Trước tình trạng xe ô tô dừng đỗ trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa giao sở Tư pháp làm cơ quan chủ trì, nghiên cứu các hình thức xử phạt như cẩu xe, phạt qua hình ảnh từ camera... Đặc biệt, trong các hình thức xử phạt mới, UBND TP.HCM đồng ý cho phép khóa bánh xe vi phạm. Nếu được Chính phủ đồng ý, TP.HCM sẽ là nơi thí điểm thực hiện biện pháp này.
Đề xuất bị "ném đá"
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, vào thời điểm cuối năm 2012, trước tình trạng dừng đỗ trái phép của tài xế xe ô tô xảy ra tràn lan, có chiều hướng gia tăng, UBND quận 1 đã gửi kiến nghị UBND TP.HCM cho phép lực lượng chức năng được phép tháo rời biển số xe ô tô vi phạm khi không có tài xế. Lý giải cho vấn đề này, UBND quận 1 cho biết thời gian qua, trên địa bàn quận có 20 tuyến đường được UBND TP.HCM cho phép tạm thời sử dụng một phần lòng đường để làm bãi đỗ xe có thu phí. Sau đó, những tuyến đường này đã được thu hồi biển báo dừng, đậu xe và lắp đặt biển báo cấm đậu. Việc làm này khiến tài xế xe ô tô mất đi điểm dừng đỗ nên đã cố tình vi phạm. Trước tình trạng này, lực lượng thanh tra kiểm tra, nhắc nhở thì các tài xế thường né tránh hoặc bỏ đi nơi khác gây khó khăn cho việc xử lý. Vì vậy, UBND quận 1 đưa ra kiến nghị được dùng biện pháp tháo biển số đối với những trường hợp vi phạm này.
Theo tìm hiểu của PV, trước khi đề xuất kiến nghị này, UBND quận 1 tiến hành ghi nhận thực tế, lấy ý kiến phản ánh từ người dân. Nhận được nhiều ý kiến tích cực của người dân, ngày 1/10/2012, UBND quận 1 chính thức gửi công văn kiến nghị UBND TP.HCM cho phép lực lượng chức năng quận 1 thi hành biện pháp tháo gỡ biển số xe đối với tất cả các loại xe đỗ sai quy định trên các tuyến đường ở quận 1 gồm: Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Phan Châu Trinh, Thủ Khoa Huân. Đại diện UBND quận 1 cho biết biện pháp trên xuất phát từ thực tế nhiều ô tô, nhất là taxi ngang nhiên dừng, đậu bất chấp biển cấm đậu, cấm dừng. Tuy nhiên, kiến nghị trên sau khi được các cơ quan chức năng công bố cho người dân biết, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, đa số là "ném đá" của người dân về kiến nghị này.
Nhiều tài xế ủng hộ hình thức xử phạt mới
Bà Nguyễn Xuân Thủy (55 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho hay: "Đề xuất trên của lãnh đạo UBND quận 1 là không thể chấp nhận được. Đây là biện pháp vô cùng "chợ búa", không phù hợp với thực tế. Nhìn vào đề xuất này, có thể nói đây là một biện pháp xử phạt xâm phạm tài sản công dân. Theo tôi được biết thì hiện nay không thiếu các hình thức xử phạt hành vi vi phạm giao thông, mà một trong những biện pháo chế tài hữu hiệu hiện nay đó là xử phạt hành chính. Để kiểm soát chặt chẽ và xử lí đúng người đúng tội thì chỉ có thể dựa vào đăng kí và biển kiểm soát xe của tài xế. Vậy nếu như tháo gỡ biển kiểm soát thì có khác gì tình nguyện không kiểm soát phương tiện vi phạm giao thông?".
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Phụng (45 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM, tài xế taxi tại TP.HCM) cho biết: "Người nào có ô tô mới có thể hiểu hết được nỗi khổ của chúng tôi. Thời gian qua, lượng xe ô tô tại TP.HCM tăng cao, mỗi lúc muốn gửi xe thì thật là gian nan. Cánh tài xế chúng tôi lúc nào cũng than thở về những khó khăn, vất vả khi tìm chỗ gửi xe. Đề xuất xử phạt trên càng làm chúng tôi lâm vào khó khăn nhiều hơn nữa"
Ủng hộ khóa bánh xe
Ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, biện pháp xử phạt bằng cách tháo biển số xe ôtô dừng đỗ trái phép trên đường khi xe không có người điều khiển do UBND quận 1 đề xuất là không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Vì vậy, ông Tín đã chỉ đạo "không cho phép triển khai phương án này" tại TP.HCM. Theo theo ông Tín, trước tình trạng dừng đỗ xe trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa giao sở Tư pháp làm cơ quan chủ trì, nghiên cứu các hình thức xử phạt như khóa bánh ô tô, cẩu xe, phạt qua hình ảnh từ camera... Đây là các biện pháp xử lý phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia về quản lý và phát triển đô thị tại TP.HCM, người am hiểu các quy định về xử phạt việc xe ô tô dừng đỗ trái phép trên đường phố cho biết: "Từ trước đây, nhiều người dân tại TP.HCM đã hiến kế cho thành phố là cần thiết nên áp dụng biện pháp cùm chân ô tô vi phạm để xử lý những chủ xe cố tình tránh mặt. Còn nếu xe vi phạm ở vị trí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao, lực lượng chức năng sẽ cho xe cẩu đến kéo đi. Biện pháp trên phù hợp với thực tế, khi thực hiện sẽ đủ lý, đủ tình để xử phạt người vi phạm dừng đỗ trái phép. Việc UBND TP.HCM giao cho sở Tư pháp nghiên cứu các hình thức xử phạt đã được người dân hiến kế thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân".
