làm căng thẳng thêm tình hình.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.