Tranh cãi kết quả Đường lên đỉnh Olympia sau sai sót

Tranh cãi kết quả Đường lên đỉnh Olympia sau sai sót

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Chuyện khắc phục sự cố thế nào, xử lý giải thưởng ra sao đang tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Cuộc thi chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 12 đã kết thúc được hơn một tuần nhưng nó vẫn còn để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả và người trong cuộc. Kết quả cuộc thi được xác định với người giành quán quân là Đặng Thái Hoàng (THPT chuyên Hòn Gai - Quảng Ninh), người về nhì là Thân Ngọc Tĩnh (THPT năng khiếu ĐHQG TP.HCM), về thứ 3 là hai thí sinh: Nguyễn Ngọc Khánh (PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum) và Lê Phương (PTTH chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ, Quảng Nam). Tuy vậy, những khiếu nại về sai sót trong câu hỏi, nghi án “lộ đề” trong trận “đấu trí” chung cuộc này đang trở thành đề tài “nóng”, gây tranh luận hiện nay.

Xã hội - Tranh cãi kết quả Đường lên đỉnh Olympia sau sai sót

4 thí sinh trong cuộc thi Đường lên đỉnh olympia 2012

Tiếp tục phát hiện sai sót mới

“Đường lên đỉnh Olympia” là chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh phổ thông trung học và phụ huynh bởi kiến thức rộng và tính giáo dục cao. Vì vậy, việc sai sót trong một cuộc thi có lượng công chúng theo dõi lớn như Đường lên đỉnh Olympia là một điều cực kỳ tối kỵ. Trước trận chung kết Olympia năm nay, trao đổi với báo chí về quy trình lựa chọn câu hỏi, biên tập viên Tùng Chi khẳng định quy trình lựa chọn câu hỏi rất chặt chẽ với sự tham gia của các thầy, cô cố vấn ở mọi khâu của quy trình.

Tuy nhiên sau cuộc thi, tại nhiều diễn đàn trên mạng, có nhiều người tỏ ra hoài nghi về kết quả của chương trình. Đầu tiên là nghi án “lộ đề” sau câu hỏi của phần thi Vượt chướng ngại vật. Trước khi Thái Hoàng bấm chuông trả lời từ khóa, có hai câu hỏi đã được nêu ra. Tuy nhiên, cả bốn thí sinh đều trả lời sai. Nhiều người cho rằng, với dữ liệu ít ỏi như vậy, Thái Hoàng khó có thể đưa ra được đáp án chính xác là “tiếng Việt”.

Ở câu hỏi đầu tiên “Ngôn ngữ chính thức của Vatican là tiếng gì?”, Thái Hoàng cùng 2 thí sinh khác đều chọn tiếng Ý trong khi chính xác phải là La Tinh. Ở câu hỏi tiếp theo về tháng trong năm dương lịch được đặt theo tên của nữ thần vừa là chị em, vừa là vợ thần Jupiter trong thần thoại La Mã, cả bốn thí sinh đều trả lời sai. Những người có chung quan điểm cho rằng “Olympia bị lộ đề” khẳng định thêm, dù cho 2 ô chữ kia được lật mở, thì cơ sở để đưa ra đáp án vẫn khá mù mờ. Một lý do nữa là nếu trả lời sai ở câu hỏi đó, thí sinh sẽ phải dừng cuộc chơi, tại sao Hoàng dám mạo hiểm như vậy.

Ngoài những điểm nghi vấn trên, mới đây, trên báo chí, TS. Phan Quốc Linh (CH Bungari) có đăng tải bài viết, cho rằng, một số từ khóa được dùng trong phần thi Vượt chướng ngại vật cũng “có vấn đề”. Mường và Việt Mường là hai khái niệm khác nhau, không thay thế. Vì thế, từ khóa của hàng ngang (hàng số 7) phải là Việt Mường chứ không phải là Mường như BTC dùng. Điều này đồng nghĩa với việc BTC đã cho từ khóa sai. Còn trong bảng từ khóa đã viết chữ Nôm (hàng số 4) thì cũng phải viết chữ Hán (hàng số 6) chứ chỉ viết mỗi Hán không, đố ai hiểu được.