Đánh giá cao biện pháp xử phạt mới mà TP.HCM đưa ra đối với các xe ô tô dừng đỗ trái phép, anh Lê Thanh (43 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, một chủ xe ô tô), cho hay: "Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình trạng xe ô tô dừng đỗ trái phép xảy ra thường xuyên, mỗi khi lực lượng chức năng đến xử lý thì chủ xe bỏ đi hoặc lánh mặt. Đề xuất khóa bánh và cẩu xe ô tô vi phạm đi là biện pháp cần thiết phải thực hiện để ngăn chặn tình trạng trên. Xe vi phạm sẽ bị khóa bánh bằng một chiếc khóa đặc biệt khiến chúng không thể di chuyển được. Trên khóa có ghi số điện thoại, địa chỉ của đơn vị chức năng để chủ xe liên hệ. Chiếc xe chỉ được mở khóa sau khi chủ xe nhận biên bản vi phạm".
Tại cuộc họp UBND TP.HCM đầu tháng 1/2013, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP. cho rằng, biện pháp khóa bánh xe ô tô vi phạm sẽ tạo sự linh động cho lực lượng chức năng xử lý vi phạm, giảm áp lực cho các bãi giữ xe vi phạm đang quá tải. Bên cạnh đó, biện pháp cùm chân sẽ giảm thiểu chi phí cho người vi phạm khi không phải chịu chi phí cẩu, kéo, lưu kho xe... "Nếu chưa có quy định pháp luật về vấn đề này, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm biện pháp này", ông Tín nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc giao sở Tư pháp làm cơ quan chủ trì, nghiên cứu các hình thức xử phạt xe ô tô dừng đỗ trái phép, ông Nguyễn Hữu Tín còn yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét biện pháp lắp đặt camera trên các tuyến đường cấm ở quận 1 để ghi nhận thời gian dừng của các loại phương tiện, làm cơ sở cho việc xử phạt. Hiện trên nhiều tuyến đường ô tô chỉ được dừng không quá 5 phút nhưng không ít xe dừng lâu hơn song cơ quan chức năng khó xử phạt vì không trưng ra được bằng chứng về thời gian xe đậu.
Sau khi thông tin trên được công bố rộng rãi, đa số người dân, chủ xe ô tô cũng như tài xế đều đồng tình với các biện pháp xử phạt trên. Tuy nhiên, cũng có một số chủ xe ô tô bày tỏ ý kiến cho rằng việc giam xe giữa đường có thể gây thiệt hại cho chủ xe (như mất cắp, xe bị hư hỏng). Trước ý kiến này, một đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy định, ngay cả những trường hợp đỗ xe dưới lòng đường có thu phí, cơ quan thu phí cũng không chịu trách nhiệm về những thiệt hại nêu trên.
Trao đổi với PV, anh Đinh Ngọc Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết: "Các ngành chức năng cần phải xem xét lại biện pháp này bởi nếu như kẻ gian lợi dụng qui định này tháo trộm biển số thì hậu quả sẽ ra sao? Thay vì tháo gỡ biển số xe thì các cơ quan chức năng nên chụp hình lại để có bằng chứng đồng thời gửi thông báo đến cho tài xế biết để đi nộp phạt. Nếu như các tài xế không tuân thủ theo những quy định này thì lúc đó sẽ có biện pháp chế tài mạnh hơn. Như vậy vừa hợp lòng dân vừa, vừa có thể xử lí một cách triệt để tình trạng dừng đỗ xe trái phép của các tài xế tại khu vực trong thành phố".
Thế giới đều đã áp dụng Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Nhật... đều đã áp dụng biện pháp xử phạt xe ô tô dừng đỗ trái phép bằng cách khóa bánh. Tại nhiều tuyến đường ở các quốc gia này đều có cắm các biển cảnh báo sẽ cùm chân (hoặc cẩu, kéo xe) dừng, đỗ sai quy định. Khi thấy xe bị cùm, người vi phạm chỉ còn cách đến đồn cảnh sát theo địa chỉ, số điện thoại có trên khóa để đóng phạt. Các quốc gia thực hiện các biện pháp này đều nhận được sự đồng thuận của người dân. |
T. Nguyên