Ngoài ra MC Tùng Chi còn nói không chính xác. Chẳng hạn, phần tiếng và chữ: “Ban đầu chúng ta chỉ có tiếng Hán sau đó chúng ta có tiếng Nôm (đúng ra là phải nói dùng chữ Hán, chữ Nôm). Tùng Chi còn nhầm chữ cái với âm tiết: Từ đơn dài nhất trong tiếng Việt là từ nghiêng có 7 âm tiết, đúng ra là phải nói có 7 chữ cái. “Khác với một số chương trình mà ở đó MC có thể dẫn tùy hứng, chương trình Đường lên đỉnh Olympia phải chủ yếu dẫn theo kịch bản. Bằng chứng cho thấy điều này là thường ngày, lúc có vấn đề gì cần phân xử về đáp án, về nội dung câu hỏi... MC này vẫn nhờ đến Ban cố vấn đấy thôi. Theo đó, có thể nói ở chương trình này, MC thực chất là người phát ngôn cho ban tổ chức, mà nhỡn tiền là Ban cố vấn. Vì thế, nếu chỉ đổ lỗi cho MC thì không thỏa đáng”, TS Linh viết.

Một thắc mắc cũng được khá nhiều người đặt ra tại câu hỏi đầu tiền ở phần thi Tăng tốc. Theo Luật thi của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12, có 4 câu hỏi dạng tư duy logic. Câu hỏi bằng hình ảnh với độ khó giảm dần và câu hỏi thứ nhất là về IQ. Ban tổ chức thừa nhận câu hỏi IQ yêu cầu: “Cần bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng với các dữ liệu dựa trên các hình vẽ là một câu hỏi chưa thật chặt chẽ”. PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội khẳng định, câu hỏi đầu tiên trong phần thi Tăng tốc sai. Như vậy, đề thi không chuẩn mực. Mặt khác, chương trình đưa ra vế so sánh 3 mặt trời = 2 ngôi sao khi không có đơn vị để so sánh là không đúng. Theo thầy Cương, nếu đã có dấu = thì có thể có >, < và sự so sánh này trở nên khập khiễng. Còn nghi án lộ đề cũng cần làm rõ. Bởi một cuộc thi uy tín như vậy mà đề xảy ra quá nhiều nghi ngờ là không thể được.

Đều được điểm hoặc mất điểm ở đề sai?

Để các thí sinh có sự cạnh tranh công bằng, TS Toán học Lê Thống Nhất cho rằng nếu đề sai và bị lộ đề thì cuộc thi không có giá trị. Vì vậy, cách giải quyết hợp lý nhất mà không phải tổ chức thi lại là đề sai phần nào thì không công nhận kết quả của phần đó. Nghĩa là không ai được điểm hoặc tất cả được điểm tối đa.

GS. Sử học Lê Văn Lan thì khẳng định, không thể có chuyện lộ đề từ phía Ban giám khảo, Ban cố vấn. “Chúng tôi làm việc rất cẩn mật. Tất cả các văn bản, ý kiến đều đã được nộp lại cho Ban tổ chức một cách đầy đủ. Trước cuộc thi, chúng tôi đã có 2 cuộc họp kín, một lần tại phòng 504 nhà A vào ngày 22/6, một lần thẩm định lại lúc 8h sáng ngày 24/6 ngay trước cuộc thi. Các cuộc họp này đều cửa đóng then cài. Còn việc đề bài của phần thi tăng tốc bị sai thì cần xem xét thật kỹ càng để tránh những hiểu lầm đáng tiếc”, GS Lan phân tích.

PGS.TS Phan Doãn Thoại, viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, cố vấn môn Toán của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2012 lại khẳng định: “Tôi chỉ là cố vấn môn Toán cho chương trình, còn câu hỏi IQ gây tranh cãi lại do một bộ phận khác phụ trách. Vì thế, tôi từ chối bình luận về trách nhiệm trong việc rà soát các câu hỏi và đáp án của chương trình. Tôi cũng đã nhận được thông tin từ ban biên tập chương trình của VTV3 để cùng tìm hiểu và giải quyết các sự cố xảy ra trong chương trình. Theo tôi, thì sai sót của chương trình là có nhưng không lớn”.

PGS Văn Như Cương cho rằng, cả 4 thí sinh trong vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2012 đều là nạn nhân của ban tổ chức. Người làm khoa học không thể chấp nhận một sai lầm đã rõ ràng, nhất là sai lầm trong học thuật hoặc khoa học. Cách tốt nhất để VTV giữ được uy tín của cuộc thi là công nhận 2 nhà đồng vô địch: Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh. Đồng thời VTV nên làm việc với nhà tài trợ để bổ sung nguồn kinh phí cho một giải nhất nữa. Nếu không được thì giải thưởng của nhà vô địch có thể chia đôi, như rất nhiều nhà khoa học chia nhau số tiền thưởng của giải Nobel. Nếu không bị lộ đề, thì cũng phải giải thích cho khán giả biết để không có những ý nghĩ tiêu cực về chương trình.

Lạc Thành


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.